Trong bối cảnh dịch bệnh mới xuất hiện ngày càng nhiều, Khoa học và Công nghệ Y khoa trở thành xu hướng tất yếu của y học hiện đại, mang đến những đột phá mới trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa. Vậy ngành Khoa học và Công nghệ Y khoa là gì và được đào tạo thế nào ở bậc đại học?
Chiến binh thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch bệnh
Trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19, bên cạnh sự hy sinh thầm lặng và cống hiến tận tâm của các y tá, bác sĩ, phải nhắc đến sự đóng góp to lớn của các nhà khoa học và chuyên gia ngành Khoa học và Công nghệ Y khoa.
Cụ thể, với lĩnh vực Khoa học Y sinh, các nhà khoa học đã thành công trong việc phân lập và nuôi cấy chủng virus corona mới, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển huyết thanh học, đưa ra phác đồ phác đồ điều trị phù hợp và tìm ra vắc xin phòng ngừa.
Bên cạnh đó, việc phát triển thành công các bộ xét nghiệm nhanh với thời lượng ngày càng ngắn giúp phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, từ đó ngăn chặn dịch bệnh bùng phát hiệu quả.
Còn trong lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh, đội ngũ nhân viên phụ trách máy móc, trang thiết bị y tế như các hệ thống máy xét nghiệm tự động, máy chụp ảnh X-quang, CT phát hiện tổn thương phổi, máy hỗ trợ hô hấp, máy cấp oxy…tại các bệnh viện, trung tâm y tế là cánh tay phải đắc lực hỗ trợ các y, bác sĩ trong công tác chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh.
Có thể nhận thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong y học đang đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của con người.
Chính vì vậy, Khoa học và Công nghệ Y khoa đang trở thành ngành học thu hút các thí sinh có thế mạnh về Sinh học và yêu thích làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không kém gì ngành Y hay Dược.
Ngành Khoa học và Công nghệ Y khoa là gì và được đào tạo ra sao?
Ngành Khoa học và Công nghệ Y khoa gồm hai lĩnh vực Khoa học Y sinh và Kỹ thuật y sinh. Khoa học Y sinh nghiên cứu cơ chế hoạt động của các tế bào, các cơ quan, hệ thống trong cơ thể con người, và mối liên hệ tới sức khỏe và bệnh tật từ đó áp dụng kiến thức này vào nhiều khía cạnh của y học.
Đây là ngành học giữ vai trò chìa khóa trong việc tìm ra nguyên nhân và phương pháp chẩn đoán, phát hiện và điều trị bệnh. Trong khi đó, Kỹ thuật Y sinh là ngành học ứng dụng kỹ thuật và công nghệ vào việc nghiên cứu, chế tạo, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy móc và thiết bị trong ngành y tế.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Đại học Việt Pháp) là một trong số ít trường đại học tại Việt Nam đào tạo ngành Khoa học và Công nghệ Y khoa theo chuẩn quốc tế với ngôn ngữ học tập 100% bằng tiếng Anh.
Chương trình có sự tham gia giảng dạy của các giảng viên đến từ các trường đại học, bệnh viện và viện nghiên cứu uy tín của Việt Nam và nước ngoài như Đại học Y Sorbonne (Pháp), Đại học quốc gia Yang-Ming (Đài Loan), Bệnh viện Henri Mondor (Pháp), Đại học Mahidol (Thái Lan)…
Với hướng Khoa học Y sinh, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực y sinh học phục vụ chẩn đoán, phát hiện sớm, điều trị và phòng ngừa bệnh tật ở người. Các môn học chính bao gồm: sinh học tế bào, miễn dịch học, huyết học, hóa sinh, giải phẫu-sinh lý học, sinh học phân tử, vi sinh y học, sinh học ung thư, tế bào gốc, chỉ thị phân tử và y học phân tử.
Với hướng Kỹ thuật y sinh, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức tổng hợp, liên ngành từ nhiều lĩnh vực như Sinh học, Vật lý, Hóa học, Điện tử, Robot, Khoa học vật liệu, Xử lý tín hiệu, Xử lý hình ảnh, Khoa học máy tính… để có thể ứng dụng cho việc bảo dưỡng, cải tiến, phát triển thiết bị và dụng cụ y sinh.
Bên cạnh những giờ học lý thuyết trên lớp, sinh viên được thực hành trong phòng thí nghiệm hiện đại và tích lũy kinh nghiệm thực tế thông qua các hoạt động kiến tập, thực tập tại các cơ sở y tế như Bệnh viện K, Bệnh viện Saint Paul, Viện Huyết học truyền máu Trung ương… Đặc biệt, sinh viên sẽ có cơ hội thực tập tốt nghiệp tại các quốc gia có nền Khoa học và Công nghệ Y khoa phát triển như Pháp, Đài Loan…
Học ngành Khoa học và Công nghệ Y Khoa ra trường làm gì?
Với hướng Khoa học Y sinh, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm như:
- Chuyên viên xét nghiệm của phòng thí nghiệm lâm sàng, trung tâm nghiên cứu của bệnh viện;
- Làm việc trong bộ phận nghiên cứu và phát triển thị trường của các công ty dược phẩm;
- Làm việc tại cơ quan, văn phòng khoa học công nghệ; các công ty nước ngoài, tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực y sinh;
- Trở thành nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên trong trường đại học và viện nghiên cứu;
- Tiếp tục theo học chương trình sau đại học về khoa học y sinh
Với hướng Kỹ thuật Y sinh, sinh viên có thể trở thành:
- Chuyên viên kỹ thuật trang thiết bị y tế tại bệnh viện, trung tâm y tế;
- Trực tiếp làm việc với chuyên gia của các doanh nghiệp nước ngoài, nhằm nghiên cứu cải tiến, chế tạo mới những thiết bị y tế phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của Việt Nam;
- Làm việc tại công ty thiết bị y sinh; Tiếp tục học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các trường đại học trong và ngoài nước;