Đó chính là Trương Tuấn Ngọc, sinh viên năm 3 (năm cuối) hệ cử nhân ngành Vũ trụ và Hàng không[1], trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH)[2], hiện đang thực tập tốt nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA tại California[3].
Hành trình tìm đến NASA của cậu sinh viên yêu vật lý
Xuất thân là một học sinh của trường THPT Chuyên Sư Phạm Hà Nội, ngay từ rất sớm Ngọc đã xác định sẽ đi theo con đường nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực khoa học vũ trụ còn rất mới ở Việt Nam. Năm 2013, Ngọc đỗ phỏng vấn vào trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH – còn gọi là trường ĐH Việt Pháp) và theo học ngành Vũ trụ và Hàng không.
Năm 2014, chính Ngọc là người đã đề xuất thành lập đội tuyển dự thi Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc lần đầu tiên của USTH [5]. Đoàn dự thi của USTH đã xuất sắc đoạt giải Nhì toàn đoàn, bản thân Ngọc cũng “ẵm” một giải nhì cá nhân. Đến năm 2015, Ngọc tiếp tục có thêm một giải nhì Olympic vật lý nữa, khiến cho tất cả bạn bè xung quanh phải thán phục. USTH cũng đã trao tặng giấy khen cho thành tích xuất sắc của cậu sinh viên này.
Bên cạnh việc tham dự các hoạt động học thuật của nhà trường, Ngọc còn rất tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động bên lề như: tổ chức các buổi trò chuyện vũ trụ Space Talk dành cho sinh viên tại USTH [6], tham gia bổ túc kiến thức các môn học cho các bạn sinh viên cùng khóa, và đặc biệt là tham dự đầy đủ các buổi seminar khoa học do USTH và khoa Vũ trụ và Hàng không tổ chức.
Với khả năng tiếng Anh tốt được rèn luyện trong môi trường quốc tế của USTH, Ngọc còn được tham dự Lớp học Vật lý thiên văn (Vietnam School of Astrophysics – VSOA) do Giáo sư Trần Thanh Vân và Phó Giáo sư Phan Bảo Ngọc tổ chức [7] vào các năm 2014, 2015, và tham dự Hội nghị khoa học lớn nhất cả nước về khoa học vũ trụ “Gặp gỡ Việt Nam”, cũng do Giáo sư Trần Thanh Vân tổ chức tại Quy Nhơn[8]. Tất cả những chương trình này đều yêu cầu kiến thức chuyên ngành và khả năng tiếng Anh tốt để có thể trao đổi học thuật với các giáo sư, nhà nghiên cứu đầu ngành từ khắp nơi trên thế giới (trong đó có cả các nhà khoa học từng đoạt giải Nobel).
Và duyên may đã đến với Ngọc trong một lần tham dự hội nghị như vậy. Vào tháng 07/2015, Ngọc có dịp nói chuyện với Tiến sĩ Pascal Lee [9] bên lề Hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam”. Tiến sĩ Lee là người đồng sáng lập và đứng đầu Viện nghiên cứu Sao Hỏa, đồng thời là một nhà khoa học hành tinh tại Viện nghiên cứu SETI, và là nhà nghiên cứu chính của Dự án Haughton-Mars tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA tại Mountain View, California. Cả hai đã cùng trao đổi về sự hình thành của các tektites, một loại đá hình thành sau một vụ va chạm cực lớn của một vật thể đến từ bên ngoài Trái Đất, có thể là một tiểu hành tinh hay một sao chổi. Vụ va chạm đã làm nóng chảy và bắn tung vật chất lên không trung trước khi rơi trở lại mặt đất và đông cứng, khiến cho bề mặt của tektites trông rất giống với đá núi lửa nhưng hàm lượng nước bên trong chúng thấp hơn nhiều. Tiến sĩ Lee tiết lộ rằng các tektites được tìm thấy rất nhiều ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và yêu cầu Ngọc tìm hiểu về vấn đề này.
