Tình cờ biết đến trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội – USTH (còn được gọi là Đại học Việt Pháp) qua một người bạn thân, Phan Nguyễn Tuấn Long (cựu sinh viên ngành Năng lượng khóa 2014-2017) đã lập tức yêu thích và quyết định lựa chọn nơi đây để theo học ngay sau vòng phỏng vấn tuyển sinh.
Nơi sáng tạo được phát huy
Tự nhận mình là người yêu thích các công việc liên quan đến sáng tạo, USTH là môi trường cho Long “vùng vẫy”.
“Tính sáng tạo là điều em ấn tượng nhất về USTH. Mọi hoạt động của trường, từ những môn học tưởng chừng khô khan cho đến các hoạt động tập thể, đều liên quan đến sáng tạo”, Long chia sẻ.
“Hầu hết các môn học ở USTH đều có bài thuyết trình, khi đó sinh viên được tự do, thỏa sức sáng tạo và cho ra đời một bài trình bày mang đậm phong cách cá nhân”, Long nói.
Trong các môn học ở trường, Long yêu thích môn “Quản lý dòng đời sản phẩm” (Project Lifecycle Management) hơn cả. Môn học do Trung tâm Đào tạo công nghệ Quản lý vòng đời sản phẩm – PLMCC của USTH thiết kế, cho phép người học được thỏa sức với các ý tưởng sáng tạo của mình từ việc lên ý tưởng, thiết kế và mô phỏng các chi tiết, vật dụng máy móc. PLMCC là một trung tâm đào tạo quốc tế đồng thời là thành viên của một mạng lưới trung tâm PLMCC toàn cầu chuyên cung cấp các khóa học trên tất cả các ngành công nghiệp liên quan đến lĩnh vực Quản lý dòng đời sản phẩm. Trung tâm đã tham gia giảng dạy các ngành đào tạo ở cả hệ Đại học và Thạc sĩ cho các khoa đào tạo của USTH, đồng thời phát triển nhiều dự án và chương trình thực tập cho sinh viên USTH cũng như nước ngoài.
Trung tâm PLMCC còn kết hợp với Dassault Systèmés – Công ty hàng đầu thế giới về thiết kế sản phẩm 3D và giải pháp quản lý Vòng đời sản phẩm của Pháp tổ chức khóa học Thiết kế 3D – khóa học mà Long là một “fan” bự. Đặc biệt, với vai trò “đơn vị đào tạo thành viên” của Dassault Systèmés, các chứng chỉ nghề do PLMCC cấp đều mang tên Dassault Systèmes và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tại đây, Long cũng đã có cơ hội tham gia Cuộc thi Thiết kế Việt Nam 2016 và cùng các bạn trong nhóm lọt vào vòng chung kết.
Không chỉ có vậy, theo Long, các hoạt động ngoại khóa của USTH cũng rất đa dạng và kích thích tính sáng tạo của sinh viên, từ các câu lạc bộ nghệ thuật như âm nhạc, vũ đạo cho đến các sự kiện như “Đừng – Think before you do” hay Cuộc thi “Ý tưởng Sáng tạo Xanh” do Trung tâm Năng lượng sạch và Phát triển bền vững – CleanED thuộc khoa Năng lượng của USTH kết hợp với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên – WWF tổ chức. USTH luôn là vậy, sôi động các sự kiện, khối óc cứ thế mà không ngừng làm việc, để rồi các ý tưởng lần lượt ra đời.
Cơ hội đến Pháp bất ngờ
Nhận thấy được những nỗ lực và đam mê của Long, Giám đốc Trung tâm Quản lý vòng đời sản phẩm (PLMCC) lúc bấy giờ – GS. Jean-Louis Biaggi – đã giới thiệu bạn tới thực tập tại trường Đại học Supméca-Institue supérieur de mescanique de Paris.
Tại đây, Long đã tham gia vào dự án đến Robot Poppy – một robot mã nguồn mở hình dạng con người – với nhiệm vụ thiết kế lại phần tay trước của robot để phù hợp với những cải tiến mới. Một lần nữa, Long lại được thỏa sức cùng công nghệ và đam mê sáng tạo. Cánh tay robot của Long thiết kế đã tối ưu đến 50% tổng khối lượng ban đầu nhờ phương pháp tối ưu hóa vật liệu. Phương pháp này, theo Long, giúp tiết kiệm các nguyên vật liệu, tăng khả năng kinh tế cũng như làm giảm các tác hại trong môi trường trong quá trình sản xuất, là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất và thiết kế.
“Được đặt chân tới một đất nước phát triển, trải nghiệm cuộc sống ở Paris, làm việc trong môi trường quốc tế, thực hiện một dự án rất thú vị và phù hợp với chuyên môn, em cảm thấy đây thực sự là một cơ hội không dễ có lần thứ hai”, Long cho biết.
Hiện tại, Long đang tham gia điều phối các dự án tại khoa Năng lượng USTH – nơi bạn đã theo học. Khi được hỏi về những dự định tương lai, Long cho biết sẽ học Thạc sĩ trong một vài năm tới. Vì vậy, việc được các thầy cô tạo điều kiện để làm việc trong phòng thí nghiệm của Khoa Năng lượng là môt cơ hội để Long tích lũy kinh nghiệm làm việc và nâng cao kiến thức chuyên môn.
Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có tiềm năng lớn về các dạng năng lượng tái tạo như gió, sinh khối, mặt trời… Đồng thời, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt vào năm 2015 đã đặt nền tảng cho sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Theo đó, Ngành Năng lượng của USTH được coi là một trong những ngành học của tương lai. Chương trình đào tạo hệ Đại học ngành Năng lượng cung cấp cho sinh viên một nền tảng kiến thức cơ sở vững chắc về ngành năng lượng như: kỹ thuật điện, điện tử, nhiệt động lực học, kỹ thuật nhiệt và chuyển khối v.v., cũng như kiến thức kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng năng lượng, đặc biệt là truyền tải, phân phối và sử dụng điện năng. Ngoài ra, chương trình Năng lượng Hệ Đại học sẽ cho phép sinh viên ghi danh vào chương trình “Thạc sĩ Năng lượng” tại USTH hoặc bất kỳ khóa học thạc sĩ nào khác trong lĩnh vực năng lượng, cũng như cơ hội được thực tập và học tập tại hơn 40 trường đại học và viện nghiên cứu ở Pháp.