Việc mời chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia vào đào tạo đã và đang mang đến những lợi ích sát sườn cho Nhà trường, doanh nghiệp và đặc biệt là sinh viên các ngành về khoa học- công nghệ- kỹ thuật trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Mối quan hệ hai bên cùng có lợi giữa nhà trường và doanh nghiệp
Tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển, để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, việc mời chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia vào đào tạo được các trường đại học rất coi trọng. Tại Việt Nam, mô hình này cũng đang được áp dụng mạnh mẽ, đặc biệt đối với những khối ngành đòi hỏi kiến thức thực tiễn sâu rộng như khoa học- công nghệ- kỹ thuật.
PGS. TS. Đinh Thị Mai Thanh, Hiệu trưởng USTH cho biết: “Với kinh nghiệm làm việc thực tế dày dặn, điều mà giảng viên đại học còn thiếu, các chuyên gia đến từ doanh nghiệp là sự bổ sung quan trọng để tạo nên một chương trình đào tạo vừa đảm bảo tính học thuật lại gắn liền với nhu cầu của thị trường lao động. Thông qua những chuyên gia này, các trường sẽ nắm bắt nhanh chóng yêu cầu của nhà tuyển dụng, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với chương trình đào tạo, giúp sinh viên ra trường dễ dàng thích nghi với thực tiễn của hoạt động sản xuất kinh doanh.”
Hiện nay, tại USTH, hầu hết các ngành đều có sự tham gia đào tạo của các chuyên gia đến từ doanh nghiệp với tư cách là giảng viên hoặc diễn giả trong các buổi seminar, hội thảo định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.
Trong khi đó, việc có nhân sự tham gia giảng dạy tại đại học cũng mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong việc tìm kiếm và tuyển lựa nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ trên ghế nhà trường, hạn chế rủi ro và chi phí đào tạo lại sau quá trình tuyển dụng. Nói cách khác, doanh nghiệp có thêm quyền và cơ hội lựa chọn và sử dụng nguồn lao động có trình độ, từ đó giải quyết được bài toán nan giải về nhân lực.
TS. Chung-Han Wu hiện đang là Giám đốc kỹ thuật, phụ trách R&D Công ty BoViet, một trong những công ty công nghệ sản xuất pin mặt trời lớn nhất Việt Nam. Trong 4 năm trở lại đây, dù lịch làm việc bận rộn đến mức nào, TS. Wu vẫn dành thời gian giảng dạy môn vật liệu trong chuyển đổi và lưu trữ năng lượng cho sinh viên năm cuối ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano tại USTH.
TS. Wu chia sẻ: Năm 2016, khi Boviet thành lập phòng R&D, chúng tôi mong muốn xây dựng và phát triển một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và tài năng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng vấp phải rất nhiều khó khăn. Do đó, tôi đã tiếp cận một số trường đại học của Việt Nam, trong đó có trường USTH. Qua quá trình tìm hiểu, tôi rất ấn tượng với chương trình đào tạo cập nhật của USTH và chấp nhận lời mời tham gia giảng dạy tại đây với mong muốn trực tiếp tuyển lựa được sinh viên chất lượng cao. Kết quả sau 4 năm giảng dạy, tôi đã tuyển chọn được nhiều sinh viên tốt nghiệp USTH, trở thành nhân viên nòng cốt trong phòng R&D tại Boviet.
Lợi ích cốt lõi hướng tới sinh viên
Bên cạnh những lợi ích đối với trường đại học và doanh nghiệp, việc chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia vào giảng dạy còn mang đến những lợi ích sát sườn đối với người học.
Chuyên gia từ doanh nghiệp thường là người “từng trải” trong công việc với vốn kinh nghiệm thực tế dày dặn. Họ hiểu rõ sinh viên cần trang bị kiến thức, kỹ năng thế nào để “lọt vào mắt xanh” của nhà tuyển dụng và thành công trên thị trường lao động cạnh tranh hiện nay. Do đó, các chuyên gia sẽ mang đến cho sinh viên một cái nhìn toàn diện hơn về nghề nghiệp tương lai và những gì bản thân cần chuẩn bị cho hành trình sắp tới.
Hoàng Huy Tú, sinh viên năm 2 ngành Hóa học tại USTH cho biết mình và các bạn cùng lớp vừa tham gia khóa học về Phân tích công cụ với chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Tập đoàn Samsung, Việt Nam: “Những bài giảng của thầy Phạm Khắc Duy rất khác biệt. Thầy không chỉ truyền thụ cho chúng mình kiến thức mà còn lồng ghép những câu chuyện thực tế về đời sống, về môi trường làm việc trong doanh nghiệp, về các đối nhân xử thế và cách làm việc khoa học. Thầy đưa đến cho mình một cái nhìn rõ nét về ứng dụng của các kiến thức học trên lớp vào thực tế sản xuất, đặc biệt trong công nghiệp. ”
TS. Văn Thành Trung, chuyên gia với hơn 10 năm “lăn lộn” trong lĩnh vực phát triển phần mềm tại các công ty lớn ở Việt Nam, Pháp như Worldquant, IBM đang tham gia giảng dạy tại khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Khi giảng dạy, tôi luôn cố gắng lồng ghép trải nghiệm cá nhân và những bài học thực tế đúc rút được trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp để chia sẻ với các bạn sinh viên. Tôi hi vọng, nhờ đó, sinh viên sớm có định hướng học tập, để khi ra trường không bị hụt hẫng và dễ bắt kịp với môi trường mới, đặc biệt trong một lĩnh vực biến động và phát triển không ngừng như Công nghệ thông tin.”
Không chỉ dừng lại vậy, chuyên gia từ doanh nghiệp còn đóng vai trò là cầu nối, kết nối sinh viên với những doanh nghiệp đang có nhu cầu về nguồn nhân lực theo đúng lĩnh vực chuyên môn được đào tạo. Trong bối cảnh một vị trí tuyển dụng thu hút hàng chục đến hàng trăm người ứng tuyển như hiện nay thì đây là một lợi thế lớn, đảm bảo một khởi đầu thuận lợi cho sinh viên khi mới bước chân vào thị trường lao động.
Với những giá trị riêng biệt, độc đáo, việc chuyên từ doanh nghiệp tham gia vào giảng dạy đã và đang trở thành sợi dây kết nối hiệu quả giữa USTH- doanh nghiệp- sinh viên, gia tăng sự gắn bó chặt chẽ giữa đào tạo và hướng nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học- công nghệ- kỹ thuật cho Việt Nam và đảm bảo đầu ra cho sinh viên.
Tìm hiểu thêm
Ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano -“lò luyện” học bổng Erasmus Mundus
Ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano: Học như thế nào? Ra trường làm gì?
Ngành Công nghệ thông tin học gì? Ra trường làm gì?