“Nếu bạn may mắn được sống ở Paris trong tuổi thanh xuân, thì cho dù có đi đâu trong suốt đường đời còn lại, Paris vẫn ở trong bạn, bởi Paris là một cuộc hội hè miên man.”
Đó là câu trích dẫn đầy chất thơ của nhà văn Ernest Hemingway mà Hoàng Đức Thường, cựu học viên thạc sĩ Vũ trụ khóa 2012-2014 rất tâm đắc mỗi khi nhớ về quãng thời gian sống và học tập tại nước Pháp mộng mơ.
Theo Thường, khi học tập tại USTH, bạn nhận được hai món quà lớn nhất đó chính là tiếng Anh, chiếc chìa khóa vạn năng giúp Thường chủ động tiếp cận các tri thức khoa học thế giới; và trở thành nghiên cứu sinh tại trường Đại học Paris Diderot ở Paris. Nhờ vậy, Thường đã có một tuổi trẻ sôi nổi, “đắm mình” trong đam mê và những kỷ niệm thanh xuân khó quên tại kinh đô ánh sáng của Châu Âu.
Đối với Thường, quá trình học tập giống như leo núi, từng bước, từng bậc một từ thấp lên cao. Nếu những bước trước không vững vàng và chắc chắn thì sẽ khó có thể đi tiếp lên nấc cao hơn được. Môi trường học tập và nghiên cứu tại USTH đã cho Thường điểm tựa vững chãi cả về tri thức, tâm thế và kỹ năng để tự tin thử sức với những cơ hội mới.
“Tại USTH, mình được học tập cùng với những người bạn cùng chung đam mê, chí hướng trong một tập thể đoàn kết. Hơn hết, các thầy đều rất tận tình, gần gũi với sinh viên, và thường xuyên khuyến khích chúng tôi đặt câu hỏi và chủ động tìm cách giải quyết các vấn đề. Chính kỳ thực tập tốt nghiệp năm cuối chương trình thạc sĩ tại dự án vệ tinh Plank của cơ quan vũ trụ châu Âu -ESA (European Space Agency) đã góp phần quan trọng, giúp mình tìm thấy định hướng nghiên cứu bản thân mong muốn theo đuổi.”
Hiện tại, sau ba năm làm nghiên cứu sinh tại Đại học Paris Diderot, Thường lại tiếp tục những chuỗi ngày “phiêu lưu” tại nhóm vũ trụ của phòng thí nghiệm vật lý hạt cơ bản thuộc Đại học Cornell, Mỹ. Thường đang làm trong dự án Đài quan sát Simons, một dự án lớn của Mỹ với sự tham gia của hầu hết các trường đại học mạnh và truyền thống về vật lý, quy tụ các nhà vũ trụ học Mỹ và Thế Giới. Đài quan sát sẽ được đặt tại sa mạc Atacama, Chile với hệ thống một kính thiên văn lớn cỡ 6 mét và nhiều kính thiên văn cỡ nhỏ cỡ 0.5 mét hướng tới những tia sáng lâu đời nhất, bức xạ nền vi sóng vũ trụ.