Chủ đề về tektites đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cậu sinh viên này. Qua nhiều lần trao đổi bằng email, cuối cùng Tiến sĩ Lee cũng đã ưng ý và “bật đèn xanh” để Ngọc có cơ hội được đến NASA thực tập tốt nghiệp. Đề tài nghiên cứu của Ngọc là về sự tồn tại của nước ở hai mặt trăng Phobos và Deimos của Sao Hỏa, có liên quan đến các tektites đã nhắc đến ở trên.
Trương Tuấn Ngọc tại NASA
Liệu nước có thể tồn tại trên mặt trăng của Sao Hỏa – Phobos và Deimos?
Việc nghiên cứu về các tektites này sẽ giúp chúng ta giải đáp được câu hỏi: Liệu nước có thể tồn tại trên các mặt trăng của Sao Hỏa hay không? Nếu có thì mọi chuyện đã diễn ra như thế nào? Nghiên cứu này rất quan trọng bởi kết quả của nó có thể hé lộ nguồn gốc hình thành hai mặt trăng Phobos và Deimos.
Trên thực tế, nguồn gốc của hai mặt trăng này chỉ mới được đề xuất trong các giả thuyết và các nhà khoa học vẫn chưa có cách nào để xác định chính xác được. Nhưng trong số các giả thuyết đó, có một giả thuyết cho rằng hai mặt trăng này được hình thành bởi các mảnh vụn đến từ một vụ va chạm cực lớn trên bề mặt Sao Hỏa. Các mảnh vụn này bị bắn vào không gian và cuối cùng tập hợp lại với nhau tạo thành hai vệ tinh tự nhiên của hành tinh Đỏ như ngày nay.
Với giả thuyết như vậy, thì việc nghiên cứu các mẫu tektites thu thập được ở Việt Nam và Đông Nam Á sẽ đóng vai trò tương tự như các mảnh vỡ đã tạo thành các mặt trăng của Sao Hỏa: vật chất bị bắn tung vào không gian sau một vụ va chạm lớn trên bề mặt Trái Đất, sau một quãng đường rất dài, có thể ra khỏi bầu khí quyển của Trái Đất trước khi rơi trở lại với vận tốc rất lớn (khoảng 6.5 đến 11.2 km/s) và bị nóng chảy với nhiệt độ lên đến 2000 °C, các tektites khi chạm đến bề mặt Trái Đất vẫn còn tồn tại nước với hàm lượng rất thấp (khoảng 0.01 wt%).
Điều này gợi ý rằng nếu bề mặt Sao Hỏa đã từng chứa lượng lớn nước ở dạng lỏng trên bề mặt, các vật liệu trong thời kì đầu hình thành 2 Mặt Trăng Phobos và Deimos có thể tồn tại một lượng nước đáng kể, kể cả trong trường hợp chúng được hình thành từ một Vụ Va Chạm Lớn, vốn suy nghĩ cổ điển cho rằng nước sẽ bay hơi hoàn toàn khỏi các vật liệu hình thành nên mặt trăng.
Những kết quả thú vị có thể đạt được này lại xuất phát từ những tektites xuất hiện rất nhiều ở Việt Nam!
