Khoa Vũ trụ và Ứng dụng được thành lập với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm góp phần đưa ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam vươn tầm quốc tế.
1. Giới thiệu chung
Khoa học và công nghệ Vũ trụ là biểu tượng của quốc gia có trình độ phát triển kỹ thuật cao. Trong thế kỷ 21, khoa học và công nghệ Vũ trụ hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Ở Việt Nam, chính phủ đang đẩy nhanh quá trình phát triển của ngành công nghiệp vũ trụ, để đóng góp vào lợi ích kinh tế công cộng cũng như khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong không gian, tương xứng với vị thế của một quốc gia một trăm triệu dân.
Trong bối cảnh đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, đã và đang thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ vũ trụ tại Việt Nam qua việc thành lập Viện Công nghệ Vũ trụ (STI), Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC), thúc đẩy phát triển dự án xây dựng khu công nghệ vũ trụ tại khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Trong năm 2012, trường Đại học Khoa Học và Công Nghệ Hà Nội (USTH) đã thành lập Khoa Vũ trụ và chính thức lấy tên là Khoa Vũ trụ và Ứng dụng từ năm 2016.
2. Về đào tạo
Hiện nay, khoa Vũ trụ và Ứng dụng đang đào tạo ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ vệ tinh ở cả ba bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Đây là chương trình duy nhất ở Việt Nam đào tạo về Khoa học vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh. Tất cả các môn được giảng dạy bằng tiếng Anh. Nội dung giảng dạy bao gồm phần giảng dạy lý thuyết và thực hành; được chuẩn bị kết hợp bởi các chuyên gia mời từ nước ngoài (đặc biệt là giảng viên người Pháp) và giảng viên Việt Nam.
Hệ thống đào tạo và cấp bằng của Trường dựa trên mô hình LMD – tiến trình Bologna (Cử nhân – Thạc sĩ – Tiến sĩ) – một mô hình đang được áp dụng rộng rãi tại hầu hết các trường đại học tại Châu Âu. Các bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ sẽ tương ứng với số năm học là 3 năm – 5 năm – 8 năm (Cử nhân 3 năm, Thạc sĩ 2 năm và Tiến sĩ là 3 năm).
3. Về sinh viên
Với mạng lưới đối tác tại nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, … trung bình 60% sinh viên, học viên của khoa được đi thực tập nước ngoài. Nhiều sinh viên, học viên của khoa sau khi tốt nghiệp đã ứng tuyển thành công vào các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu uy tín tại Việt Nam như Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viettel, Bosh, FPT Software, … hay nhận được học bổng theo học các chương trình nâng cao tại các trường đại học lớn như Đại học Bách khoa Paris (Pháp), Đại học Cornell (Mỹ), …
4. Về nghiên cứu
Một trong những điều đáng tự hào nhất của Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, đó là thế mạnh về nghiên cứu. Khoa có tỷ lệ công bố khoa học trung bình hằng năm trên số giảng viên cơ hữu cao nhất USTH. Hướng nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực: biến đổi khí hậu, mô phỏng hệ thống trái đất, viễn thám, vật lý thiên văn. Đồng thời, Khoa cũng rất chú trọng đến đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu ở trong và ngoài nước. Điều đó góp phần tạo nên mạng lưới đối tác nghiên cứu sâu rộng cho Khoa nói riêng và USTH nói chung.