Tiếp nối thành công của PicoDragon (2013) và MicroDragon (2019), Vệ tinh NanoDragon – sản phẩm nghiên cứu “made in Viet Nam” 100% vừa được phóng lên, ghi dấu quyết tâm bảo vệ quyền lợi quốc gia trong cuộc cạnh tranh quốc tế của nước ta trên không gian vũ trụ.
Nhân sự kiện vệ tinh NanoDragon được đưa lên vũ trụ ngày 09/11/2021 sau 2 lần tạm hoãn do yếu tố thời tiết, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), người trực tiếp tham gia dự án NanoDragon, đồng thời cũng là giảng viên tham gia giảng dạy tại Khoa Vũ trụ và ứng dụng (USTH) để tìm hiểu thêm thông tin về sự kiện đặc biệt này.
USTH: Chào ông, theo thông tin chúng tôi được biết, vệ tinh NanoDragon được phát triển nhằm chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System – AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của vệ tinh này không, thưa ông?
Ông Lê Xuân Huy: NanoDragon là một vệ tinh nghiên cứu, do đó một số lợi ích vệ tinh có thể mang lại phải kể đến như:
Thứ nhất, chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System – AIS) sử dụng cho mục đích tránh bị va chạm hoặc kết hợp dữ liệu để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Trên cơ sở kết quả này, chúng ta có thể tính tới bài toán sử dụng chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ có tính năng tương tự NanoDragon trong các hoạt động dịch vụ liên quan.
Thứ hai, xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh. Đây là một trong những phân hệ quan trọng của vệ tinh, làm cơ sở để phát triển các vệ tinh tiếp theo của Việt Nam.
Thứ ba, tích lũy kinh nghiệm, phát triển đội ngũ, thiết lập mạng lưới nhà cung cấp, hoàn thiện quy trình,… từ đó làm nền tảng để phát triển các vệ tinh “Made in Vietnam” tiếp theo.
USTH: Trong quá trình nghiên cứu, sản xuất vệ tinh và triển khai thực hiện phóng vệ tinh vào không gian, nhóm nghiên cứu đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
Ông Lê Xuân Huy: Nói đến thuận lợi đầu tiên phải kể đến, đó là chúng tôi là một tập thể gồm những nhân sự đã có kinh nghiệm, ít nhất đã tham gia vào 2 dự án vệ tinh của Việt Nam trước đây là PicoDragon và MicroDragon. Cá biệt một số thành viên được tham gia vào thêm khoảng 3 – 4 quá trình thử nghiệm các vệ tinh khác khi đang học tập tại Nhật Bản. Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu chúng tôi được nhiều cơ quan tổ chức trong nước hỗ trợ về tinh thần cũng như các thủ tục và được sự hỗ trợ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) trong việc thử nghiệm và phóng vệ tinh NanoDragon lên quỹ đạo.
Tuy nhiên, từ câu chuyện nghiên cứu đến đưa vệ tinh vào không gian quả thực cũng gặp không ít khó khăn. Cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế do Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thực hiện đến năm 2023, cơ sở hạ tầng đầu tư theo Dự án như Trung tâm nghiên cứu phát triển, trạm mặt đất, thiết bị thử nghiệm vệ tinh … chưa hoàn thành nên các thiết bị công nghệ cần dùng để phát triển vệ tinh NanoDragon còn khá khiêm tốn. Mặt khác, kinh phí cho nghiên cứu và chế tạo vệ tinh có giới hạn, chúng tôi phải đối mặt với thực tế rằng chỉ có kinh phí cho phần chế tạo vệ tinh mà không bao gồm kinh phí phóng, trạm mặt đất,… Hay như, Việt Nam cũng là một trong những nước phụ thuộc vào quy chế kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao (ITAR), do đó một số thiết bị công nghệ cao cần mua phải xử lý thủ tục xuất khẩu phức tạp, một số thiết bị không thể mua được. Điều này khác biệt khá nhiều với vệ tinh MicroDragon khi vệ tinh được phát triển ở Nhật Bản. Công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam còn hạn chế, các công ty nhỏ thì trình độ kỹ thuật còn yếu, các công ty có kỹ thuật tốt thì thường không mặn mà với việc chế tạo sản phẩm đơn chiếc, tỷ suất lợi nhuận ít. Do đó, rất khó để triển khai được các thiết kế theo mong muốn của nhóm. Kế hoạch thực hiện dự án vừa phải bám theo yêu cầu của “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020” vừa cần theo kế hoạch của Chương trình “Trình diễn công nghệ vệ tinh sáng tạo số 2” điều hành bởi Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật bản (JAXA).
