Fablab USTH là dự án đầu tiên tại Việt Nam triển khai dựa trên sự hợp tác giữa một trường đại học và Tổ chức Đại học Pháp ngữ (Francophone University Association – AUF) từ năm 2018.
Xưởng chế tạo này được thiết kế với 4 không gian: đào tạo, làm việc chung, thiết kế, và tiền sản xuất (prototype/pre-production).
Trong đó, không gian đào tạo là nơi thực hiện các hoạt động đào tạo các kỹ năng công nghệ-kỹ thuật liên quan tới thực hiện dự án khoa học kỹ-thuật và kỹ năng mềm. Không gian làm việc chung là không gian thực, được trang bị bàn ghế… Không gian thiết kế bao gồm cả không gian thực và ảo, được trang bị các phần mềm thiết kế, mô phỏng, tính toán trong thiết kế sản phẩm. Không gian tiền sản xuất là nơi thực hiện bước tạo ra sản phẩm từ bước thứ 3.
TS Nguyễn Xuân Trường – Chủ nhiệm dự án cho biết, Fablab USTH được trang bị các thiết bị máy móc và công cụ như máy quét 3D, máy in 3D, máy CNC, máy phay, máy tiện, bo mạch, linh kiện điện tử, các thiết bị tự động hóa (PLC), các phần mềm bổ trợ tư duy thiết kế mô hình 2D – 3D trước khi thực hiện tạo ra sản phẩm.
Đến Fablab, bên cạnh việc giao lưu, học hỏi, hợp tác, tích lũy kinh nghiệm, các bạn trẻ được tạo điều kiện sử dụng miễn phí các trang thiết bị máy móc để tự tay chế tạo các sản phẩm công nghệ.
Cụ thể, khi có ý tưởng, các sinh viên trong trường có thể thực hiện theo 2 hướng. Một là đề xuất với người quản lý và nhóm sinh viên chịu trách nhiệm vận hành Fablab để có thể thực hiện ý tưởng trên cơ sở các công cụ, trang thiết bị sẵn có của Fablab. Đồng thời, cũng cần đề xuất để được cán bộ giám sát hướng dẫn sử dụng trang thiết bị đó. Hai là đề xuất với giảng viên và Fablab sẽ phối hợp thực hiện.
Với các sinh viên, giảng viên bên ngoài USTH, khi có nhu cầu sử dụng, họ có thể phối hợp thực hiện với nhóm sinh viên của USTH hoặc trực tiếp đề xuất với Fablab để được hướng dẫn.
Hoàng Đình Phúc – sinh viên năm 2 ngành Công nghệ Sinh học, Nông, Y, Dược – cho biết: ‘Từ khi tham gia Fablab, tôi đã được học nhiều kiến thức về cơ khí điện tử, lập trình nhúng… qua đó hiểu thêm một lĩnh vực mới và cách kết hợp giữa cơ khí điện tử với lĩnh vực sinh học mà tôi đang theo học. Sau 8 tháng tham gia, tôi đã tự tạo ra các sản phẩm như máy cho cá ăn tự động và sắp tới là máy tưới cây tự động’.
Sinh hoạt tại Fablab, các sinh viên còn được tham gia các cuộc thi, workshop, khóa đào tạo kỹ năng miễn phí do Fablab tổ chức như: Cuộc thi sáng tạo 24h Hackathon, Ngày hội STEM, các khóa học sử dụng máy in 3D, các workshop về kỹ năng mềm…
Thời gian tới, TS. Nguyễn Xuân Trường cho biết, Fablab USTH sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động và hợp tác với các tổ chức STEM, các câu lạc bộ khoa học ở các trường THPT và Fablab trong khu vực ASEAN. Fablab USTH cũng sẽ không dừng lại ở việc xây dựng một cộng đồng yêu thích đổi mới, sáng tạo mà còn kết hợp với các doanh nghiệp để biến ý tưởng sáng chế thành sản phẩm cụ thể, mang tính ứng dụng cao.
Fablab là một xưởng chế tạo nhỏ tập trung vào lĩnh vực chế tác số (Digital Fabrication). Mục tiêu của các phòng thí nghiệm này là thúc đẩy sự mày mò sáng tạo, phát triển các sáng kiến, các sản phẩm mới phục vụ cộng đồng. Giống như thư viện, nhưng thay vì cho mượn sách thì Fablab sẽ cho mượn thiết bị sử dụng tại chỗ.
Tính đến nay đã có hơn 1.600 mô hình Fablab được triển khai trên thế giới. Việt Nam có 14 Fablab thuộc 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Cần Thơ. |
*Theo Khoa học và Phát triển