Ngành Vũ trụ và Ứng dụng (3 lĩnh vực Viễn thám, Công nghệ vệ tinh, Vật lý thiên văn) đã và đang có những bước tiến vững chắc, mở ra triển vọng nghề nghiệp phong phú cho các sinh viên.
Các nghiên cứu và ứng dụng của lĩnh vực Viễn thám, Công nghệ Vệ tinh và Vật lý thiên văn đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng ngày ở mọi lĩnh vực trong đời sống.
Cụ thể, Viễn thám là công cụ không thể thiếu trong việc giám sát tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; quản lý nông lâm sản; dự báo, giám sát và đánh giá thiên tai, lũ lụt.
Ngoài ra, rất nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống cần đến viễn thám như việc giám sát, theo dõi, định vị, điều tiết giao thông; lĩnh vực truyền hình, an ninh quốc phòng.
Chính vì vậy, viễn thám luôn nằm trong danh sách những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong khi đó, công nghệ vệ tinh đang trở thành mục tiêu đầu tư phát triển không chỉ của Chính phủ mà còn cả tập đoàn lớn như FPT và Viettel.
Sự kiện phóng thành công vệ tinh VNREDSat-1A năm 2013 và MicroDragon năm 2019 đã đánh dấu những bước đi vững chắc cho khả năng phát triển và điều khiển vệ tinh của Việt Nam, mở ra những cơ hội để chế tạo vệ tinh có giá trị cao giúp giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, biến đổi khí hậu và an ninh quốc phòng trong tương lai.
Còn đối với vật lý thiên văn, đây đang là một trong lĩnh vực khoa học sôi động nhất trên thế giới, thu hút nhiều nhà khoa học đến từ các lĩnh vực khác nhau như vật lý hạt nhân, vật lý hạt vật lý plasma,…
Những câu hỏi hóc búa nhất của vật lý đương đại đều nằm trong lãnh địa của vật lý thiên văn: năng lượng tối, vũ trụ giãn nở và quan trọng nhất là sự không tương thích của thuyết hấp dẫn và vật lý lượng tử. Các nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn trong và ngoài nước đã đang tích cực tìm kiếm những nhà khoa học trẻ tài năng.
Tại các nước có nền khoa học – công nghệ trình độ cao, Viễn thám, Công nghệ Vệ tinh và Vật lý thiên văn là những lĩnh vực rất được chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, mới chỉ có một số ít trường đại học đào tạo chuyên sâu về 3 lĩnh vực này là trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Đại học Việt Pháp) với chương trình học 100% bằng tiếng Anh và trường Đại học Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tốt nghiệp ngành Vũ trụ và Ứng dụng, sinh viên có thể làm việc ở các vị trí, cơ quan sau:
- Chuyên viên thiết kế, điều khiển và lắp ráp vệ tinh và tín hiệu vệ tinh từ các Công ty Viễn thông (Vinaphone, Mobifone, Viettel); các công ty dịch vụ truyền hình (K+, VTC, AVG, HTV, VTV, VOV, VOH…).
- Các Cơ quan phát triển Vệ tinh như: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Công nghệ Vũ trụ,..
- Các cơ quan sử dụng, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm viễn thám như: các đơn vị trực thuộc các Bộ, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Giao thông, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;
- Các cơ quan, công ty trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực giám sát, dự báo, quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai.
- Tham gia các dự án nghiên cứu về môi trường và biến đổi khí hậu tại các tổ chức phi chính phủ như GIZ, Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), Tổ chức bảo tồn tự nhiên và đa dạng sinh học (Winrock International), tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WCS)..
- Nghiên cứu, giảng dạy trong các Trường, các viện nghiên cứu có chuyên ngành liên quan về Vật lý, Vật lý thiên văn, Khoa học Trái Đất…
- Tiếp tục học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đại học trong và ngoài nước.