Vào ngày 29/4/2025, Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã tổ chức buổi trao đổi thông tin và xem tường thuật trực tiếp lễ phóng vệ tinh BIOMASS của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), vệ tinh đầu tiên sử dụng radar băng sóng P với nhiệm vụ vẽ bản đồ sinh khối rừng trên toàn thế giới.
Trước thời khắc BIOMASS được chính thức phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Vega-C từ Kourou, French Guyana, ông Nguyễn Vũ Giang – chuyên gia Viễn thám tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã có bài chia sẻ về các đặc điểm kỹ thuật và các ứng dụng tiềm năng của vệ tinh BIOMASS.
BIOMASS là vệ tinh đầu tiên trên thế giới sử dụng radar băng sóng P (bước sóng ~70 cm) giúp ước tính lượng sinh khối trên toàn cầu, đặc biệt là tại những khu rừng nhiệt đới rậm rạp. Đặc biệt, Việt Nam tự hào có kiến trúc sư trưởng của BIOMASS là TS. Lê Toàn Thủy (phòng thí nghiệm CESBIO, Pháp). TS. Lê Toàn Thuỷ rất nổi tiếng trong cộng đồng viễn thám trong và ngoài nước. Cô có rất nhiều đóng góp quan trọng cho linh vực Viễn thám của Việt Nam. TS. Lê Toàn Thủy và phòng thí nghiệm CESBIO cũng đã và đang có rất nhiều đóng góp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực tương lai trong lĩnh vực viễn thám tại Khoa Vũ trụ và Ứng dụng của USTH.
Vào đúng 16:15 giờ Việt Nam, vệ tinh BIOMASS của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã chính thức được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Vega-C. Hơn 40 người tham dự xem lễ phóng trực tiếp gồm các giảng viên, sinh viên USTH và các đại biểu khác đã hồi hộp theo dõi các quá trình vệ tinh rời bệ phóng, phân tách với các tầng tên lửa đẩy, và được đựa ổn định vào quỹ đạo, cũng như thiết lập được liên lạc với Trái đất thành công. Đặc biệt cả khán phòng đều rất tự hào khi được nhìn thấy TS. Lê Toàn Thuỷ lên trả lời phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình.
Cùng xem lại những hình ảnh đáng nhớ tại buổi lễ: