Ứng dụng Nature Voice kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ Internet of Things (IOT) nhằm tạo ra một cầu nối giữa con người và thiên nhiên của nhóm sinh viên khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông đã xuất sắc giành giải Nhất tại Cuộc thi thử thách công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào kết nối chuỗi cung ứng doanh nghiệp vừa và nhỏ (RESET 2024) do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội tổ chức.
Cuộc thi thử thách công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào kết nối chuỗi cung ứng doanh nghiệp vừa và nhỏ (RESET 2024) do Thành đoàn Hà Nội tổ chức với mục tiêu nhằm thúc đẩy học tập về trí tuệ nhân tạo (AI); khuyến khích các ý tưởng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, phát triển bền vững để hình thành các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thiết thực cho kinh tế – xã hội.
Cuộc thi thu hút 1.000 lượt thí sinh đến từ các trường đại học, cao đẳng và học viên tham gia. Nhóm sinh viên gồm Nguyễn Khắc Công (sinh viên ngành Khoa học Dữ liệu), Nguyễn Văn Phú (sinh viên ngành Khoa học Dữ liệu), Bùi Đinh Lam (sinh viên ngành Khoa học Dữ liệu), Nguyễn Trọng Nghĩa (sinh viên ngành Công nghệ thông tin – Truyền thông) và Nguyễn Quang Ngọc (sinh viên ngành Công nghệ thông tin -Truyền thông) với sản phẩm ứng dụng Nature Voice đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ sáng giá để giành giải Quán quân.
Ý tưởng khởi nguồn từ tình yêu thiên nhiên
Nature Voice ra đời từ một vấn đề thực tế: thế hệ trẻ hiện nay, đặc biệt là Gen Z và Gen Alpha, lớn lên trong môi trường công nghệ số, nơi tiếp xúc với thiên nhiên dần trở nên hạn chế. Điều này làm giảm ý thức bảo vệ môi trường và sự gắn kết với thiên nhiên
Nhóm nghiên cứu đã nhận thấy một khoảng trống trên thị trường: thiếu những sản phẩm vừa mang tính tương tác vừa có khả năng giáo dục để thúc đẩy ý thức bảo vệ thiên nhiên. Ý tưởng biến cây cối thành “người bạn” biết trò chuyện, có cảm xúc đã được hình thành từ đây.
“Chúng mình muốn mỗi người khi chăm sóc cây không chỉ xem đó là trách nhiệm, mà còn là niềm vui và cảm hứng. Việc cây có thể ‘nói chuyện’ sẽ giúp tạo ra sự gắn kết cảm xúc, từ đó hình thành thói quen chăm sóc cây và yêu thiên nhiên một cách tự nhiên nhất,” Nguyễn Khắc Công, trưởng nhóm chia sẻ.
Những điểm độc đáo của Nature Voice
Nature Voice là một ứng dụng kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ Internet of Things (IoT), nhằm tạo ra một cầu nối giữa con người và thiên nhiên, đặc biệt là đối với giới trẻ. Dự án này không chỉ giải quyết vấn đề thiếu kết nối với thiên nhiên mà còn giúp giới trẻ hình thành thói quen chăm sóc cây cối và bảo vệ môi trường một cách tự nhiên, thông qua những trải nghiệm thú vị và mang tính tương tác cao.
Điểm độc đáo của Nature Voice chính là sự kết hợp giữa AI và IoT. Ứng dụng này sử dụng cảm biến IoT nhỏ gọn gắn vào chậu cây, có khả năng đo lường các yếu tố môi trường quan trọng như độ ẩm của đất, nhiệt độ xung quanh và mức độ ánh sáng. Các cảm biến này gửi dữ liệu thu thập được về ứng dụng di động, nơi AI xử lý và chuyển đổi thông tin thành những phản hồi sinh động. Ví dụ, cây có thể “nói” với người chăm sóc như một người bạn thực sự, với những câu trả lời đơn giản nhưng đầy cảm xúc, như “Tôi cảm thấy rất khỏe, cảm ơn bạn đã chăm sóc tôi!” hoặc “Tôi đang cảm thấy khát, làm ơn tưới nước cho tôi!” Những phản hồi này không chỉ dựa trên các yếu tố môi trường mà còn phản ánh trạng thái sức khỏe thực tế của cây.
Thiết bị cảm biến để đọc trạng thái của cây
Bằng việc phát triển AI giao tiếp tự nhiên, Nature Voice tạo ra một trải nghiệm gần gũi, nơi cây không chỉ là một vật thể sống trong nhà mà là một “người bạn” có thể tương tác. Mỗi cây sẽ có một “tính cách” riêng biệt, được AI tạo ra dựa trên cách người dùng chăm sóc cây. Ví dụ, một cây được chăm sóc tốt sẽ thể hiện những phản hồi vui vẻ, lạc quan, trong khi một cây bị bỏ bê có thể thể hiện sự “buồn bã” qua các câu trả lời. Điều này tạo ra một sự tương tác thú vị và đầy cảm hứng, giúp người dùng cảm thấy gắn kết và có trách nhiệm hơn với cây cối, từ đó phát triển thói quen bảo vệ môi trường.
