Danh sách đề tài/ dự án nghiên cứu của giảng viên Khoa Công nghệ và Kỹ thuật ứng dụng:
Mục lục
1. Hoàng Trung Kiên – Trưởng khoa
Loại | Tên đề tài | Mô tả | Thời gian |
Đề tài cơ sở USTH | So sánh mô men đập mạch và khối lượng của các máy phát điện gió công suất 20 MW sử dụng nam châm đất hiếm và ferrite | Đề tài nghiên cứu so sánh mô men đập mạch và khối lượng của các dạng máy phát điện gió công suất 20 MW truyền động trực tiếp. Các dạng máy phát này sử dụng nam châm đất hiếm và ferrite. Kết quả đề tài nhằm chỉ rõ ưu và nhược điểm của từng loại máy phát, đặc biệt là mô men đập mạch vì yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến sự vận hành cũng như tuổi thọ của máy phát. | 2022 |
Đề tài sau tiến sĩ Học viện Khoa học và Công nghệ, VAST | Nghiên cứu tối ưu hóa chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi cho các loại máy phát điện gió ở các mức công suất khác nhau | Mục tiêu của đề tài nhằm nghiên cứu giảm chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi, đây là dạng năng lượng đang ngày càng được chú trọng khai thác do những lợi ích mà nó mang lại, cụ thể:
– Nghiên cứu đưa ra tính toán tổng quan về chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi. – Xây dựng và so sánh đặc tính công suất tua bin – chi phí sản xuất điện cho 2 dạng máy phát điện gió: máy phát nam châm vĩnh cửu và máy phát siêu dẫn. |
2019-2022 |
Đề tài trẻ VAST | Tối ưu hoá tốc độ gió định mức để giảm giá điện gió ngoài khơi | Đề tài nghiên cứu ảnh hưởng của việc lựa chọn tốc độ gió danh định đến chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi để từ đó xác định tốc độ gió danh định tối ưu. Tốc độ gió này phụ thuộc và công suất danh định của tuabin cũng như đặc tính gió của khu vực khảo sát lắp đặt. | 2020 |
2. Nguyễn Xuân Trường – Giảng viên
Loại | Tên đề tài | Mô tả | Thời gian |
Đề tài cơ sở USTH | Mô hình tải động IEEE Standard-738 cho đường dây truyền tải đối với sự xâm nhập nguồn năng lượng tái tạo. Nghiên cứu điển hình : Lộ đường dây 220kV 271 Phuoc Thai – 273/ Thap Cham | Mục tiêu quan trọng của dự án này là đánh giá khía cạnh kỹ thuật của đặc tính tải nhiệt động DLR đường dây trên không trong lưới điện truyền tải 220 kV tại một số khu vực đường dây có mật độ tích hợp năng lượng tái tạo cao như tỉnh Ninh Thuận. Bằng phương pháp tính toán giá trị DLR và so sánh đánh giá với giá trị định mức tĩnh SLR của đường dây. | 2021 |
ANR (Agence Nationale de la Recherche), France / University Grenoble-Alpes | Các tòa nhà sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam nhằm tăng cường sự phát triển bền vững | Dự án hợp tác quốc tế giữa các trường Đại học thuộc khu vực Châu Âu, Brasil, Việ Nam; trong khuôn khổ trao đổi khoa học, nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo. Được hỗ trợ bởi nguồn tài chính từ tổ chức ANR của Pháp, dự án nhằm hướng tới việc tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (Năng lượng mặt trời; Năng lượng gió; Vật liệu tái chế…), đánh giá các mức tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà ở Việt Nam, với mục tiêu dài hạn là sự phát triển bền vững. | 2019 |