Nhóm nghiên cứu chụp hình lưu niệm cùng vệ tinh NanoDragon sau khi đã hoàn thành khâu chế tạo (Nguồn: VNSC)
USTH: Định hướng tiếp theo sau khi thực hiện việc phóng vệ tinh NanoDragon này là gì, thưa ông?
Ông Lê Xuân Huy: Trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc ta, các thế hệ đi trước đã đấu tranh bảo vệ quyền lợi Quốc gia ở vùng đất, vùng biển và bầu trời. Ngày nay thế giới chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nước trên không gian, do đó thế hệ chúng ta cần xác định không gian vũ trụ là một trong năm không gian (vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian mạng và không gian vũ trụ) mà Việt Nam cần làm chủ để bảo vệ quyền lợi Quốc gia.
Việt Nam đã có “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030”. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ, Chiến lược phấn đấu làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, ra – đa cho vệ tinh quan sát Trái đất và phát triển thị trường, hỗ trợ khởi nghiệp dần hình thành nền công nghiệp vũ trụ của Việt Nam.
Tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, chúng tôi đã có một số thành công nhỏ bé ban đầu trong việc chế tạo và phóng thành công một số vệ tinh nhỏ, mang ý nghĩa về đào tạo và thử nghiệm công nghệ lên vũ trụ như PicoDragon năm 2013, MicroDragon năm 2019 và NanoDragon vào tháng 11 năm nay. Vệ tinh LOTUSat-1 được Nhật Bản chế tạo thông qua dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, dự kiến được đưa lên quỹ đạo vào cuối năm 2023, sẽ là vệ tinh Quan sát trái đất sử dụng công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam. Vệ tinh có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và rất phù hợp với điều kiện khí hậu của chúng ta. Dự án cũng sẽ hoàn thành xây dựng Trung tâm nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vệ tinh đến 180 kg vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, đây là một chặng đường rất dài, cần nhiều nỗ lực và đầu tư chiến lược dài hạn để tạo ra được những sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn nữa.
Nhóm nghiên cứu của VNSC chụp hình kỷ niệm cùng vệ tinh NanoDragon (Nguồn: VNSC)
USTH: Theo ông, đối với những nhà nghiên cứu trẻ, đặc biệt là sinh viên ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh của USTH, họ nên hoặc cần chuẩn bị những gì để có thể tham gia vào những dự án/ đề tài như vậy trong tương lai?
Ông Lê Xuân Huy: Trước tiên, tôi muốn đề cập đến đặc điểm chung của các hệ thống hoạt động trên vũ trụ để các bạn hiểu rõ. Đặc điểm chung này đều là vệ tinh hoạt động trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt (môi trường phóng, môi trường chân không, không trọng lượng, tác động mạnh bởi các tia, hạt năng lượng cao…) và khác hẳn với môi trường ở dưới mặt đất. Tiếp đó, vệ tinh làm việc hoàn toàn từ xa, không được bảo dưỡng, sửa chữa trong suốt thời gian hoạt động của vệ tinh. Cuối cùng, chi phí đưa vệ tinh vào quỹ đạo hoạt động là rất cao.
Do đó kiến thức tích lũy trong quá trình học tập tại USTH là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là những kiến thức nền tảng về hệ thống, hay những đặc thù riêng biệt của vũ trụ so với lĩnh vực khác.
Ngoài ra người làm về vũ trụ cần các kỹ năng mềm khác như khả năng quản lý thời gian, quản lý dự án; khả năng làm việc nhóm;, ngoại ngữ tốt là một thế mạnh. Đặc biệt, các bạn cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, chịu trách nhiệm với những sản phẩm của mình vì chỉ 1 con ốc, hay 1 linh kiện bị hỏng là có thể sẽ dẫn cả vệ tinh sẽ dừng hoạt động trên quỹ đạo.
USTH: Cảm ơn ông vì đã tham gia phỏng vấn và chia sẻ rất nhiều thông tin hữu ích!
Chúc ông và nhóm nghiên cứu sẽ có những thành công tiếp theo trên con đường đưa Việt Nam ghi tên mình vào bản đồ vũ trụ thế giới.
NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5 mm), được VNSC phát triển. Vệ tinh là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020”. Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của VNSC. |