Ngày 19/07/2023 vừa qua, Khoa Vũ trụ và Ứng dụng (USTH) tổ chức hội thảo “Viễn thám trong nghiên cứu thực vật và tài nguyên thiên nhiên”.
Tại chương trình, về phía USTH, có sự tham dự của ông Luc Le Calvez – Trưởng Ban Nghiên cứu, Đổi mới và Chuyển giao Công nghệ. Về phía khoa Vũ trụ và Ứng dụng, có sự hiện diện của PGS. TS. Ngô Đức Thành – Đồng Trưởng khoa, cùng các cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường. Bên cạnh đó, hội thảo quy tụ nhiều diễn giả, nhà nghiên cứu khác đến từ các trường Đại học, đơn vị nghiên cứu uy tín như Viện Công nghệ Vũ trụ (STI), Đại học Mỏ Địa chất, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên, …
Đặc biệt, hội thảo được đón tiếp TS. Alexandre Bouvet từ Trung tâm Nghiên cứu Sinh quyển từ Không gian (CESBIO), đồng thời là đại diện cơ quan Nghiên cứu phát triển của Pháp tại Việt Nam (IRD). CESBIO là một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu tại Pháp về các đối tượng bề mặt lục địa cũng như tương tác của chúng với khí hậu và con người sử dụng công nghệ viễn thám.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS. TS. Ngô Đức Thành đã có phần giới thiệu ngắn gọn một số hoạt động chính của khoa Vũ trụ và Ứng dụng (SA) liên quan đến lĩnh vực viễn thám. Về đào tạo, khoa SA đang giảng dạy chương trình khoa học Vũ trụ và công nghệ vệ tinh cho 3 hệ Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Trong đó, viễn thám và mô phỏng trái đất là một trong 3 định hướng nghiên cứu, giảng dạy chính, thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên cả trong và ngoài nước.
Về nghiên cứu, khoa SA đã thành lập nhóm Viễn thám và mô hình hóa bề mặt và khí quyển (REMOSAT). Mục tiêu của REMOSAT là phát triển các nghiên cứu, ứng dụng liên quan đến viễn thám và mô hình hóa tại Việt Nam. PGS. TS. Ngô Đức Thành cũng nhấn mạnh một trong những dự án nổi bật nhất của nhóm REMOSAT phải kể đến Phòng thí nghiệm hỗn hợp quốc tế Trung tâm nghiên cứu Hệ thống kết hợp Mặt đất – Khí quyển – Đại dương (LMI-LOTUS) – biểu tượng hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu hàng đầu của Pháp và Việt Nam.
LMI-LOTUS được khởi xướng từ năm 2018 với mong muốn phát triển và tích hợp những cách tiếp cận sáng tạo để nghiên cứu chu trình nước và các vật chất trong hệ thống sông – cửa sông – đại dương, tập trung vào khu vực miền Bắc Việt Nam. Trong quá trình đó, các nhà khoa học cần thu thập dữ liệu quan sát trái đất từ vệ tinh để đưa ra các phân tích, đánh giá phục vụ nghiên cứu. Kết quả của những dự án như vậy rất quan trọng với Việt Nam – một quốc gia có nền kinh tế dựa trên những ngành mũi nhọn sử dụng nhiều tài nguyên nước như nông, ngư nghiệp và du lịch.
Vì vậy, khoa SA tổ chức hội thảo “Viễn thám trong nghiên cứu thực vật và tài nguyên thiên nhiên” nhằm mang đến cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên USTH cơ hội trao đổi học thuật và nâng cao năng lực chuyên môn.
Tại chương trình, các bài trình bày tập trung vào việc áp dụng công nghệ viễn thám từ không gian để nghiên cứu và quản lý tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là cây trồng và môi trường rừng. Cụ thể, các nghiên cứu sử dụng ảnh radar SAR để giám sát tình trạng mất rừng dựa vào sự xuất hiện tức thời bóng của cây rừng còn lại trên ảnh; sử dụng hình ảnh UAV để đánh giá sự phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn; sử dụng hình ảnh Sentinel để ước lượng sản lượng cây trồng, … Điều này có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển các chiến lược quản lý thông minh và bền vững trong công tác bảo vệ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả.
Khép lại chương trình, các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực viễn thám đã có cơ hội trao đổi, kết nối và gợi mở thêm nhiều hướng đi cùng sự hợp tác mới cho những dự án mà mình đang theo đuổi. Đồng thời, hội thảo cũng giúp nâng cao nhận thức về vai trò của công nghệ viễn thám từ không gian trong nghiên cứu, quản lý tài nguyên tự nhiên, góp phần vào sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.