“Chưa bao giờ mình nghĩ rằng sẽ có một ngày đứng trên bục giảng. Song may mắn, và có lẽ cũng là cái duyên lớn của mình chính là gặp được những người thầy thật sự tâm huyết trong những năm tháng tuổi trẻ. Mình có thể khẳng định chắc chắn một điều, tình yêu khoa học của mình được thắp lên nhờ những người thầy, và tình yêu giảng dạy của mình cũng vậy”. Đó là những chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Quỳnh – Trưởng khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano (khoa Nano) trường USTH.
Đánh thức đam mê
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống kỹ sư, lại lớn lên trong khu công nghiệp, ngay từ nhỏ cậu bé Nguyễn Văn Quỳnh đã ấp ủ trong mình niềm yêu thích đặc biệt dành cho Vật liệu, máy móc và lắp ráp cơ khí. Thế nhưng, từ một cậu sinh viên Bách khoa hơn 10 năm trước đến một người thầy, một nhà nghiên cứu trong ngành khoa học vật liệu của ngày hôm nay là cả một chặng đường dài.
Nhớ lại những ngày còn là sinh viên, rồi nghiên cứu sinh ở nước ngoài và những năm đầu đi làm, TS. Quỳnh luôn cho rằng mình thực sự may mắn vì đã gặp nhiều thầy giỏi và tâm huyết, những người đã góp phần quan trọng thay đổi suy nghĩ và cuộc đời của anh. Trong tất cả những người thầy ấy, hai người thầy để lại trong anh ấn tượng sâu sắc nhất là Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu và Giáo sư Jean-Christophe Lacroix (Đại học Paris 7 – CH Pháp).
“Cho đến khi gặp thầy, chưa bao giờ mình có suy nghĩ sẽ theo đuổi sự nghiệp sư phạm. Thế nhưng các thầy, đặc biệt là thầy Hiệu đã dạy cho mình biết thế nào là một người thầy thực thụ. Thầy làm tất cả để tạo điều kiện cho những mầm non khoa học phát triển, để cho những người trẻ có thể yêu khoa học như những thế hệ trước đã từng. Mình có thể khẳng định chắc chắn một điều, đam mê và tình yêu khoa học của mình được các thầy “đánh thức”. Và tình yêu giảng dạy của mình cũng bắt đầu từ điều giản dị như vậy.”
TS. Quỳnh luôn tâm niệm rằng một người thầy tốt không chỉ là người truyền thụ kiến thức cho học sinh mà người đó còn phải truyền được đam mê học tập, là nguồn cảm hứng cho chính sinh viên của mình. Trong giáo dục, để làm được điều đó, quan trọng nhất là hai chữ “tâm huyết”. Đó cũng là điều mà TS. Quỳnh đã may mắn được kế thừa từ các thế hệ thầy giáo tuyệt vời đi trước và mong muốn truyền đạt cho sinh viên trong những tiết học của mình.
“Mình luôn cố gắng để khơi dậy sự tò mò trong các em, thôi thúc các em tìm hiểu xem môn khoa học vật liệu này có gì thú vị mà thầy giáo mình lại say mê như vậy. Và một khi đã bắt đầu tìm hiểu rồi, mình tin rằng các em cũng như mình, bị “ma thuật” của ngành này hấp dẫn, càng ngày càng gắn bó, càng yêu” – TS. Quỳnh tâm sự.
Luyện “vàng mười” ở “lò rèn” USTH
Theo thống kê của USTH, Khoa Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano là khoa có tỉ lệ sinh viên được học bổng đi nước ngoài cao nhất. Mặc dù vậy, điều này cũng khiến cho nhiều sinh viên và phụ huynh lo lắng rằng chương trình học sẽ khá “khó nhằn”. Trả lời cho câu hỏi này, TS. Quỳnh chia sẻ, ngành Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano khó hay dễ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cũng như sự chăm chỉ của sinh viên. Tuy nhiên, cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với toàn bộ sinh viên USTH chính là chương trình học 3 năm.
