Trịnh Hoàng Diệu Ngân – sinh viên khóa 12 ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh (USTH) – vừa giành học bổng Thạc sĩ của Trường Sư Phạm Paris (École normale supérieure, ENS) – thuộc Đại học Paris (Université Paris, PSL). PSL đứng thứ #2 trong Bảng xếp hạng các trường đại học trẻ tốt nhất thế giới THE (Times Higher Education) 2024, #24 trong Bảng xếp hạng QS World University Rankings 2024.
ENS – PSL nổi tiếng là “bệ phóng tài năng” của các nhà khoa học lớn trên thế giới với 14 giải Nobel, 11 giải Fields. Vì vậy, để trở thành sinh viên của ENS – PSL, các ứng viên sẽ phải vượt qua rất nhiều gương mặt xuất sắc với mức độ cạnh tranh cực kỳ cao và quy trình tuyển sinh gắt gao.
Thật đáng tự hào là Trịnh Hoàng Diệu Ngân – cô gái bé nhỏ đến từ Bình Định – không những trúng tuyển vào ENS – PSL, mà còn ẵm luôn học bổng toàn phần chương trình Thạc sĩ (~10.000 eur/năm) của ngôi trường danh giá bậc nhất nước Pháp này, dù chưa tốt nghiệp Cử nhân tại USTH.
Nhắc đến bí kíp chinh phục ENS – PSL, Ngân chia sẻ: “Mình nghĩ rằng ngoài điểm số và kinh nghiệm nghiên cứu, việc tìm hiểu kỹ về ngành học, trường và sự phù hợp với định hướng của bản thân rất quan trọng. Điều này cần được thể hiện rõ trong bài luận ứng tuyển và buổi phỏng vấn với Hội đồng tuyển sinh. Thư giới thiệu tích cực từ phía thầy cô đã hướng dẫn nghiên cứu trước đây cũng đóng vai trò then chốt”.
Ngoài ra, hàng loạt thành tích nổi trội của Ngân cũng là điểm cộng lớn trên hồ sơ. Cô bạn sở hữu Học bổng khuyến khích học tập USTH 2 năm liền (2022-2023, 2023-2024), Huy chương Đồng (môn Giải tích) tại kỳ thi Olympic Toán học Sinh viên 2023, hay giành được cơ hội thực tập nước ngoài ngay từ năm 2 tại Theoretical and Computational Astrophysics, National Center for Theoretical Sciences, Đài Loan.
Hiện tại, Ngân vẫn đang trong kỳ thực tập năm cuối Đại học. Cô bạn xuất sắc giành được học bổng thực tập USTH tại Laboratoire d’Astrophysique de Marseille (LAM), Pháp. Trước đó, Ngân chỉ ấn tượng với nước Pháp về những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học vũ trụ và nuôi dưỡng hảo cảm qua những lần làm việc, tiếp xúc với các thầy cô, bạn bè người Pháp. Họ là những con người vô cùng thân thiện, dễ mến, sang giảng dạy và trao đổi nghiên cứu ở khoa Vũ trụ và Ứng dụng (USTH) – nơi Ngân học tập. Những thiện cảm đó cộng hưởng cùng vô số trải nghiệm văn hóa bản xứ thú vị khác mà Ngân được tận hưởng khi thực tập tại Pháp đã khiến cô bạn quyết định gắn bó lâu hơn với quốc gia này.
Nghĩ là làm. Ngân đã tranh thủ thời gian vừa thực tập, vừa tìm kiếm cơ hội nối dài con đường nghiên cứu của mình. Và ENS – PSL là nơi Ngân nhắm đến. Không chỉ vượt trội về danh tiếng với những “cây đại thụ” hàng đầu trong lĩnh vực khoa học thế giới nói chung và vũ trụ nói riêng, ENS – PSL còn có nhiều khóa học liên quan đến Planetary Science (khoa học hành tinh), cụ thể là nghiên cứu lý thuyết về fluid (chất lưu). Đây là hướng đi mà Ngân muốn theo đuổi trong tương lai. Do đó, cô bạn quyết tâm ứng tuyển vào chương trình Thạc sĩ ngành “Earth and planetary science, environment” của ENS – PSL.
Khi được hỏi về lý do lựa chọn hướng đi này, cô bạn cho biết: “Câu chuyện xuất phát từ niềm đam mê khoa học và sự tò mò về vũ trụ của mình. Cá nhân mình luôn có hứng thú với các hiện tượng thời tiết và rất thích tìm hiểu về cơ chế vật lý đằng sau những hiện tượng này. Bắt đầu từ đây, mình cũng khám phá nhiều hơn về những hiện tượng tương tự trên các hành tinh khác – dựa trên hiểu biết của chúng ta về Trái Đất, làm thế nào để giải thích, mô phỏng hoặc dự đoán về sự hình thành và phát triển của những thế giới khác ngoài kia?, …” Hơn nữa, hướng nghiên cứu về chất lưu còn có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển, cải tiến công nghệ và tối ưu hóa các thiết bị, phương tiện không gian. (Ví dụ như: tối ưu hóa hệ thống đẩy và động cơ tên lửa, đảm bảo điều kiện nhiệt độ ổn định trong tàu vũ trụ, tối ưu hóa hình dạng để giảm lực cản khí quyển, thiết kế hệ thống an toàn khi hạ cánh trên các hành tinh, phát triển công nghệ để lấy mẫu và phân tích khí quyển và bề mặt hành tinh, …).
Mặt khác, Ngân tâm sự thêm: “Mình may mắn sống ở Quy Nhơn, nơi có International Centre for Interdisciplinary Science and Education (ICISE). Hằng năm, ICISE đều tổ chức nhiều hội nghị và workshop quốc tế hội tụ các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khoa học vũ trụ. Mình có cơ hội tham gia một vài lớp học tại đây về Từ trường trong vũ trụ, đồng thời được gặp gỡ các thầy cô, anh chị trong ngành, trong đó có nhiều anh chị đang hoặc từng học tại USTH”.
Giờ đây, Ngân thầm cảm ơn “mối lương duyên” ngày ấy đã giúp cô bạn có đủ động lực không quản ngại xa xôi từ Nam ra Bắc để đến với ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh (USTH) – “cái nôi ươm mầm” chắp cánh cho giấc mơ bay cao, bay xa của cô bạn.
Chúc Diệu Ngân sẽ có nhiều trải nghiệm đẹp trên hành trình sắp tới!