Khoa khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano tại USTH được thành lập với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trẻ, có chuyên môn cao, tính sáng tạo mạnh mẽ và nhiệt huyết, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực Khoa học Vật liệu của Việt Nam.
1. Giới thiệu chung
Vật liệu tiên tiến là vật liệu của tương lai, với nhiều tính chất ưu việt vượt trội. Vật liệu tiên tiến được nghiên cứu, chế tạo nhằm hướng đến các tính năng đặc biệt mà vật liệu truyền thống không thể đáp ứng được, trong các ứng dụng cụ thể. Gần đây với sự phát triển vượt bậc của công nghệ Nano, công nghệ cho phép nghiên cứu, chế tạo vật liệu ở kích thước nano siêu nhỏ (1 phần tỷ mét). Sự tác động vật liệu ở cấp độ Nano dẫn đến sự thay đổi, sắp xếp cấu trúc bên trong của vật liệu, khiến vật liệu chế tạo có nhiều tính chất đặc biệt.
Hiện nay các vật liệu tiên tiến đã có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống từ chăm sóc sức khỏe (vật liệu kháng khuẩn, vật liệu dẫn thuốc hướng đích, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm), xử lý môi trường (Vật liệu màng lọc tiên tiến, Vật liệu xử lý nước, Vật liệu phát hiện độc tố trong môi trường), chuyển hoá và tích trữ năng lượng (pin mặt trời, pin lithium, đèn LED) tới truyền thông (sợi quang, laser), điện tử (chip xử lý, màn hình thông minh). Có thể thấy, Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống và là một trong những nhân tố quyết định trong cuộc cách mạng Khoa học kỹ thuật hiện nay.
Trong bối cảnh này, nhu cầu về nguồn lao động chất lượng cao làm việc trong các ngành công nghiệp vật liệu cho xã hội là rất lớn. Năm 2010, Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano được thành lập với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trẻ, có chuyên môn cao, tính sáng tạo mạnh mẽ và nhiệt huyết, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của Khoa học vật liệu nước nhà.
2. Đào tạo
Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano đào tạo 02 chương trình đại học và 01 chương trình thạc sĩ gồm có:
Đại học:
- Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano
- Công nghệ vi mạch bán dẫn
Thạc sĩ:
- Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano
Các chương trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Anh, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết, thực hành và kiến thức thực tiễn thông qua các chuyến đi thực tế và thực tập tại doanh nghiệp. Khoa hợp tác với 5 trường đại học Pháp thuộc Liên minh USTH Consortium gồm Đại học Le Mans và Đại học Paris Cité đào tạo và đồng cấp bằng chương trình thạc sĩ.
Kiến thức chuyên môn tốt cùng khả năng ngoại ngữ thành thạo là nền tảng vững chắc giúp sinh viên Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano vươn mình ra thế giới. Nhiều cựu sinh viên đã nhận được những suất học bổng toàn phần để theo học tại các trường đại học lớn tại Pháp, Mỹ, Cananda, Nhật Bản, Hàn Quốc…
3. Nghiên cứu
Bên cạnh đào tạo, Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano chú trọng nâng cao chất lượng nghiên cứu thông qua đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu chung giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực Khoa học vật liệu. Những hợp tác nghiên cứu mạnh mẽ nhằm phát triển một phòng thí nghiệm chung quốc tế, với các thành viên thường trực gồm các nhà nghiên cứu Việt Nam đã được đào tạo trong thời gian làm tiến sĩ tại Pháp.
Các hướng nghiên cứu chính của Khoa bao gồm:
– Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong điện tử và năng lượng,
– Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong môi trường, nông nghiệp và y học,
– Nanophotonics cho các thiết bị cảm biến.
Hai hướng nghiên cứu bổ sung được thực hiện phối hợp với các Khoa khác và các trường đại học và trung tâm nghiên cứu khác tại Việt Nam bao gồm:
– Từ học Nano
– Mô phỏng số