Ngày 02/05/2024, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã tổ chức Buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Phạm Thị Lành, chuyên ngành Công nghệ Sinh học nông, y, dược. NCS đã bảo vệ thành công đề tài luận án tiến sĩ: “Nghiên cứu biến dị di truyền virus cánh dị dạng và vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột trong khả năng miễn dịch của loài ong mật Apis cerana ở Việt Nam”
Đề tài được hướng dẫn khoa học bởi PGS.TS. Đồng Văn Quyền – Khoa Khoa học Sự sống.
Buổi bảo vệ có sự tham gia của 5/5 thành viên Hội đồng, gồm:
- PGS. TS. Eric Lacombe, USTH, Chủ tịch Hội đồng
- PGS. TS. Trần Văn Tuấn, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội, Phản biện
- PGS. TS. Nguyễn Thùy Dương, Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phản biện
- PGS. TS. Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy viên
- TS. Nguyễn Quang Huy, USTH, Ủy viên, Thư ký
Tại buổi bảo vệ, NCS Phạm Thị Lành đã trình bày những kết quả nghiên cứu đạt được của luận án trước Hội đồng. NCS Phạm Thị Lành cho biết Loài ong mật Apis cerana đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Chúng là một loài côn trùng giúp thụ phấn chính cho cây trồng. Tuy nhiên, ngành nuôi ong đang phải đối mặt với dịch bệnh, đặc biệt là bệnh do virus gây ra. Gần đây, virus gây bệnh xoắn cánh (Deformed wing virus, DWV) đã lan rộng trên toàn cầu, gây chết ong và có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ tổ ong, làm ảnh hưởng tới sự đa dạng, tính bền vững của các quần thể thực vật, đe dọa an ninh lương thực trên toàn thế giới.
Do đó, việc đi sâu nghiên cứu sự biến đổi di truyển của virus, xây dựng chiến lược và phát triển các chế phẩm sinh học trong phòng trừ bệnh là cần thiết. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra hệ vi khuẩn đường ruột của ong đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe, tăng sức đề kháng của ong đối với nhiều loại tác nhân gây bệnh. Xác định được cấu trúc hệ vi khuẩn đường ruột có thể cung cấp cơ sở khoa học cho việc phát triển chế phẩm sinh học giúp cải thiện sức khỏe cho ong mật.
Trong nghiên cứu này, hệ gen của các chủng virus DWV gây bệnh ở loài ong mật A. cerana tại Việt Nam lần đầu tiên được xác định. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy DWV gây bệnh cho ong mật ở Việt Nam đã xuất hiện một số đột biến trên các protein L, VP3 và RdRp liên quan đến khả năng lây nhiễm và độc lực của virus so với các chủng DWV gây bệnh cho ong mật trong khu vực và trên thế giới.
Phân tích cây phát sinh chủng loại cho thấy chủng DWV gây bệnh ở loài A. cerana tại Việt Nam thuộc DWV type A. Đây là cơ sở khoa học cho chẩn đoán, dịch tễ học phân tử, đánh giá độc lực và khả năng thích nghi các chủng DWV gây bệnh ở loài A. cerana tại Việt Nam. Thêm vào đó, trong nghiên cứu này, thông qua việc áp dụng kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới (next-generation sequencing, NGS), hệ vi khuẩn đường ruột của ong mật A.cerana qua các giai đoạn phát triển khác nhau, và hệ vi khuẩn đường ruột ở ong mật nhiễm DWV và không nhiễm DWV và trong mật ong đã đưa ra một bức tranh tổng thể đầu tiên về hệ vi khuẩn ở loài A. cerana tại Việt Nam.
Hệ vi khuẩn đường ruột ở ong mật A. cerana trưởng thành khỏe mạnh có chứa bốn ngành vi khuẩn chính, bao gồm Proteobacteria (70,7%), Actinobacteria (10,7%), Firmicutes (10,3%) và Bacteroidetes (8,3%). Cấu trúc của hệ vi khuẩn này thay đổi theo các giai đoạn phát triển của loài A. cerana. Ở ấu trùng, Firmicutes chiếm ưu thế nhất (81,6%); tuy nhiên, tỉ lệ của chúng giảm đáng kể theo quá trình phát triển của ong (33,7% ở nhộng và 10,3% ở ong trưởng thành) và dần thay thế bằng Proteobacteria. Thêm vào đó, hệ vi khuẩn đường ruột ở loài A. cerana bị nhiễm DWV có sự khác biệt lớn so với ong mật khỏe mạnh, với sự giảm đáng kể của vi khuẩn lõi thuộc chi Gilliamella và sự tăng đáng kể về số lượng của Lactobacillus. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng ghi nhận sự có mặt của các vi khuẩn có lợi chiếm ưu thế trong mật ong A. cerana bao gồm Lachnospiraceae và Lactobacillus spp.
Những dữ liệu này đã cung cấp cơ sở khoa học để phát triển các chiến lược hiệu quả nhằm duy trì tình trạng sức khỏe của đàn ong mật trước các yếu tố bất lợi của môi trường và đặc trưng cho từng giai đoạn phát triển của ong. Đáng chú ý, trong nghiên cứu này, một số vi khuẩn có lợi như Lactobacillus kunkeei, Lactobacillus plantarum, Leuconostoc mesenteroids, Leuconostoc citreum, Pediococcus pentosaceus và Bacillus subtilis từ loài A. cerana đã được phân lập. Những vi khuẩn này có khả năng ức chế và tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh cho ong mật và người như Klebsiella spp., Escherichia coli, Enterococcus faecalis, Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus. Đây là tiền đề để phát triển chế phẩm sinh học nhằm tăng cường sức khỏe và khả năng kháng bệnh cho ong mật và người.
Như vậy, những phát hiện trong nghiên cứu này là nền tảng cho việc phát triển phương pháp chẩn đoán, phát hiện nguồn gốc tiến hóa và kiểm soát sự lây nhiễm DWV cũng như phát triển các chế phẩm sinh học nhằm tăng cường sức khỏe và khả năng kháng bệnh của quần thể ong mật A. cerana đồng thời giúp giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong nuôi ong, góp phần vào sự phát triển bền vững của nghề nuôi ong mật tại Việt Nam.
Hội đồng đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của NCS Phạm Thị Lành, là công trình khoa học có ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần phát triển các phương pháp bảo vệ loài A. cerana, loài ong bản địa đóng vai trò quan trọng đối với nông nghiệp Việt Nam, chống lại các mối đe dọa từ dịch bệnh và suy giảm môi trường sống. Hội đồng chấm luận án đã họp kín và bỏ phiếu, với kết quả 5/5 phiếu tán thành.
Tại buổi bảo vệ, NCS Phạm Thị Lành đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới sự hướng dẫn tận tình của PGS.TS. Đồng Văn Quyền, sự hỗ trợ của thầy cô tại USTH cùng sự đồng hành và chia sẻ từ gia đình, người thân và bạn bè trong suốt quá trình triển khai nghiên cứu. Chính những điều này đã trở thành động lực to lớn để NCS vượt qua khó khăn và bảo vệ luận án thành công.
Thay mặt Hội đồng, PGS. TS. Eric Lacombe chúc mừng NCS Phạm Thị Lành đã thành công bảo vệ luận án tiến sĩ và chúc NCS. Phạm Thị Lành gặt hái nhiều thành công trên con đường sự nghiệp tương lai.