Từng là học viên chương trình thạc sĩ ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, tháng 3 vừa qua, Nguyễn Thị Lệ, kỹ sư cao cấp tại Bộ phận R&D của Công ty BoViet đã trở về trường với tư cách giảng viên mời từ doanh nghiệp để giảng dạy tại Trường. Cô gái nhỏ nhắn với nụ cười tươi tắn đã vượt qua nhiều thử thách để có được những bước tiến vững chắc trong sự nghiệp như ngày hôm nay.
Đối mặt với thử thách
Nguyễn Thị Lệ hoàn thành chương trình đại học tại Đại học Khoa học Thái Nguyên. Với kết quả học tập xuất sắc, Lệ được trường giữ lại trở thành giảng viên tạo nguồn. Thầy Trưởng khoa nơi Lệ công tác đã định hướng cô theo học chương trình thạc sĩ Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano của USTH. Lệ chia sẻ: “Thầy đánh giá cao môi trường học tập của USTH nơi sinh viên được học bằng tiếng Anh và có cơ hội học tập dưới sự giảng dạy của các nhà khoa học quốc tế, nên đã giới thiệu và động viên mình theo học tại đây.”
Bước vào chương trình học thạc sĩ của USTH, Lệ đối mặt với không ít thử thách. Đầu tiên đến từ trở ngại về ngoại ngữ. Lệ tâm sự: “Mình đến từ Bắc Giang, một thành phố nhỏ nên không có điều kiện học tiếng Anh từ sớm. Nhờ khóa học bổ trợ, mình có thể cải thiện phần nào trình độ ngoại ngữ để bắt đầu nhịp học mới.”
Mặc dù vậy, thời gian đầu học chuyên ngành bằng tiếng Anh, Lệ có cảm giác như bước vào một cuộc “phiêu lưu mạo hiểm” với những thuật ngữ phức tạp. Lệ tự nhủ với bản thân phải kiên trì, nỗ lực mỗi ngày. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo người nước ngoài luôn đồng cảm và hỗ trợ học viên nhiệt tình. Thầy cô tìm các cách giải thích dễ hiểu, thậm chí dùng cả ngôn ngữ cơ thể, dành thời gian nhiều hơn để giảng giải cho học viên các vấn đề đang vướng mắc. Nhờ vậy, sau học kỳ đầu tiên, Lệ đã vượt qua được rào cản ngoại ngữ trong mỗi tiết học.
Thử thách tiếp theo đến từ các môn chuyên ngành. Cụ thể chương trình năm đầu có các môn về Vật lý như Vật lý chất rắn, Thuyết lượng tử. Lệ học ngành Công nghệ Sinh học ở đại học nên thế mạnh của cô nàng không phải môn Vật lý. Do đó, Lệ gặp khó khăn khi tiếp thu các kiến thức trên lớp. Muốn bắt kịp với các bạn trong lớp, cô nàng buộc phải cố gắng gấp nhiều lần. Tự học, tự nghiên cứu tài liệu liên quan bằng tiếng Việt và tiếng Anh là phương pháp Lệ áp dụng để khắc phục những “lỗ hổng” về kiến thức.
Lệ cho rằng quãng thời gian học tập tại USTH đã rèn luyện cho cô nàng sự kiên trì và tính chủ động – hành trang quý báu theo Lệ trên mỗi chặng đường sự nghiệp sau này.
Trải nghiệm đáng nhớ
Đến năm thứ 2 chương trình thạc sĩ, Lệ có cơ hội đi thực tập tại Đại học Aix Marseille, Pháp. Cô nàng chia sẻ: “Lần đầu tiên, mình được ra nước ngoài và làm việc trong một môi trường quốc tế với các bạn đến từ nhiều quốc gia đến thế. Đó thực sự là một kỷ niệm khó quên, đã đem đến cho mình một trải nghiệm đáng nhớ.”
Lệ hoàn toàn bất ngờ với phong cách và tiến độ làm việc của các sinh viên, nghiên cứu sinh trong lab mà cô nàng thực tập. “Họ rất chủ động và không ngần ngại ở lại đến tối muộn để hoàn thành công việc của mình.”
