Trần Hoàng Việt – cựu sinh viên khóa 10 và hiện là học viên thạc sĩ ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh của USTH – đã xuất sắc giành học bổng Excellence của Đại sứ quán Pháp năm nay dành cho chương trình Thạc sĩ (M2) tại Pháp. Đây là kết quả xứng đáng cho chàng sinh viên luôn kiên định với mục tiêu học thứ mình thích và làm điều mình muốn. Mời các bạn cùng gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện thú vị của Hoàng Việt trong bài viết dưới đây nhé!
Cơ duyên nào khiến Hoàng Việt lựa chọn ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh?
Từ nhỏ, mình đã có đam mê về khoa học vũ trụ qua những cuốn sách như “Lược sử thời gian”, “Vũ trụ qua vỏ hạt dẻ”, hay sau này là những video, phim tài liệu về không gian. Chúng mang đến những kiến thức thú vị và bổ ích, tuy nhiên lại khiến mình cảm thấy “không chuyên” với việc tiếp xúc khoa học theo cách này. Những dạng khoa học này có phần hơi “ăn liền”, bỏ qua hoặc giải quyết nhanh chóng, đốt cháy giai đoạn với rất nhiều những nền tảng quan trọng, những chi tiết về mặt toán học hay vật lý học của vấn đề.
Tất nhiên, để tiếp cận đối tượng khán giả rộng hơn, những cuốn sách hay phim tài liệu buộc phải làm những điều như vậy. Nhưng nó vẫn khiến mình cảm thấy có chút không “thỏa mãn”. Từ đó, mình luôn mong muốn được tiếp cận một cách chuyên nghiệp hơn, thông qua đào tạo, đi từ gốc rễ của vấn đề lên. Vì vậy, mình bắt đầu đi tìm kiếm một nơi để được học bài bản về khoa học Vũ trụ.
Và hành trình tìm kiếm bắt đầu. Nó không hề dễ dàng vì thời điểm đó, ở Việt Nam, ngành này còn khá mới mẻ và có rất ít cơ sở đào tạo. May mắn là mình được người quen giới thiệu về USTH. Khi biết USTH có ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh, mình vừa bất ngờ, vừa hưng phấn vì đã tìm được chính xác bệ phóng cho giấc mơ theo đuổi lĩnh vực mình yêu thích.
Khi học ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh, Việt thấy có những điểm gì đặc biệt?
Không phải ngẫu nhiên mà sau khi tốt nghiệp cử nhân, mình vẫn tiếp tục lựa chọn học Thạc sĩ tại USTH. Bởi lẽ, mình thấy chương trình ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh có nhiều ưu thế nổi bật.
Đầu tiên là về chương trình đào tạo. Là một sinh viên theo học cả 2 bậc cử nhân và Thạc sĩ, mình đánh giá cao chất lượng chương trình. Trước khi quyết định học tiếp chương trình Thạc sĩ của USTH, mình đã nghiên cứu khá nhiều nơi (chủ yếu là ở nước ngoài) và dự định ứng tuyển vào một số trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực tập, mình đã thảo luận rất nhiều với thầy hướng dẫn PGS. TS. Guillaume Patanchon – Trưởng khoa, khoa Vũ trụ và Ứng dụng (SA). Đồng thời, mình dành thời gian để tìm hiểu kỹ chương trình cũng như trao đổi với các anh chị khóa trước và quyết định tiếp tục ở lại đây. Lý do đơn giản là vì mình nhận thấy chương trình Thạc sĩ ngành Vũ trụ tại USTH không thực sự quá khác biệt so với chương trình ở các trường hàng đầu trên thế giới đang đào tạo trong lĩnh vực này, cả về môn học lẫn cơ cấu tổ chức giảng dạy.
Thứ hai, về chất lượng giảng viên. Bên cạnh đội ngũ giảng viên của khoa SA 100% đều có trình độ Tiến sĩ trở lên và được đào tạo bài bản ở nước ngoài, mình còn có cơ hội được học tập, tiếp xúc với rất nhiều giáo sư, tiến sĩ từ các viện nghiên cứu, các trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Thêm nữa, khoa SA có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với các trường Đại học, Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vũ trụ, vệ tinh. Mạng lưới đối tác của khoa trải khắp cả nước cũng như có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan, … Do đó, sinh viên ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh có thể dễ dàng tìm được những cơ hội thực tập và việc làm ở trong và ngoài nước.
Khi nhắc đến ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh, một trong những câu hỏi lớn nhất mà mọi người thường đặt ra, đó là “tốt nghiệp xong thì làm gì?”. Việt có thể chia sẻ suy nghĩ về câu hỏi này không?
