Chỉ bằng một phần tỷ của mét, một nanomet tương đương với 1/80000 đường kính của một sợi tóc người, nhỏ hơn một triệu lần so với chiều dài của một con kiến. Nếu một viên bi là một nanomet, thì một mét sẽ là kích thước của trái đất. Thế nhưng, ngành công nghệ làm việc với những vật chất siêu nhỏ này đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên.
Công nghệ nano – Ngành công nghệ “vạn năng”
Công nghệ nano làm việc chủ yếu với các nguyên tử và phân tử riêng lẻ có kích thước nanomet. Ở kích thước nano, vật chất xuất hiện những đặc tính vật lý, hóa học và sinh học hoàn toàn khác so với khi ở kích thước bình thường. Một số vật liệu trở nên bền và nhẹ hơn; một số khác tốt hơn trong việc dẫn nhiệt, điện hoặc phản xạ ánh sáng hay thay đổi màu sắc do kích thước hoặc cấu trúc của chúng bị thay đổi.
Công nghệ nano được ví như ngành nghề có sự bùng nổ mạnh mẽ thứ 3 trên thế giới, chỉ xếp sau Công nghệ thông tin và Công nghệ sinh học. Tác động của công nghệ nano lên xã hội loài người được ví với sự phát minh ra điện hay nhựa – nó thay đổi gần như tất cả mọi vật dụng trong cuộc sống hiện đại. Các ứng dụng của công nghệ nano trải dài từ quần áo tự làm sạch và sơn chống ố cho đến những ứng dụng tương lai như chế tạo pin mặt trời hay chữa trị ung thư. Chính vì vậy, trên thế giới, công nghệ nano nằm trong nhóm những ngành công nghệ “vạn năng” – General-purpose technologies (GPTs) hay những ngành công nghệ có khả năng thay đổi hoàn toàn nền kinh tế của một quốc gia hay toàn thế giới.
Theo điều tra gần đây của nhà nghiên cứu thị trường Global Information Inc., thị trường các sản phẩm kết hợp công nghệ nano dự kiến đạt 3,3 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2019. Donald R. Baer, nguyên giám đốc khoa học Phòng thí nghiệm Khoa học phân tử môi trường, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ nhận định số lượng phòng thí nghiệm nghiên cứu vật liệu nano ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau đang tăng lên chóng mặt. Ông cũng khẳng định, thế giới sẽ đòi hỏi một lượng lớn lao động chất lượng cao để làm việc trong ngành khoa học đầy triển vọng này.
Công nghệ Nano – ngành học có vai trò cốt lõi trong nhiều lĩnh vực
Công nghệ nano đang với ngón tay tới mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại từ sản xuất thực phẩm. điện tử, năng lượng, y tế và dược phẩm đến quân đội, dệt may, khoa học vũ trụ… Chính vì thế, sinh viên tốt nghiệp khoa nano không hề bị bó buộc làm việc trong một mảng nhất định mà có thể thử sức ở nhiều lĩnh vực đa dạng, từ đó cơ hội việc làm cũng rộng mở hơn.
Trong đó, điện tử là ngành đang thể hiện nhu cầu ngày càng tăng đối với các kỹ sư có nền tảng về công nghệ nano. Ngày nay, máy tính, điện thoại và các thiết bị công nghệ dần trở nên nhỏ và mỏng hơn, kéo theo các linh kiện cũng cần phải thu nhỏ kích thước. Sử dụng công nghệ vi chế tạo, kỹ sư làm việc trên phạm vi nano có thể thiết kế và tạo ra các con chip, sim điện thoại, linh kiện điện tử hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí hơn bao giờ hết.
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (US Bureau of Labor Statistics), một kỹ sư nano hưởng mức lương trung bình khoảng 87.690$ một năm, đặc biệt những người làm việc trong lĩnh vực điện tử có thể có mức lương lên đến 93.260$ một năm.
Ngoài ra, cùng với kiến thức và kĩ năng được trang bị, sinh viên Nano có thể tự tin đảm nhiệm các vị trí tại phòng Nghiên cứu và Phát triển R&D hay phòng Quản lý chất lượng của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đứng trước thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, sự phát triển bền vững và lâu dài của doanh nghiệp bắt buộc phải đến từ những đổi mới trong công nghệ và sự khác biệt về chất lượng sản phẩm. Đây cũng là lý do phòng R&D ngày càng được chú trọng đầu tư, trở thành bộ phận nòng cốt trong các doanh nghiệp lớn.
Đơn cử, trung tâm R&D Samsung tại Việt Nam, cũng là trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại khu vực Đông Nam Á đang có nhu cầu tuyển hàng trăm kỹ sư nano để thiết kế và tối ưu hóa phần cứng điện thoại thông minh. Ngoài ra, những nhà tuyển dụng từ nhiều lĩnh vực khác nhau như Intel, Canon, Panasonic, doanh nghiệp chế tạo panel mặt trời BoViet, VinaSolar hay sơn Penkol cũng là nguồn “cầu” lớn cho sinh viên theo học ngành công nghệ nano.
Làm việc trong các phòng R&D, sinh viên khoa Nano không chỉ tham gia vào việc cải tiến chất lượng sản phẩm mà còn hỗ trợ nâng cấp chất lượng bao bì hay đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất. Theo thống kê của Indeed, sinh viên tốt nghiệp có thể trở thành những kỹ sư R&D với mức lương khởi điểm khoảng 8-12 triệu VNĐ, sau đó có thể tăng lên đến 20 triệu VNĐ tùy theo năng lực hoặc khi đảm nhiệm vị trí quản lý.
Bên cạnh làm việc trong các doanh nghiệp, tiếp tục học lên Thạc sĩ và Tiến sĩ cũng là con đường được nhiều sinh viên khoa Nano lựa chọn. Thực tế, công nghệ nano đang là “con cưng” của nhiều nước phát triển trên thế giới, thể hiện qua việc các quốc gia tiên tiến hỗ trợ một lượng lớn học bổng hàng năm cho sinh viên theo học ngành này. Tại USTH, sinh viên khoa Nano thường xuyên ẵm được các học bổng danh giá như Odon Vallet, Excellence, Erasmus…, từ đó có cơ hội theo đuổi con đường nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học ở nước ngoài.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng cùng cơ hội việc làm và học bổng rộng mở, ngành công nghệ nano sẽ sớm trở thành lựa chọn hàng đầu cho sinh viên khối khoa học công nghệ, như lời TS. Trần Đình Phong, chủ nhân Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 từng chia sẻ: “Những người đam mê làm khoa học, muốn có ứng dụng cụ thể trong các mảng của đời sống thì một trong những ngành nên học là khoa học vật liệu và công nghệ nano”.