NAFOSTED | Mô hình hóa vận chuyển điện tích trong điện môi polyme không chứa và có chứa chất độn nano dưới ứng suất điện-nhiệt | Mục tiêu của đề tài là phát triển một phương pháp mô hình hóa để hiểu rõ hơn những quá trình vật lý trong vật liệu cách điện dưới ứng suất điện-nhiệt. Mô hình này đồng thời giúp tăng hiểu biết tổng quan về các quá trình vật lý xảy ra bên trong vật liệu cách điện khi có thêm hoặc không có các chất độn nano, đặc biệt là quá trình sản sinh điện tích tại bề mặt vật liệu. Ba nhiệm vụ chủ yếu của dự án đó là: Phát triển mô hình số và xác thực tính đúng đắn của mô hình được phát triển; Xác thực mô hình cho một nguyên liệu không chứa chất độn nano; Ứng dụng mô hình được phát triển cho vật liệu nanocomposites. | 2019-2022 |
Đề tài cơ sở USTH | Nghiên cứu Quản lý năng lượng trong lưới điện Hạ áp, có sự xâm nhập của Hệ thống năng lượng mặt trời | Trong nghiên cứu này, mục tiêu chính là đáp ứng nhu cầu năng lượng của lưới điện nhỏ (microgrid) ở cấp hạ áp. Mô hình lưới điện nhỏ gồm: nguồn năng lượng phân tán là nguồn điện mặt trời áp mái (PV) kết nối với hệ thống lưới điện hạ áp của tòa nhà (LV); hệ thống ăc quy lưu trữ; hệ thống phụ tải AC, DC. Hệ thống nguồn PV từ các tấm pin năng lượng mặt trời với đặc tính nguồn phát biến động theo điều kiện thời tiết (cường độ bức xạ; nhiệt độ; độ ẩm) của khu vực lắp đặt sẽ được đề cập ở khu vực đô thị, được lắp trên mái tòa nhà văn phòng. | 2017 |
Đề tài cơ sở USTH | Phát triển lưới điện nhỏ thông minh và ứng dụng trong quản lý nguồn năng lượng của tòa nhà | Nghiên cứu tập trung vào sự phát triển platform Micro Smart Grid ở cấp phụ tải (tòa nhà). Nhằm phù hợp với chiến lược nghiên cứu khoa học của phòng thí nghiệm Clean-ED và chương trình đào tạo Năng lượng ở USTH, chúng tôi sử dụng tầng 5 và tầng 6 (với bốn phòng thí nghiệm và một phòng học) của tòa nhà USTH để thực hiện ra mô hình mô phỏng thực nghiệm trong một trường hợp thực tế Micro Smart Grid. | 2016 |
3. Nguyễn Mai Chung – Giảng viên
Loại | Tên đề tài | Mô tả | Thời gian |
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam | Tính chất điện và truyền dẫn của điện tử trong các cấu trúc graphene mới | Đề tài nghiên cứu các tính chất của điện tử và truyền dẫn của điện tử trong cấu trúc graphene như (bilayer) graphene nanoribbons đặt trong điện trường/từ trường hoặc biến dạng, twisted bi- hoặc multi-layer graphene, cross-bar graphene, domain wall bilayer graphene, và circular p-n graphene. | 2021-2023 (PI) |
Học viện Khoa học và Công nghệ (GUST), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam | Phát triển các mô hình tính toán cho kính hiển vi quét đầu dò (STM/SGM) trong nghiên cứu tính chất điện tử và truyền dẫn địa phương của các linh kiện vật liệu hai chiều |
Sự phát triển của đo đạc thực nghiệm đòi hỏi những kỹ thuật tính toán mô phỏng được tính chất điện tử và truyền dẫn địa phương trong các linh kiện thực nhằm so sánh đối chiếu các kết quả thu được từ thực nghiệm và lý thuyết. Sự ra đời của graphene đã mở ra một hướng mới trong việc phát triển các linh kiện điện tử. Với các vật liệu hai chiều như graphene, STM và SGM là các công cụ lý tưởng để nghiên cứu tính chất của điện tử. Đề tài có mục tiêu xây dựng và phát triển các công cụ tính toán lý thuyết và mô phỏng phục vụ cho việc phân tích các bức tranh vật lý dẫn tới các kết quả đo đạc STM/SGM. |
2020-2022 (PI) |
4. Phạm Xuân Tùng – Giảng viên
Loại | Tên đề tài | Mô tả | Thời gian |