Hiển thị dữ liệu cảm biến và đưa ra cảnh báo thông minh cho người dùng
Ứng dụng này không chỉ giúp người dùng theo dõi tình trạng của cây mà còn thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường. Người dùng có thể nhận được thông báo khi cây cần nước, ánh sáng hoặc thay đổi vị trí để phát triển tốt hơn. Các tính năng như kiểm tra sức khỏe cây qua ảnh (chụp ảnh và phân tích lá cây để phát hiện các dấu hiệu bệnh hoặc thiếu chất) giúp người dùng nhận diện vấn đề sớm và có các biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Nature Voice còn kết nối với các nền tảng mạng xã hội như TikTok và Instagram, giúp người dùng chia sẻ khoảnh khắc chăm sóc cây của mình. Điều này không chỉ khuyến khích người dùng tiếp tục chăm sóc cây mà còn tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ, cùng nhau lan tỏa thông điệp sống xanh và bảo vệ thiên nhiên. Tính năng này giúp dự án thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ, đặc biệt là Gen Z và Gen Alpha, những người rất năng động trên mạng xã hội và có khả năng truyền tải thông điệp mạnh mẽ.
Nguyễn Quang Ngọc, thành viên nhóm nhấn mạnh Nature Voice không chỉ là một công cụ chăm sóc cây mà còn là một nền tảng giáo dục về bảo vệ môi trường, giúp người dùng có thể kết nối, hiểu và yêu quý thiên nhiên hơn qua công nghệ.
Chụp ảnh và hỏi đáp với trợ lý ảo để kiểm tra tình trạng bên ngoài của cây
Cùng nhau vượt qua khó khăn, trưởng thành qua từng thử thách
Theo các thành viên của nhóm chia sẻ một trong những thách thức lớn nhất trong 3 tháng triển khai dự án là quá trình phát triển công nghệ AI giao tiếp tự nhiên, sao cho cây có thể “nói chuyện” một cách chân thực, không mang tính máy móc. Nguyễn Văn Phú, thành viên nhóm cho biết: “Chúng mình gặp khá nhiều khó khăn khi triển khai tích hợp công nghệ AI giao tiếp tự nhiên với cảm biến IoT, làm thế nào để dữ liệu được xử lý chính xác, có ý nghĩa trong khi phải đối mặt với giới hạn về thời gian và tài nguyên, đặc biệt trong việc phát triển các tính năng giao tiếp của cây sinh động mà không quá phức tạp. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên, chúng mình đã vượt qua những thử thách này.”
Ngoài ra, nhóm còn gặp khó khăn trong việc tích hợp phần cứng với phần mềm, nhằm đảm bảo cảm biến IoT hoạt động ổn định và chính xác. Dù vậy, nhờ đam mê và tinh thần đồng đội, các thành viên đã cùng nỗ lực để giải quyết các vấn đề. “Mỗi lần thử nghiệm thành công, khiến cây cối ngày càng trở nên có “hồn” hơn, chúng mình lại cảm thấy vui và được tiếp thêm nguồn động lực rất lớn,” Bùi Đình Lam, thành viên nhóm chia sẻ.
Thông qua dự án, nhóm còn rèn luyện kỹ năng phối hợp hiệu quả, từ việc phân công công việc rõ ràng đến việc tích hợp phần cứng và phần mềm một cách mượt mà, đồng thời nâng cao kiến thức chuyên môn về AI, IoT, và phát triển sản phẩm. Đặc biệt, quá trình triển khai dự án còn mang đến cơ hội để các thành viên hiểu thêm về nhu cầu thực tế của người dùng và cách xây dựng các giải pháp có tính ứng dụng cao – chìa khóa để thành công trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Hướng tới tương lai
Dự án Nature Voice được đánh giá cao nhờ mang đến một bước tiến mới trong lĩnh vực công nghệ chăm sóc cây cối và mang ý nghĩa sâu sắc về giáo dục môi trường. Ứng dụng giúp người dùng, đặc biệt là giới trẻ, nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên thông qua việc hiểu rõ hơn về nhu cầu và “cảm xúc” của cây cối. Đồng thời, Nature Voice khuyến khích hình thành thói quen sống xanh và bền vững bằng cách tạo cảm hứng chăm sóc cây đều đặn. Với tính năng kết nối mạng xã hội, ứng dụng hy vọng tạo nên một phong trào sống xanh đầy cảm hứng, khi người dùng có thể chia sẻ khoảnh khắc chăm sóc cây của mình trên các nền tảng như TikTok hay Instagram.
Nhóm nghiên cứu hiện đang phát triển phiên bản beta và tìm kiếm các nhà đầu tư để đưa sản phẩm ra thị trường, với tham vọng mở rộng tính năng tích hợp nhà thông minh và chăm sóc cây ngoài trời.
Nguyễn Trọng Nghĩa, thành viên nhóm Nature Voice bày tỏ dự án được nhóm kỳ vọng không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc cây mà còn hướng tới xây dựng một cộng đồng người dùng lớn mạnh, nơi mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa thông điệp bảo vệ thiên nhiên.
Ứng dụng Nature Voice không chỉ là một minh chứng cho sự sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam mà còn khẳng định tiềm năng của công nghệ trong việc kiến tạo một thế giới bền vững hơn.