Môi trường học tập và nghiên cứu trên đất Mỹ
Trước khi bắt đầu chuyến thực tập tại NASA, Ngọc đã tích cực trau dồi kiến thức và rèn luyện các kỹ năng quan trọng tại USTH, một trường đại học công lập quốc tế được thành lập theo đề án xây dựng các trường đại học xuất sắc của Chính phủ Việt Nam với sự hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ Cộng hòa Pháp. Môi trường học tập quốc tế kết hợp với ngôn ngữ chính được sử dụng là tiếng Anh đã giúp cho sinh viên có cơ hội tiếp xúc với vô vàn các tài liệu khoa học quý giá thường rất hiếm khi được dịch sang tiếng Việt. Tại đây, các sinh viên thoải mái trao đổi kiến thức với nhau và thảo luận với giảng viên cả trong lẫn ngoài giờ học. Việc được tiếp xúc với các giảng viên là các nhà nghiên cứu cấp cao từ Pháp đem lại nhiều trải nghiệm quý giá. Họ khuyến khích sinh viên tìm tòi và tích cực đặt câu hỏi, họ đề cao tính trung thực và chủ động của sinh viên trong việc học tập và nghiên cứu.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, điều phối viên của chương trình cử nhân Vũ trụ và Hàng không của USTH, nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa để sinh viên có thể phát triển khả năng của mình. Môi trường học tập quốc tế đã giúp cho sinh viên được trang bị tính chủ động trong giao tiếp và học tập. Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, 100% sinh viên cử nhân của khoa Vũ trụ và Hàng không đều được đi thực tập ở các nước có nền khoa học phát triển như Pháp, Nhật, Canada, và Mỹ. Cùng với sự chủ động của sinh viên, Tiến sĩ Trường cũng tích cực liên hệ và tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc với các nhà nghiên cứu nổi tiếng, từ đó giúp cho sinh viên có cơ hội được trao đổi và xin được các vị trí thực tập tốt.
Ngọc chia sẻ: Điều lợi thế lớn nhất khi học ở USTH đó là thường xuyên có các bài giảng, seminars, được trao đổi với các giáo sư hàng đầu từ ENS Paris, Paris 7, Đài thiên văn Paris,… làm cho bản thân có được bức tranh và cái nhìn tổng quan về các nghiên cứu của thế giới và trao đổi về các dự án khoa học. Điều đó bản thân chỉ nhận ra khi mình đi ra nước ngoài, mình không quá khó khăn để hòa nhập, “bắt nhịp” với một môi trường học thuật mới.
Các giáo sư ở Mỹ thường rất thoải mái. Họ rất gần gũi với sinh viên chứ không hề tỏ ra khó tính hay nghiêm khắc. Mọi sinh viên đều được khuyến khích trao đổi, sáng tạo, thậm chí là tranh luận ý tưởng cùng nhau mà không hề có một rào cản tuổi tác hay chức danh nào. Điều đó giúp cho sinh viên không hề có cảm giác “ngại” khi phát biểu ý kiến của mình. Ở chiều ngược lại, các sinh viên thể hiện mình thông qua hiệu quả công việc cực kỳ cao và thái độ làm việc cực kỳ nghiêm túc. Các giáo sư ở Mỹ thường xem các sinh viên là những “đồng nghiệp trẻ” và luôn tìm cách để giúp đỡ các “đồng nghiệp” phát triển.
Bên cạnh việc nghiên cứu, Ngọc cũng rất hứng thú trải nghiệm cuộc sống sinh viên trên đất Mỹ. Chẳng hạn như luyện tập và thực hành nhảy dù từ độ cao 4000m cùng với những đồng nghiệp khác, hay cùng đi tham quan các cơ sở nghiên cứu khoa học nổi tiếng, tham dự các hội thảo chuyên ngành được tổ chức rất nhiều ở đây.
Khi được hỏi “lý do vì sao Ngọc lại chọn đi theo ngành Vật lý thiên văn, một trong những lĩnh vực rất khó và rất kén đầu ra?”, Ngọc chia sẻ rằng: Cái lý do đầu tiên là nó rất … thú vị! Bản thân Ngọc muốn được thử thách và trải nghiệm những điều mới mẻ, không nhất thiết phải chạy theo những ngành mà xã hội cho là “hot”, bởi không ai biết trước được trong 10 năm hay 20 năm tới sẽ như thế nào. Hơn thế nữa, làm khoa học là làm những điều ở hiện tại, nhưng sẽ có ý nghĩa và sẽ được áp dụng thực tế trong tương lai. Mặt khác, theo Ngọc thì lĩnh vực khoa học không gian là một lĩnh vực tuyệt vời bởi trong cùng một dự án nghiên cứu, chúng ta phải kết hợp kiến thức của rất nhiều lĩnh vực lại với nhau, không chỉ vật lý, thiên văn học mà cả địa chất, khoa học vật liệu, khoa học máy tính, sinh học, cơ điện tử… để giải quyết một vấn đề. Được làm việc và trao đổi cùng với rất nhiều người từ mọi lĩnh vực, đó chính là điều mà Ngọc thấy thú vị nhất.
