Nghiên cứu này so sánh khả năng của các loại ảnh vệ tinh radar (Sentine-1) và quang học (Sentinel-2 và PlanetScope (PS)) trong việc giám sát biến động diện tích nước mặt hồ Đại Lải, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc cho giai đoạn 2018-2023. Nền tảng điện toán đám mây Google Earth Engine (GEE) được sử dụng để xử lý ảnh vệ tinh Sentinel-1 và Sentinel-2, trong khi ảnh vệ tinh PS được xử lý bằng các kỹ thuật và công cụ viễn thám truyền thống. Kỹ thuật Otsu sau đó được sử dụng để phân loại ảnh vệ tinh radar và quang học đã xử lý ở bước trước thành bản đồ nước mặt của hồ Đại Lải.
Kết quả phân tích cho thấy diện tích nước mặt hồ Đại Lải được duy trì tương đối ổn định trong giai đoạn 6 năm qua, và sự biến động diện tích nước hồ ít bị tác động bởi chu kỳ mùa hàng năm. Diện tích trung bình của hồ Đại Lải ước tính từ ảnh quang học PS, với độ phân giải không gian 3 m, lớn hơn khoảng 2,17% và 5,60% so với kết quả ước tính sử dụng ảnh quang học Sentinel-2 và ảnh radar Sentinel-1 với độ phân giải 10 m. Ảnh quang học PS cho thấy sự hiệu quả trong giám sát biến động nước mặt các hồ có diện tích nhỏ, tuy nhiên người dùng cần kiểm tra kỹ chất lượng ảnh chụp ở bước sóng cận hồng ngoại. Ngoài ra, sự tương đồng về tín hiệu radar phản xạ từ bề mặt nước hồ và các bề mặt phẳng khác trong ảnh Sentinel-1 có thể gây ra sai số lớn trong kết quả phân loại cuối cùng.
Chi tiết nghiên cứu xin đọc tại:
Binh Pham-Duc; Comparison of multi-source satellite remote sensing observations for monitoring the variations of small lakes: a case study of Dai Lai Lake (Vietnam). Journal of Water and Climate Change 1 January 2024; 15 (1): 157–170. doi: https://doi.org/10.2166/wcc.2023.505