Trần Hoàng Việt – cựu sinh viên và cựu học viên thạc sĩ (M1) ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh của USTH – vừa nhận tấm bằng danh giá: Thạc sĩ M2 NUCLEI, PARTICLES, ASTROPARTICLES AND COSMOLOGY (viết tắt NPAC) tại Pháp với thành tích xuất sắc (Top 2 NPAC 2023 – 2024).
Theo PGS. TS. Ngô Đức Thành – Đồng trưởng khoa khoa Vũ trụ, USTH nhận định: “NPAC được đánh giá là rất khó và có tỷ lệ cạnh tranh cực kỳ cao. Ngay cả những sinh viên xuất sắc nhất của Pháp cũng khó được nhận vào”. Vậy Trần Hoàng Việt đã có một hành trình như thế nào? Hãy lắng nghe trải nghiệm của cậu bạn trong những dòng chia sẻ dưới đây nhé!
——
Thời gian trôi thật nhanh. Mới đó, mình còn đang ráo riết chuẩn bị hồ sơ, hồi hộp chờ đợi kết quả, rồi vỡ òa vui sướng khi nhận cùng lúc combo tin vui: giành được học bổng France Excellence và trúng tuyển chương trình chương trình Thạc sĩ M2 NPAC. Vậy mà giờ đây, mình đã trải qua 1 năm đầy cảm xúc tại Paris hoa lệ và hoàn thành NPAC – một trong những chương trình Thạc sĩ được nhận định là siêu khó với mức độ cạnh tranh cao nhất của Pháp. 1 năm qua, mình đã tích lũy được những gì? Mình sẽ gói gọn tất tần tật về hành trình và kinh nghiệm của bản thân trong bài viết này nhé!
NPAC, tại sao không?
Là sinh viên ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ vệ tinh nói riêng và USTH nói chung, mình tin rằng hầu hết đều ôm ấp giấc mộng vươn xa ra thế giới. Sự cộng hưởng giữa niềm đam mê ngành học cùng ước muốn trên đã thôi thúc mình tìm hiểu về nhiều chương trình học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ khác nhau để nối dài con đường học tập, nghiên cứu sau khi tốt nghiệp. Khi biết đến NPAC từ năm 3 Đại học, mình đã vô cùng hứng thú. Vốn ưa thích thử thách với những thứ “khó nhằn”, mình tin rằng NPAC dù khó, nhưng sẽ là “bệ phóng” vững chắc cho mục tiêu trở thành nhà nghiên cứu của mình.
Cho những ai chưa biết thì NPAC là chương trình vật lý trình độ thạc sĩ về 4 phân ngành của vật lý hiện đại: Nuclear (vật lý hạt nhân), Particle (vật lý hạt), Astroparticle (vật lý hạt thiên văn) & Cosmology (vũ trụ học). Hướng giảng dạy của NPAC là đào tạo các bạn sinh viên trở thành những nhà nghiên cứu tương lai, đủ trình độ để tham gia vào các dự án hoặc thí nghiệm vật lý lớn trên toàn thế giới.
Mỗi năm, NPAC sẽ thu hút hơn 100 bạn đăng ký và tầm 30 bạn được nhận. Như trong lớp của mình, đa phần là các bạn người Pháp. Chỉ có khoảng 4 – 5 sinh viên ngoại quốc như mình, và trong số này, các bạn cũng phần lớn tới từ Châu Âu hoặc đã ở Châu Âu khá lâu.
NPAC xét tuyển theo hình thức nộp hồ sơ và phỏng vấn (giống USTH nè). Về mặt hồ sơ thì không yêu cầu quá nhiều, vẫn là những thứ quen thuộc như CV, bảng điểm, thư bày tỏ nguyện vọng cũng như 1 vài lá thư giới thiệu. Về phỏng vấn, mục đích chính của Hội đồng xét tuyển là “đo” mức độ phù hợp của ứng viên với chương trình thông qua profile cung cấp, lý do dự tuyển, nguyện vọng theo học, … Hãy trả lời mạch lạc, rõ ràng, bày tỏ rõ mong muốn là đủ để họ đánh giá được giá trị của bạn. Mách nhỏ: NPAC có tới 4 hướng chính, nên khi ứng tuyển, các bạn cần xác định rõ xem mình muốn theo phân nhóm nào, vì dù sao thì lúc nhập học, các bạn cũng sẽ phải chọn hướng mình muốn theo đuổi.
NPAC có “khó nhằn” như lời đồn?
Phải thú nhận rằng chương trình NPAC rất nặng, về cả mặt lịch trình lẫn khối lượng kiến thức. Đó không phải cảm nhận của riêng mình, mà là của tất cả các bạn cùng lớp. Thậm chí, những người điều hành chương trình cũng có cảnh báo về việc này khi theo học.
Mình sẽ học tất cả các buổi trong tuần từ thứ 2 tới thứ 6 (sẽ có 1 buổi nghỉ, thường là chiều thứ 4 nhưng là để cho mọi người có thời gian tự học). Chương trình học khá dồn dập với sự đan xen của rất nhiều môn cũng như các bài thi căng thẳng. (May là mình đã quen với nhịp độ cao này tại USTH, nhưng quả thực nó chưa là gì so với NPAC).