Mặc dù vậy, nhờ những kỹ năng bồi dưỡng được ở USTH từ tiếng Anh đến các khả năng làm việc độc lập hay theo nhóm, Lệ nhanh chóng thích nghi hòa nhập với môi trường mới và bắt kịp với các thành viên khác trong nhóm.
Bước ngoặt sự nghiệp
Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, một bước ngoặt sự nghiệp đã đến với Lệ khi cô nàng quyết định nhận lời mời làm việc cho Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D) của Công ty BoViet, một trong những công ty sản xuất pin mặt trời đầu tiên tại Việt Nam. Lệ chia sẻ: “Ban đầu, mình chỉ mang theo tâm lý tò mò, muốn thử sức bản thân khi tham gia phỏng vấn tại công ty. Nhưng không ngờ, trong buổi phỏng vấn, mình đã được gặp gỡ với TS. Chung-Han Wu, nguyên Giám đốc kỹ thuật, phụ trách R&D Công ty BoViet, một người có chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực Khoa học Vật liệu. Mình đã bị thuyết phục và quyết định chuyển hướng công tác.”
Lệ cho biết cô nàng gắn bó với Bộ phận R&D tại BoViet đến nay đã được hơn 7 năm. Bắt đầu từ vị trí trợ lý kỹ sư với nhiều bỡ ngỡ, Lệ dần được đề bạt lên các vị trí cao hơn như kỹ sư, kỹ sư cao cấp và hiện tại là quản lý.
Theo Lệ, một kỹ sư R&D có nhiều điểm giống với nhà nghiên cứu trong môi trường học thuật. Cụ thể tại Boviet, Lệ cùng với các đồng nghiệp tham gia vào quá trình nghiên cứu, chế tạo nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành các tấm pin mặt trời. Họ cũng sẽ nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu các công nghệ mới trên thế giới và tiến hành làm các thí nghiệm. Tuy nhiên, thay vì triển khai ở lab như tại các trường đại học hay viện nghiên cứu, kỹ sư R&D sẽ làm trực tiếp trên dây chuyền sản xuất với quy mô tăng dần hướng tới chuyển giao công nghệ để sản xuất đại trà.
“Môi trường làm việc tại doanh nghiệp đòi hỏi bạn phải có kỹ năng làm việc linh hoạt. Bạn vừa phải tự chủ động lên kế hoạch công việc cho bản thân, lại phải biết phối hợp với các thành viên khác ở trong nhóm. Ví dụ như ở Bộ phận R&D tại BoViet có 20 thành viên, mỗi người phụ trách một công đoạn. Mỗi một dự án thành công là kết quả của sự phối kết hợp của từng đó thành viên và sự nỗ lực của từng cá nhân.” Lệ chia sẻ.
Cô nàng cũng trải lòng về những hy sinh thầm lặng của những kỹ sư R&D đằng sau mỗi dự án: “Mỗi thí nghiệm để thành công có thể phải trải qua hàng trăm, hàng nghìn lần thất bại. Để kịp tiến độ, có khi mình phải làm việc đến 12h đêm hay thậm chí phải thức thâu đêm để trông thí nghiệm.” Dù vất vả nhưng được chứng kiến thành quả của bản thân, hiện hữu trên mỗi sản phẩm khiến Lệ cảm thấy hạnh phúc và tự hào.
Tháng 3 vừa qua, Lệ được BoViet cử sang USTH với tư cách giảng viên mời để giảng dạy trong chương trình Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano trình độ đại học. Trở về trường trên cương vị mới, Lệ hy vọng các bạn sinh viên sẽ tích lũy được kiến thức bổ ích sau mỗi bài giảng của mình và cũng mong chờ được đón thêm nhiều sinh viên của trường đến BoViet thực tập và làm việc trong Bộ phận R&D.
Công ty BoViet là một trong năm công ty do Tập đoàn Boway Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam. Công ty chú trọng nghiên cứu, sản xuất chip đơn tinh thể, chip đa tinh thể, tổ kiện năng lượng mặt trời, các sản phẩm điện tử quang điện năng lượng mặt trời mới, chủ yếu dùng trong gia đình, công nghiệp và các trạm điện lớn. Từ năm 2016, Boviet đã trở thành đối tác thân thiết của USTH, không chỉ cử kỹ sư tham gia giảng dạy tại Trường mà còn tuyển dụng nhiều sinh viên đến thực tập, làm việc. |