Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội – USTH (còn gọi là Trường Đại học Việt Pháp) là cơ sở giáo dục đại học tiên phong mở ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh.
Sức hấp dẫn tóm gọn trong: Tính đơn nhất, hiện đại, quốc tế và trải nghiệm
Chia sẻ về cơ sở mở ngành, Tiến sĩ Tống Sĩ Sơn – Phó Trưởng khoa, khoa Vũ trụ và Ứng dụng (Trường Đại học Việt Pháp) cho biết: “Vũ trụ hiện nay vẫn là điều bí ẩn, khơi gợi trí tò mò của toàn nhân loại. Khoa học vũ trụ đang là hướng nghiên cứu tiên phong trên thế giới: Giải Nobel Vật lý hàng năm phần lớn về khoa học vũ trụ (năm 2020 về nghiên cứu hình thành hố đen, năm 2019 về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái Đất trong vũ trụ, năm 2017 với sóng hấp dẫn trong vũ trụ…); các công ty lớn hàng đầu thế giới đều đầu tư vào công nghệ vũ trụ như Công ty Space X của tỷ phú Elon Musk, Công ty Blue Origin của Jeff Bezos.
Không nằm ngoài xu hướng của thế giới, Việt Nam đã bắt đầu chiến lược phát triển Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh từ những năm 2000. Điển hình như Quyết định 137/2006/QĐ-TTg ngày 14/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”. Gần đây nhất là Quyết định 483/QĐ-BKHCN ngày 23/3/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ”. Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 01/2/2019. Kết quả chiến lược là Việt Nam đã phóng vệ tinh quan sát Trái Đất VNREDSat-1 năm 2013 vẫn đang hoạt động hiện nay. Vệ tinh MicroDragon phóng năm 2019, Vệ tinh LOTUSat-1, LOTUSat-2 sẽ được phóng trong 1-2 năm tới.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được xây dựng dựa trên hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Pháp. Pháp là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu về Khoa học vũ trụ và vệ tinh, tri thức và công nghệ từ các cơ quan nghiên cứu và giáo dục của Pháp, đây cũng là cơ sở để hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo về Khoa học Vũ trụ và Công nghệ vệ tinh tại USTH.
Thời điểm mở ngành (năm 2012), tại Việt Nam chưa có đơn vị nào đào tạo chuyên sâu về Khoa học Vũ trụ và Công nghệ vệ tinh. Do đó, ngành học mở ra là tiền đề để cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển công nghệ Vũ trụ hiện tại và trong tương lai”.
Tiến sĩ Tống Sĩ Sơn cũng cho biết thêm: “Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu của khoa, chương trình đào tạo được xây dựng và trực tiếp giảng dạy bởi các nhà khoa học từ 4 đơn vị nghiên cứu vũ trụ tại Pháp gồm Đại học Paris Diderot, Đài thiên văn Paris (Paris Observatory), Đại học Paris-Est Créteil, Đại học Montpellier và các nhà khoa học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam”.
Theo thầy Sơn, sức hấp dẫn của ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh có thể tóm gọn trong 4 từ khóa: Tính đơn nhất, hiện đại, quốc tế và trải nghiệm.
Thầy Sơn lý giải: “Đơn nhất: Là môi trường hàn lâm duy nhất tại Việt Nam có thể thỏa mãn nhu cầu học để khám phá vũ trụ.
Tính hiện đại: Giảng viên là tiến sĩ tốt nghiệp từ các nước phát triển (Pháp, Nhật..), các nhà Khoa học hàng đầu về Công nghệ vũ trụ, sẽ đem đến những thông tin, kiến thức cập nhật mới nhất và xu hướng phát triển trong tương lai về ngành. Hơn nữa, USTH là trường đại học nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nên các nghiên cứu mới nhất từ các viện liên quan được trình bày và giảng dạy cho sinh viên.
