Khu vực Đông Nam Á, với dân số chiếm khoảng 8.6% dân số thế giới, thường xuyên phơi lộ với các sự kiện thời tiết khí hậu cực đoan. Để có thể lập các kế hoạch ứng phó phù hợp với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho tương lai, việc có thông tin chi tiết và đáng tin cậy từ các dự tính khí hậu khu vực là cần thiết.
Tuy nhiên, bài toán dự tính khí hậu khu vực chi tiết cho Đông Nam Á cần một nguồn lực tính toán khổng lồ mà mỗi nhóm nghiên cứu của từng quốc gia riêng lẻ khó có thể thực hiện được. Chính vì vậy các nhóm nghiên cứu mô phỏng khí hậu trong khu vực đã và đang hợp tác với nhau trong khuôn khổ Chương trình chi tiết hoá khu vực Đông Nam Á, còn gọi là CORDEX-SEA. Bài báo mới được công bố (trên tạp chí ISI uy tín Climate Dynamics) được giới thiệu ở đây là một nỗ lực thực hiện từ 2021 đến nay khi 8 nhóm nghiên cứu từ 5 quốc gia đã kết hợp nguồn lực từ 8 hệ thống tính toán hiệu năng cao để thực hiện gần 50 thí nghiệm chi tiết hoá với các cấu hình vật lý khác nhau sử dụng mô hình khí hậu khu vực RegCM4-NH. Các thí nghiệm tốt nhất đã thể hiện sự tái tạo hợp lý các biến trình năm cũng như phân bố không gian của mưa và nhiệt. Một hệ thống xếp hạng khách quan đã được phát triển và áp dụng nhằm so sánh hiệu suất của các thí nghiệm, từ đó cho phép xác định các thí nghiệm được xếp hạng cao nhất cho khu vực Đông Nam Á. Kết quả của nghiên cứu này phục vụ trực tiếp cho pha tiếp theo của CORDEX-SEA trong việc chi tiết các mô hình khí hậu toàn cầu CMIP6 cho khu vực Đông Nam Á.
Chi tiết nghiên cứu xin đọc tại:
Ngo-Duc, T.*, T. Nguyen-Duy, Q. Desmet, L. Trinh-Tuan, L. Ramu, F. Cruz, J.M. Dado, J.X. Chung, T. Phan-Van, H. Pham-Thanh, K. Truong-Ba, F.T. Tangang, L. Juneng, J. Santisirisomboon, R. Srisawadwong, D. Permana, U.A. Linarka, D. Gunawan, 2024: Performance Ranking of Multiple CORDEX-SEA Sensitivity Experiments: Towards an Optimum Choice of Physical Schemes for RegCM over Southeast Asia. Climate Dynamics, https://doi.org/10.1007/s00382-024-07353-5
Kết quả thí nghiệm.