Thật vậy, khối lượng kiến thức sinh viên USTH phải đảm bảo tiếp thu trong 3 năm tương đương với 4 đến 5 năm học ở các trường đại học khác, đòi hỏi sinh viên phải học với cường độ dày đặc hơn. Tuy nhiên, đây lại là một cái khó “xứng đáng”. TS. Quỳnh cười nhớ lại chuyến công tác sang Pháp năm ngoái của mình, khi anh có cơ hội gặp lại những cô cậu học trò cũ.
“Lần đó, mình có dịp gặp lại lứa sinh viên cũ đang học thạc sĩ tại Pháp theo chương trình học bổng Erasmus. Ngày còn học ở USTH, các bạn sinh viên rất hay kêu thầy ơi, sao nhiều bài tập và báo cáo thế. Tuy nhiên, khi thầy trò hội ngộ ở trời Tây, cũng chính những bạn sinh viên ấy lại nói với mình rằng bây giờ mới thấy thời gian rèn luyện ở USTH thật giá trị. Chương trình học bên này khá nặng, phần lớn sinh viên để theo được phải học vất vả, nhưng dân USTH đã quen với cường độ học tập như vậy nên các bạn không chỉ bắt kịp rất nhanh, mà nhiều bạn còn trở thành người dẫn đầu. Mình rất vui, vì hành trang đáng quý mà các bạn được chuẩn bị khi còn ở USTH không chỉ là kiến thức, mà còn là kỹ năng và bản lĩnh để có thể vượt qua bất kỳ thách thức nào.”
Điều đặc biệt mà các bạn sinh viên khoa Nano được trải nghiệm chính là được tham gia vào nhóm nghiên cứu cùng với các giảng viên. Làm khoa học quan trọng nhất là thực nghiệm, và ở khoa Nano, tinh thần này luôn được đề cao.
“Làm thí nghiệm cũng giống như nấu ăn”, TS. Quỳnh dí dỏm so sánh, “chúng đều thể hiện sự khéo léo và sáng tạo của con người. Nguyên vật liệu có thể giống nhau, nhưng tùy theo cách làm của mỗi người mà thành phẩm chúng ta tạo ra lại khác biệt. Mình luôn tâm niệm, muốn các bạn yêu thì phải để cho các bạn làm. Làm thí nghiệm cũng rèn luyện cho sinh viên sự kiên nhẫn, khả năng tìm tòi và lòng quyết tâm cao. Đó không chỉ là những tố chất cần cho người học ngành Nano mà đó còn là đức tính cần thiết dù bạn làm bất kỳ ngành nghề nào. Mỗi lần các bạn “nấu” ra được một món ngon, cảm thấy mọi sự cố gắng của mình được đền đáp, và những đóng góp của mình có giá trị với thành công của cả nhóm, các bạn sẽ thêm yêu công việc của mình.”
“Điều mình mong muốn nhất bây giờ là làm thế nào để ngành Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano được nhiều bạn trẻ biết đến và đam mê hơn. Đây là một ngành thực sự có triển vọng bởi vì nó gắn liền với nhu cầu của xã hội hiện đại. Trong vòng 15 năm qua chúng ta đã tiến được một bước dài, từ những vật liệu truyền thống như sắt, thép đến các vật liệu có cấu trúc nano siêu nhỏ như hiện nay. Với tốc độ phát triển chưa có dấu hiệu dừng lại, ngành Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano hứa hẹn sẽ trở thành ngành khoa học mũi nhọn của thế kỉ 21” – TS Quỳnh nhận định.
Khi đứng ở điểm khởi đầu của một cuộc hành trình, ít ai có thể chắc chắn hoàn toàn về con đường mà mình lựa chọn. Tuy nhiên, TS. Quỳnh tâm niệm, không quan trọng các bạn học ngành nào hay làm nghề gì, điều cần nhất là các bạn có lòng tin vào quyết định của bản thân. Chính niềm tin ấy sẽ giữ cho bước chân các bạn sinh viên thêm vững vàng để kiên trì theo đuổi con đường mình đam mê.