Ngày 30/3/2019, USTH đã tham dự tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao – Gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp” do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện cả nước có khoảng 235 trường đại học, trong đó có 50 trường đào tạo CNTT, hằng năm có khoảng 50.000 sinh viên ra trường. Theo khảo sát trong số 50.000 cử nhân CNTT ra trường chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề; 70% phải đào tạo lại.
Do đó, “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 hiện nay. CNTT ngày càng có vai trò, tác động lớn khi nền kinh tế chuyển sang số hóa, nhiều sự thay đổi theo hướng cơ hội và thách thức đan xen” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Cùng chung quan điểm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cạnh tranh về nhân lực. Nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình, của nhân loại thì nước đó sẽ chiến thắng trong cạnh tranh. Vì vậy, nhân lực sẽ là lợi thế nếu nước ta giải quyết tốt bài toán cung – cầu nhân lực giữa nhà trường và thị trường.
Nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực CNTT trình độ cao, PGS.TS Lương Chi Mai – đồng Trưởng khoa ICT cho biết, mục tiêu của USTH là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để giải quyết các bài toán về khoa học và công nghệ của đất nước cho khối công nghiệp cũng như doanh nghiệp.
“Điểm nổi bật của USTH là có sự tham gia một cách chặt chẽ và hữu cơ của hơn 40 trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu của Pháp. Riêng trong lĩnh vực ICT, hiện USTH có kết hợp với 11 trường đại học của Pháp. Chính vì thế, trong giai đoạn đầu tiên, 80-85% giáo sư và giảng viên trong liên minh các trường đại học này tham gia giảng dạy trực tiếp vào chương trình ICT tại USTH” – PGS Lương Chi Mai nói.
Đặc biệt, trong quá trình học tập, sinh viên ICT hệ đại học sẽ được đi thực tập tại nước ngoài như Thái Lan, Pháp, CH Séc…; và hơn 60% sinh viên thạc sĩ sẽ được thực tập tại các lab nghiên cứu và các lab nghiên cứu tại các tập đoạn công nghệ tại Pháp. “Đây là đặc nổi bật giúp USTH tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT” – PGS.TS Lương Chi Mai cho biết.
Trên cơ sở đó, USTH cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo và nghiên cứu với Công ty cổ phần công nghệ chọn lọc thông tin (INFORE) với nội dung hợp tác đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT, cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên.
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm và triển lãm, USTH đã trưng bày 2 sản phẩm CNTT mới là: Công nghệ nhân dạng cử chỉ ngón tay trong thời gian thực sử dụng công nghệ học sâu (deep learning) và mô hình hóa và mô phỏng giao thông và mức độ ô nhiễm ở quận Hoàn Kiếm. Gian trưng bày của USTH đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn học sinh, sinh viên và 2 vị khách đặc biệt là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Tin liên quan:
Chương trình cử nhân ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông
USTH, IRD, IOIT và Đại học La Rochelle hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông
Cựu sinh viên ICT giành học bổng CIFRE của Pháp: “Đam mê chỉ là khởi đầu”
Chân dung 5 trường đại học Pháp đồng cấp bằng Thạc sĩ ICT với USTH