Đây chính là câu hỏi mình thường xuyên nhận được từ bạn bè, người thân hay từ chính bản thân. Thực ra, nó không đơn thuần là câu hỏi mà còn là sự lo lắng rất lớn với những ai có niềm đam mê với khoa học vũ trụ. Bởi lẽ, ngành này còn khá mới và không hề phổ biến tại Việt Nam, khiến cho việc tìm hiểu về cơ hội phát triển, hướng đi và việc làm trở nên thách thức hơn. Tuy nhiên, nếu sẵn sàng bỏ thời gian, công sức cộng thêm đam mê thì cơ hội luôn rộng mở cho tất cả.
Như đã chia sẻ ở trên, việc khoa SA có nhiều đối tác là các đơn vị trong ngành cộng với kinh nghiệm có được từ kỳ thực tập cuối khóa, sẽ giúp sinh viên tìm được việc làm dễ dàng hơn rất nhiều. Hơn nữa, ngành Vũ trụ đang là xu thế ở các nước phát triển, kết hợp với sự hội nhập quốc tế của Việt Nam, con đường cho các bạn sinh viên muốn ra nước ngoài học tập và làm việc là rất rộng mở. Đối với các bạn muốn làm việc tại Việt Nam, cũng có khá nhiều các cơ sở, các viện nghiên cứu trong nước để bạn ứng tuyển như Viện Hàng không Vũ trụ Viettel, Trung tâm Vũ Trụ Quốc gia Việt Nam VNSC, Viện Khoa học và Công nghệ Vũ trụ STI, Các Công ty, Cơ quan sử dụng và phát triển các ứng dụng Viễn thám, Vệ tinh, v.v.
Như cá nhân mình, mình đang hướng đến phân nhánh Cosmology (Vũ trụ học) trong Vật lý thiên văn. Đây là một trong những hướng được tập trung nghiên cứu rất nhiều ở thời điểm hiện tại. Các tổ chức như Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) hay Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) liên tục triển khai những dự án phục vụ cho mảng này. Trong kì thực tập vừa rồi, mình được tham gia dự án LiteBIRD – dự án hợp tác khá dài hơi của ESA và JAXA nghiên cứu về bức xạ nền. Điều này giúp mình nâng cao năng lực chuyên môn và tích lũy kỹ năng công việc. Đồng thời, nó cũng mang đến cho mình cái nhìn rộng mở hơn về thị trường việc làm và định hướng công việc trong tương lai.
Trong quá trình học, năm nào Việt cũng giành được học bổng của USTH. Mong bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về phương pháp học tập hiệu quả của mình?
Năm đầu tiên là năm đại cương. Có những môn là thế mạnh của các bạn ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh như Toán, Lý và Tin. Song song với đó, cũng có những môn không phải sở trường của chúng mình như Hóa và Sinh. Vì vậy, phương pháp tốt nhất để vượt qua những môn học này là nhờ đến sự giúp đỡ của các bạn khoa khác do chúng mình được học chung với nhau.
Đến năm 2 và 3, sinh viên bắt đầu học chuyên ngành. Đa phần các môn học không quá thách thức và rất ít khi phải lo tới chuyện thi lại hay trượt môn. Tuy nhiên, để đạt kết quả tốt thì nên có sự tập trung cao độ vì khối lượng kiến thức cần thu nạp không hề nhỏ; chưa kể là các môn trong 2 năm này sẽ trải rộng trên khá nhiều lĩnh vực, do khoa có tới 3 hướng phát triển (Quan sát trái đất và Mô hình hóa, Vật lý thiên văn và công nghệ vệ tinh). Lời khuyên cho các bạn là đừng ngần ngại giao tiếp! Bạn bè cùng lớp, giảng viên và sinh viên khóa trước, … sẽ là “cứu tinh” của bạn nếu gặp bất cứ khó khăn hay thắc mắc trong quá trình học tập.
Ngoài ra, các bạn nên làm quen với các ngôn ngữ lập trình (cụ thể là python và matlab) do trong chương trình học của ngành học rất nhiều. Đồng thời, hãy “kết thân” với Latex vì đây là công cụ hữu hiệu giúp bạn luyện tập viết báo cáo, luận văn (bạn có thể tham khảo website Overleaf). Còn kha khá các công cụ và website rất hay khác, phục vụ cho mục đích nghiên cứu nhưng cần kiến thức sâu hơn để sử dụng mà các giảng viên sẽ giới thiệu dần trong chương trình học. Hy vọng đây là những tips giúp các bạn “dễ thở” hơn khi lựa chọn học ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh nói riêng và USTH nói chung.
Cảm ơn Việt đã chia sẻ và chúc bạn sẽ có hành trình học tập, nghiên cứu tuyệt vời tiếp theo ở nước Pháp xinh đẹp!