“Chọn ngành này, tuy đi thực địa nhiều, vất vả cũng nhiều, đi 1 lần mà da đen đến mức 3 năm không trắng lại được, nhưng những trải nghiệm đặc biệt từ những chuyến đi thì không tiền nào có thể mua được” – đó là những chia sẻ hài hước nhưng rất “thật” từ TS. Nguyễn Thanh Hiền, cô giảng viên trẻ USTH đam mê khám phá thế giới và khát khao khơi nguồn cảm hứng cho thế hệ tương lai của ngành Nước – Môi trường – Hải dương học.
Hãy sống giống như những chú tôm hùm
Tôm hùm càng to thì càng phải trải qua nhiều lần lột vỏ. Với con người chúng ta cũng vậy, chỉ khi bước ra khỏi vỏ bọc của mình, bạn mới có thể cứng cỏi và mạnh mẽ giống như những chú tôm hùm đầy kiêu hãnh.
Sự an toàn, quen thuộc của cuộc sống sẽ giống như chiếc vỏ tôm kìm hãm khả năng của bản thân. Đừng để cuộc sống trôi qua mỗi ngày một cách nhàm chán, hãy rời bỏ “nơi trú ẩn” đó, xách balo lên và khám phá thế giới đầy ắp những điều bất ngờ và lý thú. Đối với chị Hiền, mỗi lần đi thực địa là một chuyến phiêu lưu chứa đựng những câu chuyện và trải nghiệm thú vị.
Vì cuộc đời là những chuyến đi
Khi đi du lịch, bạn chỉ cần thuê khách sạn và đi ăn nhà hàng, như thế thì cũng không khác gì so với cuộc sống thường nhật của bạn vì bạn chỉ cần nghỉ ngơi và ăn uống thôi. Thế nhưng, đi thực địa hoàn toàn khác biệt so với những gì bạn nghĩ. Bạn cũng vào rừng, ra biển, nghe thì có vẻ giống du lịch đấy, nhưng thực ra “bạn sẽ được trải nghiệm cuộc sống giống như người bản địa, sống cùng họ vì nơi đó không có khách sạn, nhà hàng nào cả”, cô giảng viên trẻ chia sẻ.
Đi nhiều, trải nghiệm cũng nhiều nhưng chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc và đặc biệt nhất đối với chị chính là lần đi thu mẫu ở French Guiana thuộc khu vực rừng Amazon, Nam Mỹ mà chị là một trong số những người may mắn được chọn để tham gia đề tài nghiên cứu về sinh thái khi đang làm nghiên cứu sinh tại Pháp theo chương trình đào tạo tiến sĩ thuộc đề án 911.
Ở một nơi xung quanh chỉ có rừng và biển, chị và các đồng nghiệp sống trong trại nghiên cứu và phân chia công việc với nhau, bao gồm cả việc nấu ăn. Đoàn công tác khi thì được trải nghiệm những bữa ăn theo phong cách “đa quốc gia” vì các thành viên trong đoàn đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, hôm thì tất cả sẽ ăn chung một nồi canh với con cá do chính đoàn câu được giống như những ngư dân vậy.
Không chỉ trải nghiệm các nền văn hóa và phong cách sống khác nhau, chuyến đi này còn giúp chị học hỏi được rất nhiều, từ cách lên kế hoạch công việc, làm việc nhóm, cho đến việc phối hợp với nhau như thế nào để đảm bảo an toàn khi đi thu mẫu cho bản thân cũng như những thành viên trong đoàn.
Đi để nhận ra những nét đẹp tiềm ẩn
Đối với chị, những chuyến đi thực địa luôn tràn đầy những điều bất ngờ thú vị. Khác với du lịch, khi đi thực địa, bạn sẽ được đến những nơi còn hoang sơ và cảm nhận được nét đẹp độc đáo, riêng biệt của thiên nhiên từng vùng đất.
Chẳng hạn như khi đi thu mẫu ở French Guiana, chị và đoàn công tác đã có cơ hội trải nghiệm thiên nhiên kỳ thú của rừng Amazon: được thấy rái cá đào hố như thế nào, chứng kiến những chú kỳ đà “tò mò” chui vào trong lán trại của mình, hay đêm trằn trọc không ngủ được do ánh trăng quá sáng: “Đây là những trải nghiệm vô giá mà nếu mình không vươn ra khỏi vỏ bọc của bản thân, chỉ sống trong thành phố với những ánh đèn đường thì sẽ không thể nhận ra thiên nhiên và ánh trăng đẹp đến vậy”, chị chia sẻ.
Không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp, dù đi thực địa ở Việt Nam hay nước ngoài, cô giảng viên trẻ cũng cảm nhận được nét đẹp tâm hồn của người dân bản địa và cảm thấy yêu nghề hơn: “Họ luôn sẵn lòng giúp đỡ và nhiệt tình hỏi thăm về công việc của đoàn, kể về môi trường nơi họ đang sinh sống với mong mỏi chất lượng môi trường sớm được cải thiện, thế mới thấy công việc của mình thật sự có ích và rất đẹp đối với xã hội”, chị kể lại.
Lựa chọn “sứ mệnh” là người đồng hành cùng sinh viên
Đối với chị, một trong những yếu tố quan trọng nhất trên con đường đại học đó chính là thầy cô đồng hành cùng bạn. Vận may đã giúp cho chị có cơ hội được đi dự hội thảo tại Nhật Bản và gặp gỡ với các giáo sư nước ngoài – những người đã truyền cảm hứng và khiến chị thay đổi thế giới quan và quyết tâm tin tưởng vào lựa chọn con đường sự nghiệp của mình.
Vậy là, từ một nghiên cứu viên, chị quyết định chuyển hướng sang con đường giảng dạy với một lý do rất giản đơn: “Mình đã từng rất may mắn có cơ hội được gặp những thầy cô truyền cảm hứng cho mình trong học tập và nghiên cứu, vậy thì mình cũng muốn mang lại nhiều cơ hội như thế cho các bạn sinh viên, để có thể truyền cảm hứng và đam mê tới các thế hệ tương lai trong lĩnh vực Nước – Môi trường – Hải dương học.”, chị Hiền chia sẻ.
Lựa chọn ngành này nghĩa là chấp nhận bước vào con đường khó khăn hơn các ngành khác, nhưng đối với cô giảng viên trẻ, “bạn sẽ không bao giờ hối tiếc bởi tuổi trẻ nếu không trải qua thử thách thì quả là phí hoài. Hãy cứ mạnh dạn và tin tưởng vào lựa chọn của bản thân, biết đâu con đường này lại dẫn bạn tới những đích đến bất ngờ thì sao”.