Trịnh Thùy Linh du học Mỹ sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), từng bước vượt qua hơn 10 buổi phỏng vấn của Genentech (Mỹ).
Cô tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Sinh học và Dược học (hiện là Công nghệ Sinh học – Phát triển thuốc) khóa 2012-2015 tại USTH. Sau đó, cô gái trẻ tiếp tục sự nghiệp học vấn ở Mỹ, lấy bằng Tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ tế bào và sinh học phát triển tại Đại học Vanderbilt.
Thùy Linh yêu thích khoa học và muốn trở thành nhà nghiên cứu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong chương trình tư vấn hướng nghiệp tại trường cấp ba, cô có cơ hội gặp gỡ GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – nhà khoa học Vật lý hàng đầu tại Việt Nam. Ông đã chia sẻ về mô hình đào tạo, tầm nhìn và mục tiêu đóng góp cho nền khoa học Việt Nam của USTH. Những điều này là động lực để cô gái nhỏ quyết tâm trở thành một trong những thế hệ sinh viên đầu tiên của trường.
Tại đây, Thùy Linh tìm thấy niềm đam mê lớn đối với tế bào gốc. Cô tiếp cận và tìm hiểu về tế bào gốc lần đầu thông qua bài giảng tại USTH và bị thu hút mạnh mẽ bởi sức mạnh, tiềm năng vô hạn của loại tế bào này trong y học. Với khả năng “biệt hóa” thành các tế bào chuyên biệt trong cơ thể người, tế bào gốc giống như một liều thuốc chữa lành, có khả năng thay thế các tế bào, mô, cơ quan bị hư hại hoặc có nguy cơ bị hư hại.
“Tế bào gốc mang đến hy vọng sống cho những bệnh nhân mắc các căn bệnh nan y, từng được coi là “vô phương cứu chữa”, cô nói thêm.
Khao khát khám phá đã trở thành động lực thôi thúc cô gái Hà Nội tìm kiếm cơ hội thực tập để tìm hiểu sâu hơn về những phương pháp nghiên cứu và phát triển loại tế bào này. Với tinh thần làm việc nghiêm túc và cầu tiến, Linh được trao cơ hội thực tập tại các phòng thí nghiệm về tế bào gốc tại Việt Nam, Pháp và Mỹ. Sau một thời gian học hỏi, cô càng say mê và quyết tâm theo đuổi hướng nghiên cứu này tại các bậc học cao hơn.
Thùy Linh sở hữu thành tích học tập xuất sắc với ba năm liền nhận học bổng của USTH, kinh nghiệm nghiên cứu dày dặn tích lũy qua các kỳ thực tập trong nước và quốc tế. Do đó, cô xuất sắc giành học bổng toàn phần chương trình tiến sĩ tại Đại học Vanderbilt, một trong những trường đại học hàng đầu nước Mỹ về khoa học công nghệ.
Cựu sinh viên USTH kể lại, với kiến thức tích lũy tại trường, cô xây dựng nền tảng vững chắc, từ đó, nhanh chóng làm quen và bắt kịp với môi trường mới. “Tôi được thầy cô hướng dẫn đánh giá rất tốt, không hề thua kém sinh viên Mỹ và các nước khác về trình độ tiếng Anh, kỹ năng làm việc trong phòng thí nghiệm, thuyết trình”, cô nói thêm.
Sinh viên tại Mỹ có tinh thần chủ động, tư duy phản biện cao và không ngại đặt câu hỏi hay đưa ra ý kiến cá nhân trong các buổi thảo luận. Vì vậy, trong một tập thể ưu tú, Linh buổi phải bước ra khỏi lớp “vỏ ốc” an toàn để bản thân không bị bỏ lại phía sau.
“Thời gian đầu, mỗi lần phát biểu, tôi rất run. Tuy nhiên, để tiến bộ, tôi tự dặn ‘không có câu hỏi nào là ngu ngốc’. Khi không giải quyết được vấn đề, cách tốt nhất là chia sẻ khó khăn đó với thầy cô, bạn bè thay vì ngại ngùng hay tự ti”, nữ tiến sĩ nói thêm.
Bằng sự nỗ lực và kiên trì, Thùy Linh đã có các công bố khoa học về công nghệ tế bào gốc trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành uy tín tại Mỹ và nhận nhiều giải thưởng do Đại học Vanderbilt trao tặng.
Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, đầu năm 2023, cô trải qua hơn 10 buổi phỏng vấn, vượt qua nhiều ứng cử viên và trúng tuyển Genentech – công ty công nghệ sinh học và dược học lâu đời tại Mỹ, nơi quy tụ nhiều anh tài đến từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Yale, Stanford, Oxford, Cambridge…
Cựu sinh viên USTH cho biết, cô sẽ tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu về công nghệ tế bào và y học tái tạo sử dụng công nghệ sinh học đơn bào cùng trí tuệ nhân tạo. Nữ tiến sĩ làm việc dưới sự dẫn dắt của GS. Aviv Regev – nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực Sinh học tính toán và là nhà khoa học cô ngưỡng mộ, yêu mến từ trước.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Linh chia sẻ, du học và phát triển sự nghiệp tại nước ngoài không phải là một hành trình dễ dàng. Từ kinh nghiệm của bản thân, cô nhận định mỗi người cần biết gõ cửa tìm sự giúp đỡ, biết cách xây dựng mối quan hệ và tìm được người thầy có tâm để dẫn dắt bản thân trưởng thành về mặt chuyên môn, đồng thời, mang đến những cơ hội nghề nghiệp sáng giá.