Ngày 1/11/2024, khoa Khoa học Sự sống, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã tổ chức seminar “Công nghiệp Dược Việt Nam: Thách thức và Cơ hội”. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, sinh viên khoa Khoa học Sự sống, và một số đơn vị đào tạo ngành Dược học.
Mở đầu chương trình, GS.TS Đinh Thị Mai Thanh – Hiệu trưởng Nhà trường đã gửi lời chào mừng tới các đại biểu, và đặc biệt cảm ơn PGS.TS. Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội khóa IX, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực dược học – vì Thầy đã dành thời gian đến chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về bối cảnh ngành dược phẩm Việt Nam, phân tích các cơ hội và thách thức mà ngành dược nội địa phải đối mặt trong thời kỳ hội nhập quốc tế đến các vị khách mời, các giảng viên và sinh viên của Khoa Khoa học Sự sống.
Cơ hội phát triển mở ra cho ngành Dược:
Diễn giả đã nêu bật những cơ hội đáng chú ý trong bối cảnh dân số Việt Nam già hóa nhanh và nhu cầu dược phẩm gia tăng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội địa phát triển và khẳng định vị thế trên thị trường. Có thể thấy Ngành Dược Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển lớn. Dân số già hóa và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao mở ra nhu cầu tiêu thụ dược phẩm lớn. Việt Nam là một thị trường rộng với sức mua ngày càng tăng, cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách Chính phủ giúp các doanh nghiệp nội địa mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, cơ hội xuất khẩu cũng được thúc đẩy nhờ các hiệp định thương mại tự do và tiêu chuẩn quốc tế, trong khi công nghệ số giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và nghiên cứu. Đây là thời điểm thuận lợi để ngành Dược Việt Nam bứt phá, mở rộng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh.
Những thách thức cần được giải quyết:
Bên cạnh những cơ hội, ngành Dược Việt Nam cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn. PGS.TS. Lê Văn Truyền đã nhấn mạnh một số vấn đề nổi bật như sau:
- Cơ sở vật chất – kỹ thuật: Hiện Việt Nam có 17/250 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP tiên tiến và hơn 200 nhà máy đạt chuẩn WHO GMP, nhưng chưa có nhà máy nào được WHO tiền thẩm định (pre-qualification), điều này hạn chế năng lực xuất khẩu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất gia công và hợp tác quốc tế.
- Năng lực sản xuất, nghiên cứu và thử nghiệm: Việt Nam chưa có khu công nghiệp Dược – Sinh học tập trung với hệ sinh thái đầy đủ gồm các trung tâm R&D, thử nghiệm BA/BE, thử nghiệm lâm sàng, kiểm nghiệm, nhà máy sản xuất và đóng gói dược phẩm, cùng các dịch vụ hỗ trợ.
- Năng lực tài chính: Các doanh nghiệp dược trong nước có quy mô nhỏ, vốn đầu tư hạn chế và chưa hình thành được các tập đoàn dược phẩm quốc gia.
- Thay đổi cấu trúc thị trường dược phẩm ASEAN: Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng nhanh chóng để cạnh tranh hiệu quả.
Theo Phó Giáo sư chia sẻ điều cốt lõi là mỗi doanh nghiệp cần rà soát, điều chỉnh và cập nhật chiến lược phát triển trung và dài hạn, phù hợp với định hướng của Nhà nước và môi trường kinh doanh trong nước, khu vực, quốc tế, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Dược Việt Nam.
Phần thảo luận và chia sẻ
Phần cuối chương trình là phiên thảo luận mở, nơi các khách mời và sinh viên đã có cơ hội giao lưu trực tiếp với PGS.TS. Lê Văn Truyền. Những câu hỏi xoay quanh các giải pháp cụ thể để phát triển ngành dược Việt Nam, từ nâng cao năng lực nghiên cứu đến chiến lược hội nhập quốc tế, đã nhận được những chia sẻ chân thành từ diễn giả, tạo không khí thảo luận cởi mở và truyền cảm hứng cho tất cả những người tham dự.
Khép lại chương trình, GS. Đinh Thị Mai Thanh gửi lời cảm ơn chân thành đến PGS.TS. Lê Văn Truyền vì những chia sẻ sâu sắc và tâm huyết, đồng thời cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của toàn thể các khách mời, sinh viên và giảng viên. Hi vọng buổi chia sẻ của Thầy sẽ giúp các bạn sinh viên ngành Dược học nắm bắt được những cơ hội và thách thức của ngành, từ đó có những hướng học tập, nghiên cứu và phát triển phù hợp với định hướng của ngành.