Bên dưới là những điều mà Nguyễn Ngọc Kim Hồng – cựu sinh viên khóa 9 ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh (tên cũ: ngành Vũ trụ và Ứng dụng) đã chia sẻ khi nhắc tới hành trình 3 năm gắn bó với USTH đầy cảm xúc. Hãy cùng lắng nghe về trải nghiệm của cô bạn qua bài viết sau đây.
Mối duyên tình cờ khởi đầu cho nhiều bất ngờ
Xuất thân trong 1 gia đình hiếu học tại Tây Ninh, Kim Hồng sớm đã bộc lộ sự mạnh mẽ và bản lĩnh của mình khi quyết tâm lựa chọn tới TP. Hồ Chí Minh sinh sống, học tập thay vì dùi mài đèn sách ở trường THPT chuyên của tỉnh. Xa nhà từ cấp 3, cô bạn mang trong mình nhiều hoài bão, khát vọng và không ngại thử thách. Có lẽ, đây cũng chính là lý do khiến Hồng tiếp tục bứt phá về khoảng cách địa lý gần 2.000 cây số để chọn trường Đại học Việt-Pháp hay USTH là “trạm sạc tri thức” tiếp theo trong hành trình chinh phục mục tiêu nghề nghiệp.
Hồng tâm sự: “Thật ra, việc đến Hà Nội là một cơ duyên. Khi chuẩn bị hồ sơ vào sư phạm Toán, thầy quản nhiệm đã động viên em rằng nếu có khả năng cao đỗ vào đại học, tại sao không thử bước ra khỏi vùng an toàn để nắm bắt những cơ hội mới mẻ, hấp dẫn hơn”. Lời gợi ý của thầy quản nhiệm như chất xúc tác thôi thúc Hồng suy ngẫm và mạnh dạn tiếp tục phá vỡ rào cản về không gian, sẵn sàng vươn tới một chân trời mới. “Với em, đi để thấy ngày mới thật tinh tươm!”.
Cưới rồi mới yêu
Khi được hỏi thêm về lựa chọn ngành học, Hồng dí dỏm ví von rằng nó giống như việc “cưới rồi mới yêu” vậy. Bởi vì qua những tìm hiểu ban đầu tại thời điểm đó, Hồng chỉ biết ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh còn khá mới mẻ và USTH là ngôi trường tiên phong đào tạo lĩnh vực này ở Việt Nam. Hơn nữa, chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh song song với các khóa tiếng Pháp bổ trợ sẽ giúp sinh viên có lợi thế cạnh tranh lớn để nắm bắt “job xịn” trên phạm vi toàn cầu.
Thế rồi càng học, Hồng càng thấy rõ sự “khát” về nhu cầu nguồn nhân lực cao của ngành này, đồng nghĩa với việc sẽ có vô vàn cơ hội mở ra để phát triển sự nghiệp cả trong và ngoài nước cho những người theo đuổi con đường khoa học vũ trụ và công nghệ vệ tinh.
Ví dụ cụ thể là năm 2022, lượng lao động trong ngành này trên toàn cầu ước tính khoảng 400 nghìn người, đồng thời quy mô ngành đã mở rộng với giá trị gần 500 tỷ USD. Các ngành sản xuất của Mỹ – cường quốc đứng đầu thế giới trong cuộc đua vào không gian – cũng thu về 2 tỷ USD/ năm vì đứng sau hỗ trợ khoảng 40% những lần phóng vệ tinh thương mại (nguồn: Thespacereport.org). Trong nước, các vệ tinh mà Việt Nam đang sở hữu đã đem lại nhiều lợi ích đối với sự phát triển kinh tế – xã hội; giám sát môi trường, biến động bề mặt lớp phủ, khí tượng, viễn thám – trắc địa, dự báo và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và các hiện tượng cực đoan, … Tuy nhiên, nguồn nhân lực vẫn chưa đủ đáp ứng với nhu cầu theo “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt.
