Ngày hội Vũ trụ là sự kiện thường niên được tổ chức bởi khoa Vũ trụ với sự tham gia của các diễn giả là các nhà khoa học đến từ các viện, cơ quan nghiên cứu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực viễn thám và khoa học vũ trụ, các thành viên đến từ nhiều câu lạc bộ thiên văn học.
Ngày hội Vũ trụ 2019 với chủ đề “Bầu trời và Kính thiên văn” được lấy cảm hứng từ sự kiện có tính bước ngoặt trong lịch sử nghiên cứu lỗ đen nói riêng và lĩnh vực Vật lý thiên văn nói chung khi các nhà khoa học công bố bức ảnh chụp thực tế đầu tiên cái bóng của lỗ đen, chứng minh sự tồn tại của một trong bí ẩn lớn nhất của khoa học vũ trụ tới nay.
Chương trình gồm các nội dung chính: Bài giảng đại chúng về lỗ đen và nguyên lý hoạt động của kính thiên văn; Giới thiệu chiếc kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc; và Hoạt động trải nghiệm thực tế như quan sát trực tiếp Mặt Trăng, Sao Mộc qua kính thiên văn.
Tại sự kiện, các bạn học sinh, sinh viên hào hứng trao đổi với TS. Phạm Tuấn Anh, chuyên gia trong lĩnh vực vật lý thiên văn, tác giả và đồng tác giả của hàng chục công bố quốc tế, hiện đang công tác tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trong bài trình bày về lỗ đen và những khám phá mới nhất.
Bài trình bày đã mang đến những thông tin thú vị về các bằng chứng tồn tại, cách phát hiện, đo đạc về lỗ đen, vai trò của lỗ đen trong sự hình thành và tiến hóa của các vì sao và thiên hà. Đặc biệt TS. Phạm Tuấn Anh cũng đã giới thiệu về bức ảnh chụp thực tế đầu tiên cái bóng của lỗ đen và nỗ lực của đội ngũ các nhà khoa học để tạo ra nó, đồng thời đưa ra những câu hỏi mở về nghiên cứu lỗ đen.
Bên cạnh đó, các bạn yêu thích quan sát bầu trời và các vì sao có cơ hội tìm hiểu lịch sử của kính thiên văn, nguyên lý hoạt động và phân loại các dòng kính thiên văn phổ biến với phần trình bày của TS Phan Hiền – giảng viên Khoa Vũ trụ USTH.
Đặc biệt, điểm nhấn của USTH Space Day 2019 là trải nghiệm quan sát Mặt Trăng trực tiếp từ kính thiên văn, đặc biệt có sự xuất hiện của kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc của Hội thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS) với đường kính lên tới 12.5 inch (317mm). Anh Phạm Chương, thành viên Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội, tác giả của chiếc kính thiên văn tự chế này bật mí: “Nếu như kính thiên văn phổ thông cơ nhỏ có độ phóng đại tối đa chỉ đạt 200 lần thì với chiếc kính này, độ phóng đại lên tới 600 lần. Khi đó, các bạn có thể dễ dàng quan sát và chụp ảnh được các hố va chạm trên Mặt Trăng, vành đai Sao Thổ cũng như các sọc mây trên Sao Mộc… một cách sắc nét và chi tiết”.
PGS.TS. Ngô Đức Thành – Đồng Trưởng khoa Vũ trụ, chia sẻ: “Từ thành công của sự kiện này, chúng tôi sẽ tổ chức USTH Space Day trở thành sự kiện thường niên dành cho các bạn trẻ, với mục đích giới thiệu với công chúng những kiến thức tổng quan và mới nhất trong lĩnh vực vũ trụ ở Việt Nam và thế giới”.
USTH và khoa Vũ trụ dự kiến sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động cộng đồng liên quan đến bộ môn Viễn thám và Khoa học Vũ trụ, đặc biệt là các hoạt động STEM hướng đến đối tượng là các em học sinh THPT, góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học và truyền bá vẻ đẹp của khoa học vũ trụ đến với công chúng.
TÌM HIỂU THÊM
Lý do các bạn yêu thích vũ trụ “nhất thiết” phải lựa chọn USTH
Cử nhân ngành Vũ trụ và Ứng dụng
Cựu học viên USTH viết tiếp giấc mơ tại NASA
Thực tập ở NASA: Trương Tuấn Ngọc, đam mê để “cháy hết mình” với Vật lý thiên văn