Thành công đến với những người làm về Môi trường không phải một sớm, một chiều mà đằng sau đó là những hy sinh thầm lặng và nỗ lực bền bỉ. Đó là lý do tại sao đây là một ngành kén người học và kén cả người theo nghề. Cùng lắng nghe những chia sẻ chân thành của TS. Mai Hương, Phó Trưởng khoa Nước- Môi trường- Hải dương học về những trăn trở về nghề và dự định tương lai sắp tới.
“Thành quả chắt chiu từ những giọt mồ hôi”
TS. Mai Hương tốt nghiệp kỹ sư ngành Nuôi trồng thủy sản và thạc sĩ Khoa học ngành Nuôi trồng thủy sản tại Đại học Công nghệ Curtin, Úc sau đó lấy bằng tiến sĩ chương trình Địa hóa và Sinh thái độc tố học tại Đại học Bordeaux 1, Pháp. Đến nay, qua gần 15 năm gắn bó với nghề, tình yêu với ngành Môi trường của chị chưa bao giờ phai nhạt, mà ngày càng trở nên sâu sắc, thành một phần “máu thịt” không thể thiếu, đồng hành, “bầu bạn” cùng chị suốt quãng thời gian thanh xuân đến tận bây giờ khi đã trở thành một giảng viên, một nhà nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm.
Nhìn lại chặng đường đã qua, TS. Mai Hương cho rằng tố chất quan trọng nhất đối với người làm về Môi trường đó chính là sự kiên trì và dám “chịu khó, chịu khổ.” Thành công sẽ không đến với người làm Môi trường trong một sớm, một chiều, mà đó sẽ là một quá trình phấn đấu nỗ lực không ngừng, tiến từng bước về phía trước “tuy chậm mà chắc”.
TS. Mai Hương không khỏi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm khó quên vào thời điểm chị mới chập chững bước vào nghề, từ một cô sinh viên ngành Kỹ sư Nuôi trồng thủy sản và sau khi tốt nghiệp lại làm về Kinh tế-Xã hội Nuôi trồng thủy sản, quen làm việc với số liệu trên giấy tờ chuyển sang theo đuổi chương trình thạc sĩ mang tính thực hành, thực tiễn cao về quản lý dinh dưỡng môi trường trong nuôi trồng thủy sản tại Đại học Công nghệ Curtin, Úc.
Chị tâm sự: “Có lẽ đây là quãng thời gian tuổi trẻ đáng nhớ nhất của chị khi bản thân phải đối mặt với nhiều cái “lần đầu tiên” đến thế: lần đầu tiên phải “setup” thí nghiệm một mình, lần đầu tiên phải tự mình chạy đường điện, đường nước rồi lần đầu tiên tự ra biển thu tôm giống và rong biển để phục vụ thí nghiệm. Chương trình học đòi hỏi tính tự chủ và chủ động của sinh viên ở mức cao đã khiến chị trưởng thành hơn rất nhiều. Chính kinh nghiệm đã được học hỏi và trau dồi tại đây đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng cho chị niềm đam mê nghiên cứu và thực sự nhận ra bản thân phù hợp với công việc nghiên cứu.”
Theo TS. Mai Hương, thành quả với người làm về Môi trường chính là sự “chắt chiu” từ những giọt mồ hôi. Không giống những ngành nghề khác, ngành Môi trường gắn liền với các chuyến đi thực địa, lấy mẫu ngoài trời mang đến những thử thách không nhỏ về thể chất cho những người làm nghề. Nhưng bù lại mỗi chuyến đi là một niềm vui, một kỷ niệm, một cơ hội “có một không hai” để khám phá thế giới. TS. Mai Hương chia sẻ chị cùng đồng nghiệp và các bạn sinh viên trong khoa hay nói vui “đó là những chuyến du lịch miễn phí”, qua đó họ được rèn luyện bản lĩnh và “gom góp” thêm tình yêu với nghề. Đặc biệt, đối với những nhà nghiên cứu, để hoàn thành một dự án nghiên cứu hay có một bài báo “publish” trên các tạp chí khoa học uy tín là một quá trình “khổ công” lâu dài, thậm chí có thể tính bằng năm với hàng chục lần thí nghiệm thất bại.
Những giá trị “vô giá”
TS. Mai Hương cho rằng những giá trị tinh thần “vô giá” mà ngành Môi trường đem lại đã trở thành động lực giúp chị và các đồng nghiệp bền bỉ vượt qua thử thách và sống trọn vẹn với nghề.
Hiện nay, Môi trường đang là vấn đề “nóng” toàn cầu, thu hút sự tham gia chung tay của mạng lưới rộng khắp các chuyên gia và nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, các dự án nghiên cứu quốc tế, liên quốc gia cũng từ đó phát triển mạnh mẽ. Tại USTH, TS. Mai Hương và các đồng nghiệp thuộc khoa Nước- Môi trường- Hải dương học cũng đang triển khai nhiều dự án nghiên cứu, hợp tác với các nhà khoa học đến từ Việt Nam, Pháp, Anh và các nước trong khu vực Đông Nam Á (Philippine, Thái Lan, Lào và Campuchia). Thông qua việc tham gia các dự án nghiên cứu chung, họ có cơ hội giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, từ đó nâng cao năng lực và tìm ra định hướng, đề tài nghiên cứu mới. “Được hợp tác và làm việc với những cộng sự có cùng chung niềm đam mê và nhiệt huyết mỗi ngày là “liều thuốc” tinh thần, xóa tan mệt mỏi, “refresh” năng lượng của chị mỗi ngày.”
Niềm vui khi có kết quả nghiên cứu được công bố còn trở thành một trải nghiệm đặc biệt đối với những người làm nghiên cứu. “Cảm giác lâng lâng, sung sướng âm ỉ ấy có thể kéo dài vài ngày hoặc hàng tuần,”. TS. Mai Hương hài hước chia sẻ. Không chỉ vậy, chứng kiến những nỗ lực của bản thân trực tiếp đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề cấp bách về Môi trường hiện nay, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội khiến những người làm nghề như chị cảm thấy hạnh phúc bởi đây cũng chính là những giá trị và lý tưởng TS. Mai Hương và các đồng nghiệp luôn đau đáu hướng tới.
Chị gửi lời nhắn nhủ chân thành tới các bạn sinh viên: “Đối với ngành Môi trường, nếu muốn gắn bó lâu dài, các em phải thực sự yêu công việc của mình làm. Các em hãy nghiêm túc với sự lựa chọn của mình và kiên trì theo đuổi đến cùng. Ngành Môi trường sẽ không “phụ” nỗ lực của người “có công mài sắt”.
Là một trong những người gắn bó với Khoa Nước- Môi trường- Hải dương học từ những ngày đầu tiên thành lập, chị không giấu nổi niềm tự hào và xúc động khi chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ sinh viên đã và đang theo học tại đây. “Mỗi khi nghe tin sinh viên của khoa trúng học bổng đi học nước ngoài hay tìm được công việc phù hợp, chị cảm thấy rất vui và háo hức thay các bạn, giống như cây hoa mình trồng sau một thời gian chăm bón cẩn thận đã đến ngày ra hoa khoe sắc vậy.”
Dự án nghiên cứu ấp ủ
Ngoài công việc giảng dạy, TS. Mai Hương và các đồng nghiệp trong khoa còn đảm nhiệm các nhiệm vụ nghiên cứu. Hiện nay, khoa đang triển khai các đề tài nghiên cứu về giám sát môi trường, xử lý nước (nước cấp, nước thải) và tái sử dụng cũng như kỹ thuật sinh thái, mô hình hóa, viễn thám, kỹ thuật môi trường.
Năm 2021, chị cùng các cộng sự sẽ cùng tham gia một dự án nghiên cứu lớn do chính phủ Anh tài trợ, nghiên cứu đánh giá ô nhiễm vi nhựa trong trầm tích của các thuỷ vực thuộc nội thành Hà Nội và ảnh hưởng độc hại của chúng đến các sinh vật đáy.
TS. Mai Hương chia sẻ dự án nghiên cứu có quy mô lớn trị giá 3.5 triệu bảng Anh, kéo dài gần 4 năm, quy tụ sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực Môi trường từ 8 Trường Đại học và Viện nghiên cứu của Việt Nam.
Ô nhiễm rác thải nhựa đang là một vấn đề lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nước ta được xếp thứ 4 thế giới về tiêu thụ và sản xuất các sản phẩm từ nhựa với 8-9 triệu tấn chất thải rắn (chủ yếu rác thải nhựa) xâm nhập vào môi trường mỗi năm. Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít nghiên cứu đánh giá về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa siêu vi trong các môi trường sinh thái thủy sinh ở Việt Nam, đặc biệt ở các khu vực đô thị nơi có mật độ dân cư cao và tiêu thụ cũng như thải ra một lượng lớn các sản phẩm nhựa vào môi trường mỗi ngày. Do đó, dự án kỳ vọng sẽ góp phần xác định được nguồn gây ô nhiễm rác thải nhựa, đánh giá được ảnh hưởng đến với Môi trường, đồng thời đề ra được những giải pháp và chính sách để cải thiện tình hình trên.
“Dự án là đứa con tinh thần mà chị và các đồng nghiệp trong khoa đang rất tâm huyết và muốn tập trung 100% sức lực để hoàn thành một cách tốt nhất”. TS. Mai Hương hào hứng cho biết. Đặc biệt, chị còn bật mí cơ hội để sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của khoa tham gia dự án nghiên cứu chung cùng các giảng viên trong dự án này rất phong phú. Vì vậy, ngay từ bây giờ, nếu thực sự mong muốn, các bạn đừng ngần ngại bày tỏ nguyện vọng của mình với các thầy cô.
Chúc TS. Mai Hương luôn đam mê và giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết với nghề. Chúc cho các dự án ấp ủ sắp tới của chị và các đồng nghiệp gặt hái được nhiều thành công, đóng góp cho lĩnh vực Môi trường của Việt Nam.
Tìm hiểu thêm:
Những địa điểm thực tập độc đáo của sinh viên ngành Nước- Môi trường- Hải dương học
Nhà báo Lưu Hương: Cảm ơn USTH đã đưa con tôi đến với khoa học
Vì cuộc đời là những chuyến đi, và đừng ngại ngần xê dịch