Năm nay, Khóa 15 (GEN 15) được vinh dự mang tên nhà khoa học Alexandre Yersin – nhà khoa học lỗi lạc người Pháp gắn bó sâu sắc với Việt Nam.
Từ năm 2022, USTH xây dựng truyền thống đặt tên cho các khóa tân sinh viên theo tên những nhà khoa học vĩ đại trong lịch sử Việt Nam và nhân loại nhằm truyền cảm hứng, tình yêu và niềm tự hào cho các thế hệ sinh viên USTH khi học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Năm nay, GEN 15 được vinh dự mang tên nhà khoa học Alexandre Yersin – nhà khoa học lỗi lạc người Pháp gốc Thụy Sĩ. Những đóng góp của ông trải dài trong lĩnh vực y học, nông nghiệp, giáo dục, địa lý có ý nghĩa to lớn với nhân loại nói chung và mảnh đất hình chữ S nói riêng.
Alexandre Yersin tên đầy đủ là Alexandre Émile Jean Yersin sinh ngày 22 tháng 9 năm 1863 tại Lavaud (hạt Vaud) thuộc miền quê nước Thụy Sĩ. Ông bắt đầu học ngành Y tại Lausanne (Thụy Sĩ), sau đó chuyển sang Đức và tiếp tục theo đuổi chương trình tiến sĩ tại Paris, Pháp. Khám phá quan trọng nhất của Yersin trong sự nghiệp y học chính là việc tìm ra vi khuẩn Yersinia pestis, nguyên nhân gây ra bệnh dịch hạch. Nhờ phát hiện này, nhân loại đã có thể tìm ra phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả cho một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất lịch sử, cứu hàng triệu người trên khắp thế giới. Ông cũng tham gia phát triển vắc-xin chống lại bệnh dịch hạch, đóng góp không nhỏ cho sự tiến bộ của y học hiện đại. Với kỳ tích tìm ra vi khuẩn dịch hạch, nghiên cứu bào chế thuốc điều trị và phòng bệnh dịch hạch, ông được Chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh.
Ngoài niềm đam mê, cống hiến cho khoa học, Alexandre Yersin mang trong mình khát khao khám phá vẻ đẹp và sự bí ẩn của những vùng đất mới. Khát vọng ấy đã thôi thúc ông bước ra khỏi sự bó buộc của phòng thí nghiệm, quyết tâm bước lên tàu viễn du đến Đông Dương.
Alexandre Yersin
Alexandre Yersin đặt chân đến Việt Nam lần đầu vào năm 1891 và nhanh chóng bị hấp dẫn bởi cảnh đẹp và con người nơi đây. Ông đã dành trọn phần đời còn lại tại Việt Nam và xem mảnh đất hình chữ S như quê hương thứ 2.
Ông là người sáng lập và đặt những nền móng đầu tiên cho Viện Pasteur ở Nha Trang (1895), Hà Nội (1925, hiện là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) và Đà Lạt (1936, hiện là Công ty vacxin Pasteur Đà Lạt). Hiện nay, các viện này vẫn đang hoạt động và trở thành các đơn vị y tế, khoa học hàng đầu trong nghiên cứu phòng chống dịch, dịch tễ học…của Việt Nam.
Alexandre Yersin cũng là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y – Dược Đông Dương, tiền thân của Đại học Y Hà Nội, cơ sở đào tạo y khoa đầu tiên của Đông Dương, xây dựng theo mô hình giáo dục y khoa Phương Tây.
Không chỉ vậy, Alexandre Yersin đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, Viện trưởng Viện Pasteur Đông Dương, Tổng thanh tra các Viện Pasteur Đông Dương, Viện trưởng danh dự Viện Pasteur ở Paris, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, Chủ tịch danh dự Hội đồng Y khoa Viện Pasteur Paris. Ông được nhận giải thưởng Leconte của Viện Hàn lâm khoa học Pháp năm 1927.
Bên cạnh những cống hiến cho y học, Alexandre Yersin còn ghi dấu ấn đậm nét của mình trong nhiều lĩnh vực như địa lý, nông nghiệp của Việt Nam. Ông đã khám phá và lập bản đồ nhiều khu vực ở Đông Dương, bao gồm việc khám phá ra cao nguyên Lâm Viên, địa điểm sau này trở thành thành phố Đà Lạt.
Với tình yêu thiên nhiên và mong muốn đóng góp cho vùng đất nơi mình sinh sống, Alexandre Yersin tham gia vào nhiều dự án nông nghiệp, bao gồm việc du nhập và trồng thử nghiệm cây cao su và cây canh-ki-na, một loại cây dùng để sản xuất thuốc chữa bệnh sốt rét.
Các nghiên cứu của Alexandre Yersin về phương pháp trồng, khai thác và chế biến cao su đã giúp người trồng cao su ở Đông Dương giảm bớt khó khăn, góp phần tạo nên ngành công nghiệp cao su phát triển mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản lượng cao su tự nhiên.
Dù là một nhà khoa học xuất chúng, Alexandre Yersin lại có lối sống giản dị và gần gũi với người dân địa phương. Ông thường xuyên chăm sóc và chữa bệnh cho người dân mà không nhận thù lao. Bằng cách sống khiêm nhường, giàu lòng nhân ái, Alexandre Yersin nhận được sự kính trọng và lòng yêu mến của người dân và được gọi với cái tên trìu mến “Ông Năm Yersin”.
Cuộc sống và sự nghiệp của Alexandre Yersin là tấm gương sáng về lòng đam mê, tinh thần dấn thân và cống hiến không ngừng nghỉ cho khoa học, đồng thời là bài học về lòng nhân ái, sự khiêm nhường và trách nhiệm với cộng đồng. Di sản mà ông để lại sẽ trường tồn mãi với thời gian và luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ các nhà khoa học trẻ.
Thông qua việc đặt tên GEN 15 gắn với Alexandre Yersin, USTH mong muốn các bạn tân sinh viên không ngừng phấn đấu, vươn lên trong học tập, noi theo tinh thần “sống để khám phá và cống hiến” của nhà khoa học tài ba, lỗi lạc của nhân loại. Chuyến tàu tri thức USTH đã sẵn sàng giương buồm, đưa GEN 15 đi tìm kiếm và khám phá những chân trời kiến thức mới.