Tính quốc tế: Trường giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, 80% giảng viên là chuyên gia Pháp dạy chương trình thạc sĩ, 20 % với chương trình cử nhân. Sinh viên ngoài kiến thức chuyên môn, có các kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế. Các sinh viên được tiếp xúc với các giáo sư, tiến sĩ quốc tế đầu ngành trong lĩnh vực, là cơ hội để trao đổi trực tiếp và tìm kiếm học bổng thực tập cũng như du học ở các bậc cao hơn. (100 % học viên thạc sĩ và 40% sinh viên cử nhân được nhận thực tập có trả lương ở nước ngoài).
Trải nghiệm: 35% thời lượng của các khóa học là thực hành. Các sinh viên sẽ được trực tiếp tham gia các buổi thực hành đo đạc, quan trắc các vì sao. Được sử dụng và làm thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại như máy ảnh siêu phổ, đa phổ, máy quét laser, máy đo tốc độ ánh sáng, máy đo hạt, mô hình vệ tinh nhân tạo, mô phỏng và điều khiển các mô hình vệ tinh. Có cơ hội tham gia các khóa học quốc tế ngắn hạn tổ chức tại Việt Nam và Quốc tế như Trường hè VSOE, Neutrino…”.
Cơ hội việc làm đa dạng, rộng mở, “bước đệm” đến làm việc tại NASA
Ngành Kỹ thuật vũ trụ và Công nghệ vệ tinh được đào tạo theo 3 hướng: Viễn thám – Quan sát Trái Đất; Công nghệ vệ tinh; Vật lý thiên văn. Và theo Tiến sĩ Tống Sĩ Sơn, mỗi hướng đều có thế mạnh và sức hấp dẫn riêng.
Cụ thể, vị Phó Trưởng khoa thông tin: “Vật lý thiên văn thường sẽ được gieo vào mơ ước từ thuở nhỏ. Những bạn này thường có đam mê về bầu trời và vũ trụ, ham muốn tìm hiểu sự vô cùng của bầu trời, các hiện tượng vật lý ngoài không gian. Các bạn sẽ theo đuổi ước mơ vũ trụ và phát triển theo hướng trên.
Hướng viễn thám, quan sát Trái Đất và mô hình hóa Trái Đất cung cấp các phương pháp khai thác thông tin về biến động và phân bố của các đối tượng trên bề mặt trái đất từ ảnh chụp từ vệ tinh: theo dõi mất rừng, lũ lụt, sạt lở, mở rộng đô thị, ô nhiễm không khí, đất, nước, theo dõi các hiện tượng thời tiết như bão, lốc, dự báo thời tiết… Hướng này có thể sử dụng rộng rãi trong rất nhiều các lĩnh vực và không thể thiếu trong nhiều cơ quan quản lý cả nhà nước (Bộ, Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông vận tải, An ninh quốc phòng..), tổ chức quốc tế (Bảo tồn thiên nhiên Wildlife Conservation Society (WCS), Birdlife,..), và doanh nghiệp hoạt động về tài nguyên, môi trường, khí tượng thủy văn, quản lý đất đai, nguồn nước, quản lý biên giới, biển đảo…
Công nghệ vệ tinh hấp dẫn các bạn sinh viên đam mê chế tạo, điều khiển, tự động hóa. Chế tạo vệ tinh tương tự như chế tạo một robot đặc biệt mà sau khi phóng lên, thường rất khó để sửa chữa, robot đó nếu quay ống kính ra khoảng không sẽ quan sát vũ trụ, quay ống kính về Trái Đất sẽ quan sát các hiện tượng Trái Đất.
Thực tế, sự hấp dẫn của các hướng đào tạo dựa trên số lượng sinh viên theo đuổi sẽ không cố định và luân chuyển theo các năm. Chẳng hạn, 5 năm trước, khoảng 40-50% sinh viên theo hướng Công nghệ vệ tinh; 5 năm gần đây, hướng Vật lý thiên văn chiếm ưu thế; còn hướng Viễn thám – Quan sát Trái Đất thường ổn định chiếm từ 20-30% lượng sinh viên theo đuổi”.
Sinh viên ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh cần có niềm yêu thích, đam mê khám phá khoa học, đặc biệt là khoa học vũ trụ. Để theo học, các bạn cần nắm vững kiến thức các môn như Vật lý, Toán, Tin học, Hóa học, Địa lý.
“Sinh viên sau tốt nghiệp nếu đi học cao hơn có thể học tiếp ở nước ngoài.
Cơ hội việc làm đa dạng tại các tổ chức phi chính phủ (bảo tồn thiên nhiên: CIAT, Birdlife, WCS, REDD); công ty đa quốc gia có ứng dụng dữ liệu không gian (Spatial decision, LTS, VegaStar..); cơ quản quản lý nhà nước các cấp Bộ, Sở có chuyên ngành liên quan về khoa học, môi trường ứng dụng viễn thám; các đơn vị phục vụ an ninh quốc phòng sử dụng, khai thác dữ liệu vệ tinh; cơ quan nghiên cứu (Các viện nghiên cứu: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Công nghệ môi trường…).
Đặc biệt, các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng có thể làm việc tại các cơ quan ở nước ngoài, đã có 2 bạn làm ở NASA là Trương Tuấn Ngọc và Lê Ngọc Trẫm” – thầy Sơn thông tin thêm.
Cộng đồng thiên văn học Việt Nam hỗ trợ sinh viên trong quá trình học
Là một cựu sinh viên ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh tại Trường Đại học Việt Pháp, chị Lã Thùy Linh (sinh năm 2000) – hiện đang làm việc tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chia sẻ: “Tôi nhận thấy điểm mạnh của mình là Toán và Vật lý, nên đứng trước “cánh cửa” đại học, tôi nghĩ ngay đến ngành này khá phù hợp với mình. Một phần lý do tôi quyết định lựa chọn ngành học đó vì bản thân rất tò mò, muốn tìm hiểu xem công việc nghiên cứu trong ngành này như thế nào.
Với chương trình đại học ở Trường Đại học Việt Pháp, chúng tôi được học không những về vật lý thiên văn, mà còn về viễn thám – quan sát Trái Đất, nhập môn khí tượng học, và công nghệ vệ tinh. Vì ngành học khá mới lạ với bản thân, nên tôi học được rất nhiều điều mới mẻ và thú vị mà khi đi học phổ thông không hề biết tới.
Cộng đồng thiên văn học Việt Nam cũng rất cởi mở, thân thiết với nhau, nên mình được hỗ trợ rất nhiều từ thầy cô và bạn bè trong quá trình học”.
Đối với chị Thùy Linh, điều đáng nhớ nhất trong 4 năm đại học chính là những trải nghiệm từ năm 3: “Hồi ấy, tôi còn nhớ có môn “Thiết kế hệ thống vệ tinh”, chúng tôi được thực hành làm Cansat – một mô hình vệ tinh nhỏ với kích cỡ chỉ bằng một lon nước, và phóng mô hình đó bằng tên lửa nước. Đó là lần đầu tiên tôi được học về mạch arduino, và lập trình cho những cảm biến nhỏ để hoàn thành một nhiệm vụ. Khi làm dự án đó, tôi mới nhận ra, vệ tinh có thể phức tạp đến thế nào, và rất nhiều rủi ro có thể xảy đến với một vệ tinh. Chúng tôi đã gặp rất nhiều trục trặc và rắc rối trong lúc làm, may mà đến lúc phóng mô hình lên, mô hình vẫn hoạt động”.
Tốt nghiệp đại học, chị Thùy Linh tiếp tục học cao theo hướng Công nghệ vệ tinh và sau đó, lựa chọn làm việc tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, đơn giản chỉ bởi vì chị “muốn làm về thiết bị và vệ tinh”.
“Mức lương hiện tại của tôi cũng ở mức khá khiêm tốn, nhưng kiến thức mình học ở đại học và cao học đủ để mình phát triển thêm tại môi trường này và hoàn thành công việc” – chị bộc bạch.
