Khi những sinh viên, những bạn trẻ mong muốn góp sức giải bài toán biến đổi khí hậu, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, thì những chia sẻ dưới đây của PGS. TS. Ngô Đức Thành, Trưởng khoa Khoa Vũ trụ và Ứng dụng (USTH), sẽ phần nào giúp bạn có thêm định hướng rõ ràng hơn trên chặng đường nghiên cứu. PGS. TS. Ngô Đức Thành là một trong các tác giả chính của báo cáo đánh giá lần thứ 6 của Uỷ ban Liên Chính Phủ về Biến đổi khí hậu mới được công bố tháng 08/2021 vừa qua.
Hiện nay, biến đổi khí hậu đang nhận được rất nhiều sự quan tâm không chỉ của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động môi trường mà còn của chính phủ các nước và công dân toàn cầu. ½ giải Nobel Vật lý 2021 đã vừa được trao cho 2 nhà khoa học là Syukuro Manabe và Klaus Hasselmann, vì những đóng góp đột phá của họ trong lĩnh vực này, cụ thể là cho bài toán “Mô hình vật lý của khí hậu Trái đất, định lượng sự thay đổi và dự đoán một cách đáng tin cậy sự nóng lên toàn cầu”.
Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại New York, Mỹ hôm 23/09/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Thiên tai dồn dập đã gây nhiều tổn thất về người và của. Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, đang chứng kiến hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất ở mức kỷ lục, đe dọa trực tiếp sinh kế và đời sống của 20 triệu người dân cũng như an ninh lương thực của cả nước và khu vực”.
Điều đó cho thấy vai trò mang tính quyết định của những nghiên cứu về biến đổi khí hậu đối với việc hoạch định chính sách thế giới, quốc gia trong tương lai.
Từ câu chuyện của giải Nobel Vật lý 2021 đến những ý tưởng mới được nhen nhóm
Là một trong số các chuyên gia Việt Nam dày dặn kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực này, PGS. TS. Ngô Đức Thành đã đưa ra một số gợi ý về định hướng có thể triển khai dành cho các bạn sinh viên của USTH quan tâm đến biến đổi khí hậu.
Theo PGS. TS. Ngô Đức Thành, từ những nghiên cứu bản lề về “Mô hình vật lý của khí hậu Trái đất” đã đoạt giải vừa qua, các bạn trẻ hoàn toàn có thể khai thác thêm về bài toán nghiên cứu và mô hình hóa khí hậu không chỉ cho riêng Trái Đất mà còn cho cả các hành tinh khác.
Nguyên lý của các bài toán mô hình hóa khí hậu hiện đại đều dựa trên các phương trình động lực học của chuyển động trong khí quyển, trong đại dương. Các đặc điểm của các thành phần khí hậu và tương tác giữa chúng ngày nay có thể được mô phỏng khá tường minh bởi các phương trình toán lý và với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin, thông qua các ngôn ngữ lập trình hiện đại và các siêu máy tính, các hệ thống tính toán hiệu năng cao.
Bên cạnh các mô hình, việc nghiên cứu khí hậu và biến đổi khí hậu còn dựa trên việc phát triển và thu thập dữ liệu từ các hệ thống quan trắc, các nguồn số liệu vệ tinh, … Các nghiên cứu khí hậu ngày nay là sự kết hợp mang tính đa ngành, liên ngành, xuyên ngành của rất nhiều lĩnh vực khoa học, trong đó, ngoài toán, lý, kinh tế, chính sách thì còn có cả những lĩnh vực rất mới như trí tuệ nhân tạo và khai phá dữ liệu lớn. Hệ thống khí hậu vốn rất phức tạp với các quy mô không gian thời gian khác nhau. Mỗi một thay đổi nhỏ trong hệ thống này có thể sẽ gây nên những tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Một ví dụ điển hình có thể kể ra là sự nóng lên toàn cầu do phát thải khí nhà kính nhân tạo trong hơn 1 thế kỷ qua đã đi kèm với nhiều hệ luỵ như sự gia tăng của nhiều loại hình thiên tai, sự tuyệt diệt của một số quần thể sinh thái, …
Hiện còn rất nhiều câu hỏi mở chưa có câu trả lời, hay đúng hơn là còn rất nhiều câu hỏi mở dành cho các bạn trẻ nghiên cứu, trả lời.
Và hành trang cần có cho những nhà nghiên cứu trẻ
Việt Nam đang đối mặt với tình trạng “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực biến đổi khí hậu – những chuyên gia vừa có thể giải được bài toán đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về toán học, vật lý, công nghệ thông tin, vừa cần thông thạo ngoại ngữ. Trong khi đó, nếu thường xuyên theo dõi thông tin, chúng ta có thể thấy các tổ chức quốc tế như GIZ (Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức), AFD (Cơ quan Phát triển Pháp), JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), IRD (Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp) và Chính phủ Việt Nam đều có sự đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu, triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu (năm 2008). Theo đó, chúng ta xác định mục tiêu cần đánh giá được mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn. Từ đó, Việt Nam sẽ đảm bảo được sự phát triển bền vững của đất nước, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng các-bon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Mặt khác, trong thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh về thích ứng với Biến đổi khí hậu (CAS 2021) do Hà Lan chủ trì hồi cuối tháng 01 năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dù đã rất nỗ lực nhưng tiềm lực kinh tế hiện tại của quốc gia mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, Việt Nam cần phải huy động thêm 35 tỷ đô la để chống biến đổi khí hậu.
Như vậy, có thể thấy, những bạn trẻ học tập và làm việc trong lĩnh vực này hiện có rất nhiều cơ hội tiếp cận với những thách thức vừa mang tính quốc gia, vừa mang tính quốc tế, những thách thức sống còn với nhân loại trong tương lai.
Để theo đuổi con đường đó, theo PGS. TS. Ngô Đức Thành, sinh viên USTH – những nhà nghiên cứu trẻ cần trang bị cho bản thân nền tảng kiến thức chuyên môn thực sự vững vàng, đặc biệt các kiến thức trong các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Công nghệ thông tin, bên cạnh việc trau dồi ngoại ngữ và quan trọng là kiên định với mục tiêu và đam mê của mình.
Hi vọng rằng những chia sẻ của PGS.TS. Ngô Đức Thành sẽ giúp các bạn sinh viên của USTH có thêm động lực nâng cao năng lực chuyên môn và khai phá thêm những định hướng mới, đặc biệt trong lĩnh vực biến đổi khí hậu đang rất “nóng” hiện nay.