Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường hàng không Việt Nam mang đến triển vọng việc làm rộng mở cho ngành Kỹ thuật hàng không, bảo trì, bảo dưỡng máy bay. Vậy ngành học này là gì? Ra trường làm gì với mức lương ra sao mà hấp dẫn vậy.
Ngành Kỹ thuật hàng không là gì?
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong một thập kỷ trở lại đây với sự tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao hơn 2 lần so với mức 7,9% của toàn Châu Á. Mạng đường bay của các hãng hàng không trong nước đã mở rộng rất nhanh với sự tham gia của 5 hãng gồm: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar, Vasco và Bamboo Airways. Tại thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không nước ngoài và các hãng hàng không trong nước đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong tương lai gần, Việt Nam cần khoảng 10 hãng hàng không mới.
Sự phát triển vượt bậc của thị trường hàng không trong nước và quốc tế mang đến những cơ hội và triển vọng việc làm hấp dẫn cho lĩnh vực kỹ thuật hàng không, bảo trì, bảo dưỡng máy bay.
Chính vì vậy, từ nhiều năm trở lại đây, nhiều trường đại học tại Việt Nam đã bắt đầu đào tạo chương trình kỹ thuật hàng không hệ đại học nhằm đón bắt nhu cầu mới của thị trường lao động tiềm năng này.
Chương trình tập trung vào cách thức thiết kế, bảo dưỡng, sửa chữa, khai thác máy bay và các trang thiết bị phục vụ bay thuộc các nhóm như: Cơ khí, động cơ sức đẩy, thuỷ khí, khí động lực và trang thiết bị mặt đất.
Tại sao lựa chọn ngành Kỹ thuật hàng không tại USTH?
Chương trình cử nhân Kỹ thuật hàng không tại USTH được xây dựng dựa trên sự hợp tác toàn diện giữa USTH, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay VAECO, Viện Vũ trụ Hàng không Pháp (IAS) cùng sự hỗ trợ tài chính của tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu Châu Âu Airbus.
Chương trình đào tạo 100% bằng tiếng Anh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao giỏi chuyên môn và thành thạo ngoại ngữ trong lĩnh vực bảo trì, bảo dưỡng máy bay cho thị trường hàng không đang phát triển sôi động tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Với sự tham gia giảng dạy của các giảng viên châu Âu, chương trình gồm các nội dung nghiên cứu lý thuyết và thực hành cơ bản, tập trung vào các nội dung như bảo trì tàu bay và hệ thống, kiểm tra và hỗ trợ kỹ thuật, chất lượng và tình trạng máy bay, hoạt động hàng không.
Các sinh viên sẽ được học lý thuyết kết hợp chặt chẽ với thực hành tại phòng thí nghiệm hiện đại và trên mô hình máy bay thật và thực tập tại Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay VAECO, trong đó có 1 tháng cho năm đầu tiên, 2 tháng năm thứ 2 và 6 tháng thực tập tốt nghiệp.
Các môn học chính: khí động học, kết cấu và hệ thống máy bay, vận hành kỹ thuật, hệ thống đo lường và khoa học máy tính, quản lý dự án và đảm bảo chất lượng…
Ngành Kỹ thuật hàng không ra làm gì?
Với tiềm năng phát triển của thị trường vận tải hàng không trong nước, sinh viên ngành Kỹ thuật hàng không sau khi tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sẽ được các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước quan tâm cao và có thể đảm nhiệm các vị trí. Cụ thể:
- Chuyên gia kỹ thuật hàng không tại các công ty kỹ thuật hàng không Việt Nam và thế giới: Vietjet Air, Jetstar Airways, Bamboo Airways…
- Tư vấn hỗ trợ bảo trì máy bay, dịch vụ hàng không… tại các hãng hàng không
- Đặc biệt, theo thỏa thuận hợp tác, Vietnam Airlines cam kết mỗi năm tuyển dụng 30 cử nhân kỹ thuật hàng không tốt nghiệp USTH vào làm việc tại hãng hoặc VAECO cho 5 khóa đầu tiên.
Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội chuyển tiếp trình độ thạc sĩ quản lý hàng không tại USTH và Đại học Hàng không dân dụng quốc gia Pháp (ENAC) để trở thành nhân sự quản lý cấp cao của các hàng hàng không.