Đề tài cơ sở USTH | Nghiên cứu, phát triển mô đun tự động nhận dạng biển báo giao thông | Phát hiện và nhận dạng biển báo giao thông là thành phần không thể thiếu trong hệ thống hỗ trợ lái (ADAS) và hệ thống lái xe tự động. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc nhận dạng các biển báo giao thông, góp phần đảm bảo an toàn cho con người bên trong và bên ngoài xe. Trong nghiên cứu này, một mô-đun nhận dạng biển báo giao thông tự động trên thiết bị nhúng được phát triển dựa trên xử lý ảnh và học sâu (deep learning). Mô-đun có thể phát hiện và nhận dạng 15 biển báo giao thông Việt Nam trong thời gian thực. | 2023 |
Đề tài cơ sở HUST | Thiết kế, chế tạo hệ thống ổn định và tránh vật cản cho máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ dạng nhiều chong chóng mang |
Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về thiết bị bay không người lái (UAV) đặc biệt là máy bay quadrotor, đang ngày càng được đẩy mạnh. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng của quadrotor trong các ứng dụng bao gồm cả dân sự và quân sự, các nghiên cứu gần đây tập trung vào việc giải quyết bài toán cân bằng. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn tồn tại những hạn chế khi máy bay hoạt động trong môi trường có nhiều chướng ngại vật. Để giảm thiểu rủi ro trong quá trình hoạt động cũng như tạo tiền đề cho khả năng tự định vị không gian, đề tài này nghiên cứu và phát triển hệ thống ổn định và tránh vật cản cho máy bay quadrotor thông qua bộ điều khiển PID và cảm biến khoảng cách. |
2016 |
Đề tài cơ sở HUST | Xây dựng trạm thu phát định vị lưu động phục vụ truyền nhận và điều khiển các thiết bị tự hành UAV và AUV | Mục tiêu của đề tài là xây dựng thành công trạm thử nghiệm thu phát lưu động phục vụ truyền nhận dữ liệu sửa lỗi và điều khiển cho các thiết bị tự hành. | 2014 |
5. Phan Anh Tuấn – Giảng viên
Loại | Tên đề tài | Mô tả | Thời gian |
Đề tài cơ sở USTH | Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và phân tích dữ liệu phục vụ quản lý hiệu quả năng lượng của lưới điện quy mô nhỏ tích hợp năng lượng mặt trời |
Lưới điện nhỏ thông minh tích hợp năng lượng tái tạo là chủ đề nghiên cứu được quan tâm hiện nay vì tầm quan trọng của nó trong việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và giảm phát thải các bon. Gần đây, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc khai thác năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, đang được mở rộng. Điều này đặt ra thách thức lớn lên các nhà quản lý điện nhằm tích hợp những nguồn năng lượng này một cách hiệu quả vào lưới điện. Do đó, nghiên cứu lưới điện nhỏ thông minh rất cần thiết để đưa ra các giải pháp tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải. Tại Việt Nam, nghiên cứu về lưới điện nhỏ thông minh bị hạn chế do thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu chất lượng phục vụ cho bài toán mô hình hóa hệ thống, phân tích và dự báo sản lượng nguồn phát và tiêu thụ của tải, kiểm toán năng lượng, … Do vậy việc phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu cho bài toán lưới điện nhỏ thông minh là việc cần thiết. |
2022 |
Đề tài cơ sở USTH | Điều khiển chất lượng điện năng của lưới điện phân phối |
Hệ thống điện là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều loại nguồn khác nhau và phụ tải không đồng nhất. Một hệ thống điện là một hệ thống biến động do phản ứng ngẫu nhiên của các bộ phận cấu thành nên nó. Việc đóng cắt phụ tải phụ thuộc vào nhu cầu không định trước của người dùng, ngoài ra nhiều nguồn năng lượng sinh ra điện năng biến động và đứt quãng. Việc đảm bảo độ tin cậy của hệ thống điện là một nhiệm vụ đầy thách thức. Độ tin cậy của một hệ thống điện phụ thuộc vào chất lượng điện năng bao gồm độ dao động tần số, sóng hài, mất cân bằng pha, tăng áp, sụt áp, … Nghiên cứu này tập trung vào việc phát triển các mô hình và phương pháp xử lý tín hiệu để giám sát chất lượng điện năng của hệ thống điện phân tán biến đổi theo thời gian. |
2018 |
6. Dương Việt Anh – Giảng viên
Loại | Tên đề tài | Mô tả | Thời gian |
Đề tài cơ sở USTH | Nghiên cứu mô phỏng cải thiện trao đổi nhiệt trong các thiết bị trao đổi nhiệt có cấu trúc màng sử dụng phương pháp Lattice Boltzmann | Sự phát triển của khoa học và công nghệ ngày nay đòi hỏi một cấu trúc tản nhiệt hiệu quả và tối ưu cho các thiết bị điện tử, đặc biệt trong các ứng dụng có thiết bị nhỏ gọn. Trong nghiên cứu này, mục tiêu chính là mô phỏng ảnh hưởng của các cấu trúc xốp, sự thay đổi của các thông số dòng chảy và độ xốp đối với các đặc tính dòng chảy và đặc tính nhiệt. Qua đó tìm ra được cấu hình thông số tối ưu cho các ứng dụng liên quan đến tản nhiệt. | 2023 |
7. Lê Huệ Tài Minh – Giảng viên
Loại | Tên đề tài | Mô tả | Thời gian |
Đề tài cơ sở USTH | Đánh giá năng lượng phanh tái tạo cho xe điện trên nhiều chu trình lái khác nhau | Hiệu quả của phanh tái tạo xe điện khi chạy trên nhiều chu trình chạy xe khác nhau đang được nhiều nhà khoa học trên thế giới quan tâm. Nghiên cứu trình bày mô hình mô phỏng xe điện để đánh giá hiệu quả tái tạo năng lượng trong các điều kiện vận hành khác nhau. Các kết quả từ mô hình áp dụng trên đối tượng nghiên cứu là xe Vinfast VF-e34 và hoạt động trên các chu trình chạy xe đặc trưng của Hà Nội được trình bày. Ảnh hưởng của các thông số đặc trưng chu trình đến mức tiêu hao năng lượng và hiệu quả tái tạo sẽ được phân tích làm cơ sở để giải thích chế độ năng lượng trên xe điện.
Kết quả mô phỏng cho thấy suát tiêu hao năng lượng nhỏ nhất khi di chuyển trong nội đô và cao hơn khi di chuyển trên cao tốc, trong khi đó năng lượng tái tạo thu được trên cao tốc nhỏ hơn nhiều so với chu trình nội đô. Các kết quả này được lý giải dựa trên hành vi lái và khí động học của xe trên từng loại cung đường khác nhau. Những kết quả khảo sát trong bài báo là cơ sở để nghiên cứu thuật toán tối ưu phanh tái tạo nhằm tiết kiệm năng lượng trên ô tô điện. |
2023 |
Đề tài trẻ USTH | Nghiên cứu mô hình phân tích mức tiêu hao năng lượng của ô tô điện sản xuất tại Việt Nam | Mức tiêu hao năng lượng của ô tô điện trên các chu trình lái đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Nghiên cứu này trình bày hai mô hình tính toán năng lượng xe điện khi vận hành trong các điều kiện khác nhau.
Kết quả tính toán từ các mô hình được so sánh và đánh giá dựa trên các tiêu chí đặc trưng của xe điện khi vận hành trên các chu trình lái tiêu chuẩn, bao gồm năng lượng tiêu thụ và năng lượng tái tạo. Các thông số năng lượng đặc trưng này cũng được tính toán bằng hai mô hình trên đối tượng nghiên cứu là xe điện sản xuất tại Việt Nam và hoạt động trên các chu trình lái đặc trưng của Hà Nội. Dựa trên kết quả này, có thể đề xuất vùng hoạt động hiệu quả cho xe điện. |
2023 |