Đây là câu chuyện của các cựu sinh viên khóa 8 ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano. Nhưng trên tất cả, đó là câu chuyện về tình bạn, về sự gắn kết, về sự trưởng thành, về những nỗ lực không mệt mỏi của mỗi cá nhân để vượt qua khó khăn trên con đường chinh phục những “con đèo” tri thức. Đó cũng là những lời chia sẻ hết mực chân thành của các anh chị khóa trước dành tặng các bạn khóa sau để các bạn thêm vững tin chuẩn bị hành trang cho chặng đường mang tên USTH.
* Bài viết được thực hiện bởi tập thể sinh viên khóa 8, lớp Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano (AMSN)
Vào một ngày cuối năm 2018, lớp Nano gen 8 đã có một chuyến đi phượt đầu tiên cùng với nhau. Có những người trong chúng tôi lần đầu tiên cầm lái đi ra khỏi Hà Nội, ra khỏi những con đường bằng quen thuộc để đối mặt với những con đường đá khó đi như đường Tây Tiến. Dù đã rất vất vả trên chặng đường đi nhưng khó khăn lớn nhất chúng tôi phải vượt qua trong chuyến đi này lại nằm ở chặng đường về, đó là cả lớp phải vượt qua một con đèo dốc rất cao. Trong bóng đêm, với những người không có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi chỉ có thể đi xe theo thứ tự xếp sẵn và dùng đèn chiếu hậu của xe đi đằng trước như một ngọn hải đăng dẫn đường. Con đèo đó không có tên mà chỉ được đánh số và ký hiệu trên bản đồ. Để ghi dấu lại kỷ niệm, những người có mặt ngày hôm đó đã đồng thuận đặt tên cho con đèo bằng tên của người đi đầu tiên. Từ đó trở đi, với riêng lớp tôi, con đèo đó được gọi là “Đèo Anh Linh”.
Các bạn hẳn đang rất băn khoăn tại sao tôi lại kể câu chuyện này. Bởi lẽ, hình ảnh của chúng tôi ngày hôm đó, chặng đường chúng tôi đã đi chính là hình ảnh ẩn dụ không thể chân thực hơn về hành trình chúng tôi đã trải qua ở USTH.
Chúng tôi đến với khoa học đều là những người mới và cũng phải kinh qua rất nhiều cảm giác bỡ ngỡ như bất kỳ một người mới nào. Chúng tôi đã phải học cách thích nghi và tìm cách vượt qua những trở ngại lần đầu bản thân phải đối mặt. Đôi lúc, chúng tôi cũng không thể nhìn rõ được con đường phía trước nhưng vẫn tìm cho bản thân những niềm tin, niềm an ủi và động lực để bước tiếp. Con đèo Anh Linh nói riêng và những trải nghiệm tại đại học cùng với nhau nói chung đã giúp chúng tôi đúc rút được nhiều bài học giá trị, hiểu thêm về bản thân mình và vững tin hơn vào những chặng đường tương lai phía trước.
Dù con đường chúng tôi đã đi cũng không mấy dễ dàng, nhưng mỗi cá nhân đều đã tìm được những niềm vui, những điều mà chúng tôi trân quý trong suốt cuộc hành trình này.
Điều đặc biệt nhất với Lê Thị Liên (cô bạn chuẩn bị học Tiến sĩ tại Đại học Chicago, Mỹ) trong quãng thời gian ở USTH chính là “ánh đèn chiếu hậu”. Liên cảm thấy rất biết ơn tình cảm và sự giúp đỡ của các thầy cô cũng như các anh chị khóa trên. Không chỉ riêng Liên, mà các thành viên trong lớp cũng đã nhận được rất nhiều lời khuyên chân thành trong công việc cũng như trong cuộc sống từ những người đi trước, giống như ánh đèn chiếu hậu đã dẫn lối cho chúng tôi đi suốt chặng đường đèo vậy. Liên cho rằng USTH chính là một ngôi nhà, nơi các thế hệ gắn kết và cùng nhau phát triển.
Với Trần Minh Quốc, người đang trên chuyến bay tới xứ cờ hoa để tiếp tục chinh phục một “con đèo” khác tại Đại học Houston khi người viết đang hoàn thiện bài viết này, thì những người bạn đồng hành chính là niềm vui đi học của cậu. Niềm vui ấy đến từ những buổi chiều được chơi Age of Empires (Đế chế) cùng chúng bạn. Ngoài những kiến thức khoa học, cậu đã cùng các bạn mài giũa kiến thức về quy hoạch đất đai, quản lý dân số, tái định cư, nghệ thuật quân sự, địa lý học, địa chính trị học, quản lý tài nguyên và thuật ngoại giao…Những người bạn ấy đã cho cậu động lực để đạt được những mục tiêu của riêng mình. Người đồng hành thực sự của Quốc trong chuyến đi phượt hôm đấy là Lê Đức Huy, tuy đã ngủ sau lưng Quốc phần lớn quãng đường, nhưng Huy vẫn rất trân trọng những kỷ niệm mà mình đã có được. Huy cảm ơn mọi người vì tình cảm và sự giúp đỡ của mọi người dành cho cậu khi còn học Đại học, nhờ đó mà Huy đã khám phá được thêm nhiều điều và tích lũy thêm nhiều kỹ năng hữu ích, giống như cách Quốc đã luôn đánh thức Huy dậy để ngắm cảnh sắc dọc đường đi vậy.
