“Nếu cần đến một môi trường để hình thành và phát triển những tố chất của người làm khoa học, thì đó là môi trường của USTH.” Đó là lời chia sẻ của cô Lưu Hương, nhà báo báo Nhân Dân, phụ huynh bạn Nguyễn Vũ Sơn, hiện đang học thạc sĩ khoa Nước – Môi trường – Hải dương học trường USTH.
Thay vì theo học ở một trường đại học công lập có tiếng, con tôi lựa chọn học tại USTH. Vào thời điểm đó, rất nhiều người nghĩ rằng, đây là một quyết định phiêu lưu. Nhưng đến lúc này, khi con đã tốt nghiệp đại học và tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ tại USTH, tôi tin rằng, đó là một lựa chọn đúng. Không chỉ được bồi đắp về kiến thức, nhân cách, điều quan trọng hơn, con đã tìm ra được đường đi cho mình – theo đuổi nghiên cứu khoa học, cô Lưu Hương chia sẻ.
Môi trường giáo dục khác biệt
Trước hết, cô Hương khẳng định, một trong những lí do mà cô ủng hộ quyết định chọn USTH của Sơn là chương trình đào tạo phát triển người học toàn diện. Sinh viên không những được học kiến thức chuyên ngành mà còn được mài giũa kĩ năng mềm như làm việc nhóm, phân tích và giải quyết vấn đề, rèn luyện phong thái tự tin khi thuyết trình trước đám đông. Đây đều là hành trang không thể thiếu đối với các bạn trẻ nếu muốn tạo ra sự khác biệt và lợi thế khi gia nhập thị trường lao động cạnh tranh như hiện nay.
Bạn Nguyễn Vũ Sơn chụp cùng gia đình trong ngày tốt nghiệp hệ đại học
Bên cạnh đó, cô Hương rất đề cao môi trường gắn kết giữa thầy và trò ở USTH. Trong trường, gần như không nhìn thấy khoảng cách giữa sinh viên với các giảng viên dù là khác quốc tịch hay cách biệt về tuổi tác. Ngoài kiến thức, giảng viên còn truyền cho sinh viên niềm đam mê và nhiệt huyết với khoa học. Cô mỉm cười nhớ lại ánh mắt lấp lánh niềm vui của Sơn khi “khoe” với mẹ về “thành tích” được hai giáo sư người Pháp đánh giá cao bản báo cáo về chuyến đi thực địa 10 ngày tại đập Namtheun 2, Lào, nghiên cứu về những hậu quả về môi trường của việc xây đập sông. Cô biết rằng đã gửi con mình đến đúng địa chỉ. Những lời động viên khích lệ của thầy cô đã tiếp động lực cho Sơn vững tin theo đuổi con đường mình đã chọn.Mặt khác, cô cũng khẳng định “thích” sự nghiêm túc ở USTH.
Năng lực của sinh viên được đánh giá rất minh bạch và công bằng qua các bài thi, kết quả học tập phản ánh rõ nét quá trình cố gắng của từng sinh viên.“Học tại USTH, Sơn được làm quen với áp lực, một điều rất cần thiết để bạn có thể bắt kịp và hòa nhập nhanh vào môi trường làm việc chuyên nghiệp khi ra trường. USTH đã giúp các bạn trẻ như Sơn hiểu rằng muốn nhận được kết quả tốt, giống như mình mong đợi, phải cố gắng hết sức mình. Theo cô , đó cũng chính là điểm đã và đang giúp USTH tạo nên một môi trường giáo dục khác biệt xét trong bức tranh chung của giáo dục đại học ở Việt Nam.”
“Càng ngày con càng phát triển theo hướng mình không ngờ đến”
Sơn, theo lời kể của cô Lưu Hương, khi còn học phổ thông là một cậu bé có phần “đủng đỉnh”. Mặc dù lực học rất khá nhưng bạn chẳng mấy khi ganh đua hay quá cố gắng để đạt được kết quả cao. Sơn cũng là một người trầm tính, ít khi chia sẻ suy nghĩ của mình với mọi người xung quanh.
Thế nhưng, sau khi theo học tại USTH, những tố chất tiềm tàng của một người làm nghiên cứu khoa học trong Sơn ngày càng bộc lộ ra rõ ràng. Cô Hương tâm sự cô dần phát hiện ra con trai mình có sự say mê độc lập nghiên cứu, sự tập trung cao độ, khả năng làm việc chuyên sâu và đặc biệt là rất kiên định. Một khi đã bắt đầu, Sơn sẽ cố gắng theo đuổi đến cùng và không bỏ dở giữa chừng. Sau khi tốt nghiệp hệ đại học, vì đam mê ngành Nước- Môi trường- Hải dương học và trót “yêu” USTH, Sơn quyết tâm học tiếp lên thạc sĩ và có kế hoạch học tiếp lên tiến sĩ cùng ở USTH.
Cô Hương chia sẻ: “Nếu cần đến một môi trường để hình thành và phát triển những tố chất của người làm khoa học, thì đó là môi trường của USTH. Do đó, cô rất ủng hộ lựa chọn của Sơn.”
Vũ Sơn chụp ở sân bay trên đường sang Pháp thực tập
Đặc biệt hơn nữa, trong thời gian học ở USTH, Sơn không chỉ phát triển những tố chất cần thiết của người làm nghiên cứu, mà còn thay đổi cả trong cách ứng xử hàng ngày. Trước đây, Sơn không quá quan tâm đến môi trường, nhưng sau quá trình được học, tìm hiểu về các vấn đề ô nhiễm, Sơn bây giờ trở nên rất “dị ứng” với túi nilon. Và điều khiến cho cô Hương vui hơn cả đó là sự trưởng thành trong suy nghĩ, biết quan tâm đến gia đình nhiều hơn sau khi Sơn trở về từ kỳ thực tập 3 tháng tại Pháp. “Bạn ấy bây giờ còn có một niềm đam mê khác bên cạnh khoa học, đó là nấu ăn cho gia đình.” Cô Hương cười thích thú.“Nhìn con ngày càng trưởng thành về mọi mặt, cô rất vui. Học đại học như bước đầu chập chững vào đời, những bài học các con gặt hái được lúc này sẽ có giá trị rất lâu dài, có khi sẽ soi chiếu trong cuộc đời các con mãi về sau. USTH đã làm tốt công việc của một người dẫn đường, đó là gợi mở cho các con những lộ trình để rồi chính các con sẽ phải tự đi, tự cố gắng bằng chính đôi chân của mình để chạm đến ước mơ”, cô kết luận.