Có thể khi nói đến khoa học vũ trụ, tất cả mọi người đều cảm thấy nó quá xa vời. Nhưng nếu chúng ta để ý kỹ thì khoa học vũ trụ có liên quan đến rất nhiều ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Từ những thứ chúng ta sử dụng thường xuyên như hệ thống định vị GPS, bản đồ, dự báo thời tiết, hay những lĩnh vực ứng dụng vĩ mô hơn trong quản lý nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, giám sát mặt đất, tàu thuyền, đại dương… đều phải sử dụng thành quả của khoa học và công nghệ vũ trụ.
Một ví dụ cụ thể là nghiên cứu gần đây nhất của một nữ nghiên cứu sinh người Việt Nam đang học tập tại Pháp khi phân tích ảnh vệ tinh radar đã phát hiện diện tích trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm tới 16.7% chỉ trong 1 năm do tác động của El Nino, từ đó đưa ra những cảnh báo ở tầm vĩ mô cho các nhà quản lý để có thể đưa ra những chính sách nông nghiệp, môi trường phù hợp [12]. Khoa học vũ trụ hiện vẫn còn mới ở Việt Nam, do đó đây là một lĩnh vực đầy hứa hẹn trong tương lai, khi mà cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, việc ứng dụng các lĩnh vực khoa học này vào các dây chuyền kỹ thuật, công nghệ ngày càng nhiều và cần đến một lực lượng đông đảo những người lao động có trình độ tương ứng. Tất cả những dữ liệu vệ tinh quý giá của khoa học vũ trụ hiện nay đều có thể truy cập hoàn toàn miễn phí từ các trang web của NASA hay ESA. Vì vậy, Việt Nam cần phải có những người hiểu biết về khoa học và công nghệ vũ trụ để có thể khai thác tối đa kho tàng dữ liệu đó để áp dụng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của nước nhà.
Video bài thuyết trình của Trương Tuấn Ngọc tại NASA [13]:
Quan điểm của Ngọc là khi học hay làm bất cứ việc gì đúng với đam mê, sở thích của mình thì mình sẽ luôn có động lực để “cháy” hết mình cho công việc đó, cho bản thân mình, từ đó sẽ mang lại kết quả vượt mong đợi. Và trên hết, khi mỗi người chúng ta có thể phát huy hết tiềm năng của bản thân, được làm cái mình thích và làm điều đó giỏi nhất có thể, thì xã hội cũng sẽ dần thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Đối với các bạn trẻ đang cân nhắc, đắn đo có nên theo đuổi khoa học hay không, Ngọc nghĩ rằng các bạn nên chọn con đường mà các bạn yêu thích nhất, bởi chỉ có sự đam mê và nỗ lực liên tục cho niềm đam mê đó, chúng ta mới có thể phát huy 200% sức mạnh trí tuệ của bản thân. Ngọc tin rằng, các bạn sẽ có một hành trình tuyệt vời để đóng góp vào sự thay đổi tích cực của xã hội này.
Hiện tại, Ngọc đang chuẩn bị hoàn tất chương trình thực tập, và sẽ cố gắng hết mình để có thể tiếp tục theo đuổi dự án này trong chương trình tiến sĩ tại NASA sau khi tốt nghiệp.
Paris, 19/9/2016
Hien PHAN
(tổng hợp và ghi chép)
Nguồn: http://vatlythienvan.com/tvh-nghiep-du-vn/tro-chuyen/4539-thuc-tap-o-nasa-giac-mo-co-that-cua-cau-sinh-vien-cu-nhan-nguoi-viet.html