Chiều 21/6/2020 tại khuôn viên trường USTH đã diễn ra USTH Space Day 2020: Quan sát nhật thực một phần với độ che phủ lên tới 71%. Sự kiện đã thu hút hơn 600 người tham dự bao gồm học sinh, sinh viên, phụ huynh và các câu lạc bộ vật lý thiên văn của các trường THPT trên địa bàn Hà Nội.
USTH Space Day 2020 được Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Cộng đồng Vật lý thiên văn tại Hà Nội phối hợp tổ chức.
Mặc dù thời tiết nắng nóng với nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 45 độ C nhưng sự kiện đã thu hút hàng trăm người tham dự.
Hiện tượng nhật thực bắt đầu vào 13h16 khi Mặt Trăng bắt đầu chạm vào rìa Mặt Trời, đạt cực đại 71% tại Hà Nội vào 14:55 khi Mặt Trăng che khuất Mặt Trời và kết thúc lúc 16:18 khi Mặt Trăng rời khỏi rìa Mặt Trời.
TS Phan Hiền – giảng viên Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, Trưởng ban tổ chức sự kiện cho biết, điểm thú vị của sự kiện lần này là cùng một hiện tượng nhưng ở các vị trí khác nhau sẽ quan sát được độ che phủ khác nhau và đây được coi là trải nghiệm tuyệt vời dành cho những người yêu thiên văn.
“Đặc biệt nhật thực lần này phải 11 năm nữa mới lại diễn ra ở miền bắc và Hà Nội. Chính vì thế USTH đã chuẩn bị khoảng 200 kính lọc mặt trời chuyên dụng và 3 kính thiên văn có gắn phễu hứng ảnh của Mặt Trời giúp mọi người có thể quan sát được hiện tượng thiên nhiên kỳ thú mà 11 năm nữa mới lại diễn ra tại miền Bắc và Hà Nội”.
Bạn Trần Thị Tiên Nhi – sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết: “Mình rất thích các sự kiện về thiên văn nên khi biết USTH tổ chức xem nhật thực mình đã đăng ký tham gia. Ban đầu mình nghĩ đeo kính râm có thể xem được nhưng không phải vậy. Khi đến đây mình được ban tổ chức phát kính chuyên dụng và được tận mắt thấy nhật thực. Mình thấy rất thú vị”.
Một cụ bà 75 tuổi (Cầu Giấy) lần đầu được quan sát hiện tượng nhật thực cho biết: “Hiện tượng này đẹp quá, mà nghe bảo 11 năm nữa mới có nên nắng tôi vẫn cố đi”.
Hiện tượng nhật thực diễn ra ngày 21/6 được gọi là nhật thực vành khuyên. Nhật thực vành khuyên là tên gọi pha cực đại của nhật thực lần này, xảy ra khi Trái Đất ở gần nhất với Mặt Trời vào cùng thời điểm Mặt Trăng lại ở xa nhất so với Trái Đất. Do đó, Mặt Trăng không đủ lớn để che phủ hoàn toàn Mặt Trời. Dù ở thời điểm che phủ lớn nhất, rìa ngoài của Mặt Trời vẫn hiện diện tạo thành một vòng sáng tuyệt đẹp hình vành khuyên, như tên gọi của nhật thực.
USTH Space Day là sự kiện được tổ chức thường niên bởi khoa Vũ trụ và Ứng dụng USTH với các hoạt động cộng đồng liên quan đến bộ môn viễn thám và khoa học vũ trụ nhằm góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học và truyền bá vẻ đẹp của khoa học vũ trụ đến với công chúng.
Cùng ngắm nhìn một số hình ảnh tại sự kiện USTH Space Day 2020: