Tạm gác lại những giờ học căng thẳng trên lớp, các sinh viên Thạc sĩ khóa 8 của khoa Nước – Môi trường – Hải dương học (WEO) đã có cơ hội đi thực tế môn học Kỹ thuật Sinh thái tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đồng hành cùng các bạn sinh viên trong chuyến đi thực tế là các giảng viên của khoa WEO cùng anh Phùng Đức Hiếu, hiện đang làm việc tại Viện Công nghệ Môi trường.
Chặng đường dài không hề khiến các bạn sinh viên mệt mỏi mà trái lại, tất cả đều rất háo hức mong chờ buổi trải nghiệm thực tế ngoài trời. Điểm dừng chân đầu tiên của cả lớp là “Mô hình xử lý nước thải chăn nuôi” tại thôn Đổng Xuyên, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Đây là địa điểm thử nghiệm đề tài nghiên cứu của PGS. TS. Tăng Thị Chính, Viện Công nghệ Môi trường về ứng dụng vi sinh vật và cây thủy sinh trong xử lý ô nhiễm môi trường nước tại các làng nghề.
Các giảng viên và sinh viên USTH tại mô hình xử lý chất thải tại thôn Đổng Xuyên.
Vốn là nơi phát triển kinh tế mạnh về chăn nuôi, xã Đặng Xá trước kia bị ô nhiễm nặng do nhiều hộ chăn nuôi xả thẳng chất thải vào đường thoát nước chung. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xã đã chủ động phối hợp với các nhà nghiên cứu khoa học để tìm phương pháp cải thiện môi trường hiệu quả nhất.
Tại đây, các bạn sinh viên được tận mắt nhìn thấy và nghe giải thích chi tiết về cơ chế hoạt động của mô hình xử lý nước thải chăn nuôi bằng 3 loại cây thủy sinh. Các bạn đều rất ngạc nhiên khi được biết chất lượng nước được cải thiện và đạt tiêu chuẩn quốc gia chỉ sau 1 tháng. Mô hình này không những ít tốn kém mà còn thân thiện với môi trường.
Giảng viên khoa WEO giải thích cho sinh viên cơ chế hoạt động của mô hình.
Bên cạnh đó, các giảng viên và sinh viên còn được đến thăm Hợp tác xã Làng Gióng. Anh Nguyễn Bạch Xuyến, Giám đốc hợp tác xã, đã chủ động ứng dụng công nghệ để phát triển kinh doanh từ nông nghiệp thân thiện với môi trường. Hợp tác xã đã chủ động thu gom chất thải chăn nuôi từ các hộ để xử lý bằng công nghệ vi sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Ngoài ra, nơi đây còn nuôi các loại giun (chẳng hạn như giun trùn quế) để sản xuất phân bón hữu cơ giúp cây trồng tăng trưởng tốt, thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho vật nuôi,…
Sinh viên khoa WEO vui vẻ khi được thăm vườn rau hữu cơ của Hợp tác xã Làng Gióng
Đặc biệt, các giảng viên và sinh viên còn được trực tiếp nếm thử sản phẩm của Hợp tác xã Làng Gióng – rượu chiết xuất từ đông trùng hạ thảo được nuôi trồng tại đây.
Đại diện Hợp tác xã Làng Gióng tặng quà cho GS. Magali Gerino, giảng viên môn Kỹ thuật Sinh thái khoa WEO
Đây thực sự là một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ đối với tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn sinh viên quốc tế. Bạn Jeanne Casetta chia sẻ: “Mình thấy đây là một trải nghiệm khá thú vị bởi lẽ mình chưa được nhìn thấy mô hình xử lý chất thải bằng phương pháp thiên nhiên như thế này ở Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên mình được biết và nhìn thấy người dân nuôi giun như vậy. Mình nghĩ công nghệ này rất hiệu quả và hy vọng nó sẽ được phát triển rộng hơn tại Việt Nam trong tương lai.”
Các sinh viên đã có chuyến trải nghiệm thực tế thú vị và bổ ích.
Như nhà khoa học Martin Rees đã nói: “Crucial to science education is hands-on involvement: showing, not just telling; real experiments and field trips and not just virtual reality.” (Tạm dịch: Điều quan trọng đối với giáo dục khoa học là sự tham gia trực tiếp: nhìn thấy chứ không phải chỉ là lời nói; trải nghiệm thực tế và các chuyến đi thực địa chứ ko phải chỉ là thực tế ảo).
Chuyến đi thực tế môn học Kỹ thuật Sinh thái chắc hẳn đã giúp các bạn sinh viên hiểu hơn về công nghệ xử lý chất thải, có nhiều trải nghiệm bổ ích, lý thú cũng như khiến cho giờ học trở nên thú vị, vui vẻ hơn. Đây nhất định sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ trong thời sinh viên của các bạn.