Về kiến thức, chúng thực sự rất “khủng” nên các bạn phải học thật chăm. Chỉ cần nghỉ 1, 2 buổi, bạn hoàn toàn có thể lạc trong “biển tri thức”. Một điều mà những người điều hành chương trình sẽ nhắc nhở các bạn, đó là hãy tuân thủ mọi chỉ dẫn từ các giáo sư giảng dạy: ví dụ như đọc sách nào, làm bài tập gì, … Nhưng cũng không phải quá lo lắng. Vì các giáo sư ở đây rất thân thiện và sẵn lòng giúp đỡ, nếu có gì thắc mắc hoặc chưa rõ, mình sẽ liên lạc hoặc hỏi trực tiếp ngay lập tức để có thể bắt kịp bài giảng. Thêm nữa, các bạn phải biết tự dành thời gian tự ôn luyện – nó thực sự vô cùng cần thiết.
Tất nhiên, chương trình nặng không có nghĩa là mình nên dành toàn bộ thời gian chỉ để học. Mình vẫn cân bằng thời gian để có khoảng không nghỉ ngơi hợp lý, chơi thể thao hoặc thư giãn và tận hưởng Paris xinh đẹp vào cuối tuần.
Tóm lại, để đạt được thành tích tốt, các bạn phải xác định được hướng mình muốn làm và tập trung làm tốt hết sức. Với những môn không phải thế mạnh, kể cả nó không quá liên quan tới chuyên ngành, hãy bỏ nhiều thời gian nhằm đảm bảo một số điểm tốt, không nên để ảnh hưởng tới điểm trung bình hoặc xếp hạng, hay xa hơn là con đường tìm kiếm học bổng Tiến sĩ như trường hợp của mình.
NPAC không chỉ có học, nó còn là trải nghiệm …
Vào khoảng giữa kì 1, lớp mình có chuyến đi đầu tiên. Điểm đến là GANIL (Grand Accélérateur National d’Ions Lourds), hay Máy gia tốc quốc gia Ion nặng cỡ lớn, một trung tâm nghiên cứu vật lý hạt nhân quốc gia của Pháp ở Caen – tỉnh nằm tại bờ Tây. Chuyến tham quan giúp mọi người được mở mang hiểu biết thực tế khi được tận mắt xem các thí nghiệm vật lý đang diễn ra tại nhà máy, đặc biệt chú trọng cho các bạn muốn làm ở lĩnh vực vật lý hạt nhân.
Chuyến đi thứ 2 diễn ra vào khoảng cuối kì 1. Lần này, đích đến là CERN (Conseil Européen pour la Recherche Nucléaire), Tổ chức nghiên cứu hạt nhân Châu Âu, nằm ở Geneva, trên biên giới Pháp và Thụy Sĩ. Ai nghiên cứu hoặc đam mê vật lý cũng biết tới CERN – nơi đặt LHC (Large Hadron Collider hay máy gia tốc hạt lớn) – máy gia tốc hạt lớn nhất, hiện đại nhất, cung cấp gia tốc mạnh nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Với NPAC, mình còn được học ở 3 trường đại học lớn về lĩnh vực toán lý tại Paris: ĐH Paris Cité, ĐH Sorbonne và ĐH Paris-Saclay. Ba môi trường làm việc khá là khác nhau, mỗi nơi lại mang màu sắc riêng. Các giảng viên của NPAC đều thuộc 3 đại học này và cũng là những người đang tham gia vào các dự án nghiên cứu lớn của Châu Âu và toàn thế giới (như CERN (LHCb, ATLAS…) hoặc DUNE hay LSST, LiteBIRD…). Mặc dù 3 điểm trường rất xa nhau, nhưng mình thấy khá thú vị. Mỗi lần di chuyển tựa như một chuyến du ngoạn nhỏ trong thủ đô.
Trạm kế tiếp sau NPAC
M2 NPAC chắc chắn là 1 năm đầy thách thức, khi mình vừa phải cân bằng giữa việc học, vừa tìm “bến đỗ” tiếp theo cho vị trí Tiến sĩ (PhD). Tuy nhiên, nó là một năm đáng nhớ với những trải nghiệm mà theo mình nghĩ khó tìm được ở đâu khác.
Nhờ vào thành tích học tập cũng như xếp hạng trong năm của mình khá tốt, cộng với việc từng thực tập ở nơi làm tiến sĩ, mình đã có được 1 suất funding (tạm dịch: lương tiến sĩ). Vì vậy, trong 3 năm tới, mình sẽ làm PhD tại Université Paris Cité, dưới sự hướng dẫn của thầy Guillaume Patanchon đến từ chính ngôi trường này. Đặc biệt, thầy Guillaume hiện đang là Trưởng khoa, khoa Vũ trụ (USTH).
Bật mí đôi chút về chủ đề nghiên cứu, mình sẽ làm việc trong dự án vệ tinh nghiên cứu vũ trụ học LiteBIRD, được thực hiện với sự hợp tác của Nhật Bản và Châu Âu. Trong quá trình thực hiện, mình sẽ chủ yếu ở Pháp. Nhưng đan xen vào đó, mình vẫn sẽ có quãng thời gian sang Nhật dài hơi, cũng như những chuyến đi ngắn ngày để tham dự hội nghị ở các nơi khác.
Mình thực sự đang rất mong chờ hành trình tiếp theo. Và mình tin rằng luôn có bóng dáng USTH trên hành trình đó.
Trần Hoàng Việt về thăm các giảng viên và bạn bè khoa Vũ trụ và Ứng dụng sau khi hoàn thành chương trình NPAC
Cảm ơn USTH đã mang mình đến với những miền đất tuyệt vời …
—–
Trần Hoàng Việt
Cựu sinh viên và cựu học viên thạc sĩ ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh, USTH