Cậu bạn Từ Quang Bảo là người từ rất sớm đã tìm ra được cho mình một “con đèo” mới để chinh phục khi ghi danh vào chương trình M1 chuyên ngành General Physics tại Đại học Paris-Saclay (Pháp) ngay sau khi bảo vệ. Với kinh nghiệm “lên đèo” và “đổ đèo” mà bản thân đã tích lũy khi còn ở USTH, cậu đã về đích thành công dù cho cũng phải đối mặt với không ít trở ngại. Bảo chia sẻ rằng trên đèo bên Pháp có nhiều “phượt thủ” lái lụa hơn cậu và cũng nhiều “ổ gà” hơn cậu nghĩ, nên cậu cũng có đôi phần cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, cậu xế bản lĩnh này đã quyết định tiếp tục học M2 chuyên ngành Quantum Light Matter and Nanosciences ở chính Đại học Paris-Saclay với tinh thần “ngã ở đâu gấp đôi ở đấy”. Bảo cũng bày tỏ lòng biết ơn tới thầy Nguyễn Trần Thuật (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và cô Hoàng Thị Hồng Cẩm (USTH), những người đã giúp đỡ cậu, tạo cơ hội cho cậu được trải nghiệm những “cung đường” mới. Bảo cũng thể hiện lòng yêu mến với những người bạn đồng hành khi đã giúp cậu có thêm sự tự tin và ngày càng vững tay lái trên con đường học thuật.
Trình Quốc Trung (người đã đỗ hai học bổng Erasmus là FAME+ và MAMASELF) cũng đã tìm ra được cho mình những bài học riêng từ chuyến đi. Khi cùng nhau chinh phục con đèo Anh Linh, người vốn chỉ đi tốc độ “trong phố” như Trung đã rất bất ngờ và hoảng hốt khi chứng kiến các bạn mình phóng mất hút vào màn sương. Với một người lần đầu cầm lái đi phượt, Trung đã có một trải nghiệm không thể quên khi phải đi 250km trong một ngày ngắn ngủi. Mà như cậu đã viết trong tus chia sẻ sau đó, cậu đã đi đến khi “tim đập, chân run, mắt lác lác”. Tuy nhiên, khi chuyến phiêu lưu kết thúc, cậu luôn cảm thấy tự hào vì đã phá vỡ được giới hạn của chính mình, cậu hiểu ra được rằng cậu không nên so sánh bản thân mình với bất kỳ ai. Cậu có thể chinh phục con đường của riêng mình, với tốc độ của riêng mình. Người viết tin rằng cậu đã tìm được niềm tin vào bản thân mình (và có thể là cả niềm tin vào chiếc smartphone có cài 3G của cậu). Dù trên con đường mới, nếu có lạc đường hay bị rớt lại phía sau, cậu cũng sẽ tự tìm được con đường của chính mình mà thôi!
Lớp Nano gen8 của chúng tôi còn có Nguyễn Đan Chi (cô bạn được học bổng EGPP để học tiếp thạc sĩ tại Đại học nữ Ewha, Hàn Quốc), còn có Nguyễn Duy Thái (cậu bạn đang học M1 chuyên ngành Chemistry International Track tại Đại học Paris Saclay với học bổng IDEXT) và những người bạn khác nữa như Hữu Lễ, Việt Đức, Duy Linh.
Trong khuôn khổ một bài chia sẻ ngắn và thời gian có hạn, chúng tôi không thể trò chuyện hết được với tất cả mọi người. Dẫu vậy, chúng tôi tin rằng, những người còn lại trong lớp dù đang ở đâu, đang trong cuộc hành trình nào, họ cũng sẽ cảm thấy những điều tương tự như chúng tôi đã cảm thấy. Về đèo Anh Linh. Về lớp Nano gen 8. Về tất cả.
Ai cũng từng là những gã phượt thủ tay mơ và ai cũng có một con đèo Anh Linh của riêng mình để chinh phục. Chúng tôi mong rằng các bạn hãy tận hưởng cuộc phiêu lưu của riêng mình, tự học những bài học và tìm được đến những đích đến phù hợp nhất dành riêng cho bản thân. Chúc các bạn có được những trải nghiệm đáng nhớ tại ngôi trường này bên cạnh những người bạn đồng hành đáng mến!