Vì vậy, đối với Hồng, cô bạn cảm thấy mình thật may mắn vì đã chọn đúng trường, yêu đúng ngành và hành trình học tập xuyên suốt 3 năm tại USTH trở nên rất đỗi “ngọt ngào”.
Những kỷ niệm nho nhỏ khó quên
Ở USTH, Hồng có cơ hội rèn luyện kỹ năng thực hành và viết báo cáo theo chủ đề trong các môn học chuyên ngành. Phương pháp này tương tự như “Học theo dự án”. Nó giúp người học có cơ hội phát triển năng lực toàn diện thông qua các dự án với những thách thức mà chúng ta gặp phải trong thực tế. Chính điều này đã khiến Hồng nhận thức rõ rệt ý nghĩa, ứng dụng to lớn và những giá trị tiềm tàng quý giá của khoa học trong đời sống.
Bên cạnh đó, gần cuối năm ba, cô bạn đã tham gia vào dự án nhóm về trượt lở bằng cách so sánh biến động bề mặt tại một vùng núi phía Bắc Việt Nam qua ảnh vệ tinh. Dù chưa thành công nhưng nhờ trải nghiệm này, Hồng hiểu ra rằng không phải cứ bắt tay làm là luôn thuận lợi hay không đạt kết quả tức là thất bại. Bởi vì, thái độ nhìn nhận mới là điều quan trọng hơn.
Gặp gỡ những con người đặc biệt
Hồng có những ấn tượng đặc biệt với các buổi “Seminars and Space Talks” – đặc sản của khoa Vũ trụ và Ứng dụng. Đây là nơi hội tụ các chuyên gia, giáo sư trong lĩnh vực vũ trụ, viễn thám, công nghệ vệ tinh cũng như những chuyên ngành liên quan đến từ mạng lưới đối tác của USTH ở trong và ngoài nước. Các nhà khoa học được mời tới đây nhằm chia sẻ kiến thức, kết quả nghiên cứu và cung cấp những thông tin cập nhật nhất theo kịp dòng chảy tri thức của thế giới. “Ngày ấy, nhiệm vụ nho nhỏ của em là mang nước cho các diễn giả. Tuy chỉ trong một thời gian ngắn nhưng đó thật sự là kỷ niệm tươi đẹp. Bởi “món ăn tinh thần” này đã góp phần truyền cảm hứng và bồi đắp mỹ cảm về khoa học cho thế hệ trẻ mà em cũng không phải ngoại lệ” – Hồng tỏ bày.
Mặt khác, USTH còn là một môi trường học tập quốc tế đa văn hóa. Vì vậy, bên cạnh các môn chuyên ngành học bằng tiếng Anh, tiếng Pháp cũng là một môn học để lại dấu ấn khó phai với Kim Hồng. Bởi lẽ: “Ở lớp tiếng Pháp, em cực kỳ thích nghe thầy cô kể chuyện về cuộc sống ở nước ngoài. Không những thế, em còn được học với một thầy người Pháp là “gương mặt vàng trong làng người nổi tiếng” của kênh “Hàng xóm tây Official” và “Addicted to Vietnam” (Nghiện Việt Nam). Điều này thực sự rất thú vị”.
Tuyệt vời hơn cả, ở USTH, Hồng có cơ hội gặp gỡ nhiều bạn bè, anh chị khóa trên rất thông tuệ và cá tính đến từ mọi miền đất nước. Hồng cho biết: “Các thầy cô người Pháp gây ấn tượng lớn với em bởi sự cởi mở không chỉ trong giao tiếp mà còn tính đa dạng và liên ngành (interdisciplinary) giữa các chủ đề nghiên cứu. Các thầy cô người Việt trẻ trung, tài năng, tận tâm và nhiệt huyết”.
Chính những con người đặc biệt này đã đem đến trải nghiệm văn hóa đa dạng cũng như giúp Kim Hồng có thêm nhiều động lực để tiến xa hơn trên con đường khoa học mình đã lựa chọn.
Chúc Hồng luôn vững vàng và bản lĩnh tiếp tục chinh phục những mục tiêu tiếp theo nhé!