Anh Nguyễn Tất Thắng (sinh năm 2002), cựu sinh viên ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh khóa 11 USTH cũng bày tỏ: “Tôi vốn có niềm yêu thích với thiên văn học từ những năm học cấp 3. Quãng thời gian đó, tôi thường xuyên được tiếp xúc với các cuốn sách về thiên văn học; đồng thời, bản thân lại có ước muốn được làm công việc liên quan đến nghiên cứu khoa học sau này. Vì vậy, tôi đã có ý định lựa chọn và theo đuổi ngành học có liên quan đến thiên văn học, chính là ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh”.
Điểm hấp dẫn nhất của ngành học này đối với anh Thắng chính là những kiến thức khoa học liên quan đến thiên văn. Ngoài ra, trong thời gian học tập, anh cũng có thể tự mình nghiên cứu và tìm ra những khám phá mới, điều đó khiến anh thêm đam mê. Cộng đồng thiên văn học Việt Nam cũng là một trong những “điểm cộng” đối với anh Thắng, vì mặc dù không quá lớn, nhưng cộng đồng luôn có những mối quan hệ thân thiết và sẵn sàng giúp đỡ nhau trong nghiên cứu khoa học cũng như trong cuộc sống.
“Sau khi ra trường, tôi sẽ chọn công việc liên quan đến việc nghiên cứu. Đối với tôi, hiện tại, mức lương không quá quan trọng. Quan trọng là được học tập và nghiên cứu những thứ mà mình mong muốn, thì một mức lương đủ sống là khá đủ” – anh Thắng giãi bày.
Có nhiều điều kiện phát triển nghiên cứu, hợp tác quốc tế
Vị Phó Trưởng khoa cũng chỉ ra những thuận lợi, khó khăn đối với ngành học này: Về thuận lợi: Cơ sở vật chất hiện đại, phong phú. Đội ngũ giảng viên trẻ, trình độ cao, được đào tạo bài bản từ các nước phát triển. Nhiều giảng viên là các nhà khoa học quốc tế đầu ngành giảng dạy trực tiếp. Có “cái nôi” là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, nên có điều kiện thực hiện, phát triển nghiên cứu. Hợp tác quốc tế rất tốt, đặc biệt là các đối tác Pháp là cơ sở để nâng cao trình độ giảng dạy và nghiên cứu của sinh viên và giảng viên.
Bên cạnh đó, cũng tồn tại một số khó khăn: Trường mới (14 năm), ngành mới (10 năm), nên chưa được nhiều người biết đến. Khoa học Vũ trụ là ngành công nghệ cao đòi hỏi đầu tư về kinh phí, đào tạo, trang thiết bị rất lớn. Ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ vệ tinh ở Việt Nam mới ở những bước đầu tiên sẽ mở ra cơ hội, triển vọng phát triển cho các thế hệ trẻ tương lai.
Về kế hoạch, định hướng trong thời gian tới, Tiến sĩ Tống Sĩ Sơn cũng chia sẻ thêm: “Trường Đại học Việt Pháp sẽ có cơ sở mới rộng 60ha trên Hòa Lạc, Khoa Vũ trụ và Ứng dụng sẽ có một tòa nhà được thiết kế để xây dựng Đài thiên văn phục vụ nghiên cứu và đào tạo về khoa học vũ trụ. Bên cạnh đó, kế hoạch phóng chuỗi các vệ tinh quan sát Trái Đất như Lotus 1-2, VNREDSat 1B của Việt Nam trong những năm tới là cơ sở để tiếp tục mở rộng đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho việc vận hành, điều khiển, khai thác vệ tinh.
Khả năng tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng sự hỗ trợ về khoa học và đào tạo của Pháp, Châu Âu, Nhật Bản… là lợi thế để phát triển đội ngũ cho ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh của Việt Nam trong tương lai.
Ngoài ra, cần có sự quan tâm đóng góp từ nhà nước và toàn xã hội để phát triển ngành.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò và ý nghĩa của ngành trong đời sống kinh tế – xã hội và khoa học”.
Theo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam