Từ ngày 03 – 07/03/2025, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) phối hợp cùng Hội đồng các trường đại học Flemish vì sự hợp tác phát triển (VLIR-UOS), Đại học Antwerp và Đại học Hasselt (Bỉ) tổ chức thành công hội thảo khoa học với chủ đề “Thống kê sinh học về phân tích định tính trong chăm sóc sức khỏe và khoa học cộng đồng”.
Phát biểu khai mạc vào ngày 03/03/2025, GS. Jean-Marc Lavest – Hiệu trưởng chính của USTH, đã chào mừng đoàn chuyên gia đến từ Bỉ và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong nghiên cứu y tế và khoa học cộng đồng. Ông bày tỏ kỳ vọng rằng hội thảo sẽ mang lại những kiến thức chuyên sâu và ứng dụng thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của người tham dự cũng như mở ra các cơ hội hợp tác trong tương lai.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu cung cấp nền tảng lý thuyết và thực hành về các phương pháp thống kê, nghiên cứu định tính và công cụ số trong giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và khoa học cộng đồng. Với bốn khóa học chuyên sâu, hội thảo thu hút gần 200 người tham dự theo cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp, bao gồm các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên từ nhiều cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế như Pháp, Bỉ, Ethiopia, Malaysia. Điều này thể hiện sự quan tâm lớn của cộng đồng học thuật đối với chủ đề của hội thảo.

Hội thảo gồm bốn khóa học chuyên sâu, được giảng dạy bởi các giáo sư và nhà nghiên cứu dày dạn kinh nghiệm đến từ Đại học Hasselt và Đại học Antwerp.
Tại khóa học “Các khái niệm cơ bản về phân tích dữ liệu không gian”, GS. Thomas Neyens, chuyên gia về thống kê sinh học từ Đại học Hasselt, đã chia sẻ những kiến thức nền tảng về thống kê không gian, giúp học viên hiểu cách phân tích dữ liệu có cấu trúc không gian trong lĩnh vực y tế và môi trường. Nội dung khóa học bao gồm trực quan hóa dữ liệu không gian, phân tích thăm dò và các phương pháp chuẩn hóa số liệu nhằm điều chỉnh sự khác biệt về mật độ dân số giữa các khu vực. Đặc biệt, khóa học đi sâu vào các mô hình thống kê như CAR (Conditional Autoregressive) và BYM (Besag-York-Mollié) – những phương pháp được áp dụng rộng rãi trong lập bản đồ dịch tễ và nghiên cứu sinh thái.
Trong khi đó, khóa học “Giới thiệu về nghiên cứu định tính trong chăm sóc sức khỏe”, do GS. Hilde Bastiaens – Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Định tính và GS. Sibyl Anthierens – Đồng Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Định tính tại Đại học Antwerp giảng dạy, mang đến cái nhìn tổng quan về nghiên cứu định tính trong lĩnh vực y tế. Khóa học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp học viên phát triển kỹ năng thực hiện nghiên cứu thực tế. Học viên được giới thiệu về các khái niệm cốt lõi của nghiên cứu định tính, từ cách lựa chọn mẫu, thu thập dữ liệu thông qua phỏng vấn cá nhân và nhóm thảo luận đến phương pháp phân tích dữ liệu theo chủ đề. Ngoài ra, khóa học cũng đề cập đến các tiêu chuẩn đạo đức và chất lượng nghiên cứu, đảm bảo phương pháp tiếp cận mang lại kết quả đáng tin cậy và có giá trị thực tiễn cao.
Các diễn giả và người tham dự chụp ảnh lưu niệm
Với khóa học “Phát triển nền tảng giáo dục E-learning sử dụng R”, GS. Ziv Shkedy – chuyên gia về tin sinh học/thống kê sinh học, cùng Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Huyền – Viện Thống kê và Khoa học Dữ liệu, Đại học Hasselt, đã tập trung vào ứng dụng phần mềm R trong giáo dục số, đặc biệt là phát triển nền tảng E-learning phục vụ phân tích thống kê. Nội dung bao gồm kiểm định giả thuyết, hồi quy tuyến tính đơn giản, và cách sử dụng R để trực quan hóa dữ liệu, phân tích, mô hình hóa và xuất kết quả. Các bài giảng được thiết kế theo hướng ứng dụng thực tế, giúp học viên làm quen với các công cụ quan trọng trong phân tích dữ liệu và giảng dạy trực tuyến.
Khóa học “Thiết kế nghiên cứu trong dịch tễ học – Vượt ra ngoài những khái niệm truyền thống”, do GS. Joost Weyler – chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Antwerp giảng dạy, mang đến góc nhìn chuyên sâu về thiết kế nghiên cứu trong dịch tễ học. Nội dung khóa học tập trung vào việc xây dựng câu hỏi nghiên cứu liên quan đến thực hành y tế (chẩn đoán, nguyên nhân, tiên lượng) và chuyển đổi những câu hỏi này thành thiết kế nghiên cứu phù hợp. Ngoài ra, học viên được hướng dẫn cách thu thập và quản lý dữ liệu, cũng như phân biệt giữa nghiên cứu nguyên nhân (causation) và nghiên cứu chẩn đoán (diagnostic studies). Khóa học không chỉ hữu ích cho các nhà dịch tễ học, mà còn giúp các chuyên gia y tế hiểu rõ hơn về phương pháp nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này.
Sau năm ngày học tập và trao đổi sôi nổi, hội thảo đã khép lại thành công. Hội thảo đã trở thành diễn đàn trao đổi học thuật, đồng thời mở ra cơ hội kết nối và hợp tác nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và khoa học cộng đồng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Ban tổ chức gửi lời cảm ơn chân thành đến Hiệp hội các trường đại học Flemish (VLIR-UOS), Đại học Antwerp và Đại học Hasselt vì sự đồng hành và hỗ trợ tích cực trong quá trình tổ chức hội thảo. USTH kỳ vọng sẽ có thể tiếp tục hợp tác với VLIR-UOS và các trường đại học Bỉ để tổ chức thêm nhiều sự kiện khoa học chất lượng cao trong tương lai.
Một số hình ảnh của Hội thảo: