Workshop “Thiết kế vệ tinh nhỏ” được tổ chức bởi Khoa Vũ trụ và Hàng không, USTH diễn ra trong 3 ngày từ 16-18/4 với sự tham gia giảng dạy của 2 chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) là Joël Michaud và Jean-Luc Le Gal đã thu hút hơn 30 học viên tham dự.
Các học viên đến từ hệ cử nhân và hệ thạc sĩ của USTH, Cục Viễn thám quốc gia, Viện Công nghệ vũ trụ, Cục Tần số vô tuyến điện, Học viện Kỹ thuật quân sự, VNPT…
Trong 3 ngày diễn ra workshop, 2 chuyên gia Joël Michaud và Jean-Luc Le Gal đã giới thiệu và hướng dẫn cho các học viên các công cụ kỹ thuật miễn phí trong việc thiết kế vệ tinh như: Cấu tạo của vệ tinh nhỏ, vệ tinh nhỏ gồm những bộ phận nào, khả năng quan sát Trái đất của vệ tinh nhỏ đến đâu…
Trần Anh Tú – học viên thạc sĩ Vũ trụ USTH, tham gia workshop cho biết, nhờ sự hướng dẫn tận tình của 2 chuyên gia Pháp, Tú đã hiểu và nắm bắt được cách sử dụng phần mềm chuyên dụng trong việc thiết kế chế tạo vệ tinh.
“Trong chương trình học thạc sĩ Vũ trụ, ngay từ năm nhất chúng tôi được học những kiến thức nền tảng, vì vậy việc tham gia workshop giúp tôi củng cố thêm kiến thức rất nhiều. Đây đều là những kiến thức rất bổ ích đối với những học viên thạc sỹ như tôi” – Trần Anh Tú nói.
Là 1 trong gần 20 học viên đến từ các cơ quan, đơn vị ngoài USTH tham gia workshop, chị Đỗ Thúy Hường – Công ty VNPT-I, đơn vị thành viên của Tập đoàn VNPT được giao nhiệm vụ quản lý và khai thác vệ tinh VINASAT cho biết, trong 3 ngày tham gia workshop chị học được nhiều kiến thức bổ ích, đã hình dung kỹ hơn về cấu tạo của vệ tinh và biết cách sử dụng các phần mềm để tự mô phỏng cấu tạo vệ tinh…
“So với trước đây khi tôi học đại học, chỉ học lý thuyết và gần như không hình dung được trong thực tế vệ tinh được cấu tạo như thế nào. Việc các bạn sinh viên, học viên thạc sĩ được tham gia những buổi workshop như này là rất bổ ích, giúp các bạn sau khi ra trường nhanh chóng bắt kịp và không bị ngỡ ngàng với công việc được giao” – chị Đỗ Thúy Hường nói.
Chương trình giảng dạy về thiết kế vệ tinh nằm trong chương trình giảng dạy hệ thạc sĩ ngành Công nghệ vệ tinh tại USTH, bao gồm: Kỹ sư công nghệ vệ tinh, cơ điện tử, điện tử viễn thông.
Chương trình thạc sĩ vũ trụ của USTH là chương trình đào tạo duy nhất tại Việt Nam đào tạo những nhà khoa học tương lai tham gia vào kỷ nguyên mới phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ. Các môn học được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, được giảng dạy bởi các giáo sư đến từ các trường Đại học Pháp và được hỗ trợ bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, các trường đại học danh tiếng của Việt Nam và từ Laboratoires d’Excellence ESEP và UnivEarth.
Ở năm học thứ hai, học viên sẽ được thực tập tại các phòng thí nghiệm, các trung tâm thiên văn, các tổ hợp chế tạo công nghệ hàng không vũ trụ. Đặc biệt, bằng tốt nghiệp cử nhân thạc sĩ vũ trụ được cấp bởi USTH và một trong 4 trường ĐH Pháp tham gia vào chương trình thạc sĩ là: Đài thiên văn Paris, Đại học Montpellier, Đại học Paris Diderot, Đại học Paris Est-Créteil.
CNES là một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của Pháp về lĩnh vực Vũ trụ, đồng thời là một trong những đối tác quan trọng của USTH trong đào tạo và nghiên cứu. Đối với chương trình thạc sĩ Vũ trụ trong năm học 2019-2020, CNES cử gần 20 chuyên gia sang giảng dạy tại USTH với một số môn học như: Quản lý dự án không gian, Kỹ thuật hệ thống quan trắc trái đất, Thiết kế vệ tinh nhỏ, Kỹ thuật tàu không gian, Hệ thống mặt đất, Hệ thống ảnh quang học, hồng ngoại và sóng ngắn… |
TIN LIÊN QUAN:
Cử nhân ngành Vũ trụ và Ứng dụng
Thạc sĩ ngành Vũ trụ
Cựu học viên USTH viết tiếp giấc mơ tại NASA
Lý do các bạn yêu thích vũ trụ “nhất thiết” phải lựa chọn USTH
Đa dạng cơ hội nghề nghiệp ngành Công nghệ vũ trụ – Viễn thám