Hơn 10 năm gắn bó với USTH, từ tân sinh viên ngành Công nghệ sinh học – Dược học; tiếp đến là thạc sĩ ngành Y Sinh và hôm nay, Nguyễn Ngọc Liên tự hào đã hoàn thành luận án tiến sĩ tại trường. Trong suốt hành trình ấy, Liên đã được chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ cùng những dấu mốc quan trọng của nhà trường trong 10 năm đầu tiên hình thành và phát triển.
Bước chân vào USTH năm 2010, Nguyễn Ngọc Liên khi ấy là tân sinh viên ngành Công nghệ sinh học – Dược học (nay là ngành Công nghệ Sinh học Nông, Y, Dược). Lúc đó, Liên mang theo những hoài bão và đam mê khám phá những kiến thức về Công nghệ sinh học và Dược học, một ngành học luôn được đánh giá đầy tiềm năng trong tương lai. Nhưng cô tân sinh viên ngày ấy chưa từng nghĩ mình sẽ gắn bó cả quá trình học tập và nghiên cứu tại trường. 10 năm tại USTH đã mang lại cho Ngọc Liên những trải nghiệm quý báu cùng những cơ hội rộng mở để phát triển các đề tài nghiên cứu. Trong những ngày cuối tháng 10 này, Liên đã hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ tại trường và có dịp chia sẻ về hành trình học tập và nghiên cứu tại USTH.
USTH – mở rộng cánh cổng bước vào môi trường nghiên cứu thế giới
Ngành Công nghệ Sinh học nói chung và ngành Dược học nói riêng trên thế giới đang được các nước tập trung phát triển mạnh mẽ, bởi đó luôn được xem là một trong các ngành then chốt giúp phát triển đời sống – kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Việc bước chân ra ngoài môi trường nghiên cứu thế giới sẽ giúp những sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh có cơ hội học hỏi và phát triển các nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong tương lai. Và USTH chính là một trong những ngôi trường đại học tiên phong tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á giúp sinh viên tiếp cận sớm với môi trường nghiên cứu thế giới.
Phương pháp giảng dạy và nghiên cứu tại USTH giúp sinh viên không chỉ được trang bị các kiến thức chuyên ngành sâu rộng, được thực hành hàng giờ tại các phòng lab, mà còn được trau dồi năng lực ngoại ngữ cùng những kỹ năng mềm cần thiết. Điều đó giúp sinh viên của USTH tự tin bước vào môi trường học tập và nghiên cứu quốc tế. Liên còn nhớ 2 năm học thạc sĩ ngành Y Sinh tại USTH, cô đã có 2 lần đi thực tập tại trường Đại học BOKU, thủ đô Viên của Áo. Đó là lần đầu Liên đi thực tập và nghiên cứu tại nước ngoài nhưng không hề cảm thấy bỡ ngỡ vì đã quen với việc thực hành tại các phòng nghiên cứu. Hơn nữa, việc học hoàn toàn bằng tiếng Anh tại USTH giúp Liên cải thiện tốt khả năng ngoại ngữ của mình, đặc biệt là các thuật ngữ chuyên ngành.
Liên chia sẻ rằng “Chính những kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ được học tập và rèn luyện tại USTH đã giúp nhanh chóng bắt nhịp được môi trường học tập và nghiên cứu quốc tế”.
10 năm chặng đường hình thành và phát triển vượt bậc của USTH
Liên kể lại “Ngày ấy mình là sinh viên khóa 2 của ngành Công nghệ Sinh học – Dược học. Vào thời điểm đó, Mình cùng các bạn học tại nhà 2H với mọi thứ còn rất ban sơ. Chúng mình thường đi thực tập tại các phòng nghiên cứu quanh Viện Hàn Lâm. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn khi quay lại trường học thạc sĩ, USTH đã có quá nhiều điều thay đổi. Trường chính thức chuyển về tòa nhà A21 với hàng chục phòng nghiên cứu được trang bị hiện đại. Điều đó tạo thuận lợi giúp học viên tập trung phát triển những nghiên cứu ngay trong khuôn viên của trường.”
Bên cạnh đó, Nhà trường đã và đang phát triển cũng như mở rộng mạng lưới các đơn vị đối tác bao gồm các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp, giúp sinh viên được đi thực tập và tiếp cận với môi trường làm việc và nghiên cứu thực tế. Trong đó, việc hợp tác và phát triển các đề tài nghiên cứu với các trường đại học hàng đầu thế giới đã tạo điều kiện cho sinh viên và học viên tại USTH có cơ hội đi thực tập tại châu Âu (Pháp, Ý, Áo, Đức …) và một số quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Liên cho biết “Trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu tại trường, Liên luôn cảm thấy tự hào vì sự đổi thay mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất để giúp cho các bạn sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh được trải nghiệm môi trường học tập và nghiên cứu hiện đại nhất.”
Những giảng viên tận tâm và nhiệt huyết
Liên luôn cảm nhận được sự nhiệt tình của các thầy cô giảng viên trong và ngoài nước. Cô tâm sự: “Các thầy cô đã định hướng và hỗ trợ mình trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. Đặc biệt trong quá trình làm nghiên cứu sinh của mình cũng đúng thời điểm dịch Covid19 bùng phát. Mình cũng như nhiều nghiên cứu sinh khác đã gặp không ít khó khăn trong quá trình nghiên cứu và đi thực địa. Nhưng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh – Phó trưởng khoa Khoa học Sự sống, USTH và GS. Dijoux-Franca Marie Geneviève, ĐH Claude Bernard Lyon 1, mình đã hoàn thành quá trình nghiên cứu sinh trong tháng 10 vừa qua.”
10 năm không phải là một chặng đường dài cho sự hình thành và phát triển của một trường đại học, nhưng USTH đã và đang tạo ra những dấu ấn mạnh mẽ và trở thành một trong những ngôi trường tiên phong trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật tại Việt Nam.