Ngày 18/10/2024, Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano (AMSN) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hàn Quốc (KSIA) tổ chức thành công tọa đàm với chủ đề: “Thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo-công nghiệp trong ngành bán dẫn”. Chương trình nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 15 năm thành lập Trường và chào đón khóa tân sinh viên ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn đầu tiên của USTH.
Tọa đàm diễn ra đúng thời điểm khi Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư và phát triển ngành vi mạch bán dẫn, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Các trường đại học của Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp trọng điểm này, trong đó có USTH.
Song song với đó, Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đồng thời sở hữu hệ thống giáo dục và đào tạo chuyên sâu, hợp tác chặt chẽ giữa đào tạo và doanh nghiệp.
Tọa đàm được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi về các xu hướng công nghệ mới, nhu cầu nhân lực cùng các giải pháp kết nối giữa đào tạo và nhu cầu thực tế trong công nghiệp của ngành bán dẫn tại Việt Nam và Hàn Quốc. Qua đó, giúp người tham dự tiếp cận với những kiến thức, công nghệ tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời gặp gỡ và mở rộng mạng lưới hợp tác, hướng tới thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và công nghiệp trong ngành bán dẫn.
Tham dự tọa đàm, về phía đoàn chuyên gia Hàn Quốc, có ông Lee Jihan – Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hàn Quốc, GS. Wang Hyunchul – Trường Korea Polytechnics, GS. Lee Sunjong – Trường Korea Polytechnics, GS. Kang Namjun – Đại học Kỹ thuật Hàn Quốc, ông Kim Jinsun – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật viên Meister Hàn Quốc, Ông Jung Jinkuk – Giám đốc Công ty Smart Education, ông Nam Sangho, Phó Chủ tịch của Chungpa EMT,; về phía chuyên gia Việt Nam, có PGS.TS. Hoàng Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tích hợp hệ thống, Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn, TS. Đỗ Hoàng Tùng – Phó Viện trưởng Viện Vật lý, PGS. TS. Nguyễn Lê Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, Ông Trần Phú Sơn – Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT; về phía USTH, có GS. Jean-Marc Lavest – Hiệu trưởng chính, GS.TS. Đinh Thị Mai Thanh – Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Văn Quỳnh – Đồng trưởng khoa Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Việt Nam và Hàn Quốc.
Phát biểu khai mạc, GS. Jean – Marc Lavest – Hiệu trưởng chính USTH chào mừng đoàn chuyên gia Hàn Quốc đã đến tham dự tọa đàm và cho biết đây là lần đầu tiên USTH tổ chức một sự kiện với trọng tâm thảo thuận là ngành bán dẫn – một ngành công nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm và chú trọng đầu tư của Chính phủ Việt Nam. GS. Jean – Marc Lavest nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hy vọng với sự tham gia của các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam, tọa đàm sẽ mang đến nhiều thông tin hữu ích, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành bán dẫn.
PGS.TS. Nguyễn Văn Quỳnh – Đồng trưởng khoa Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano đã chia sẻ những thông tin về nhu cầu gia tăng mạnh mẽ nguồn nhân lực bán dẫn toàn cầu và tại Việt Nam trong bối cảnh các thiết bị di động và thông minh phát triển như vũ bão. Dự kiến đến năm 2030, thị trường toàn cầu cần 1 triệu lao động trong lĩnh vực bán dẫn và tại Việt Nam, con số này là khoảng 50.000 nhân sự. Đón đầu xu hướng phát triển của ngành bán dẫn, từ năm 2024, USTH đã bắt đầu đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn dựa trên lợi thế về cơ sở vật chất, sự hỗ trợ mạnh mẽ của Viện Hàn lâm, mạng lưới hợp tác quốc tế và kinh nghiệm đào tạo ngành gần gồm Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, Vật lý kỹ thuật – Điện tử. PGS.TS. Nguyễn Văn Quỳnh đã giới thiệu về các thế mạnh trong đào tạo của USTH và chương trình Công nghệ vi mạch bán dẫn. Ông đánh giá cao sự cần thiết của việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữ nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, nhằm xây dựng chương trình giảng dạy cập nhật, gắn với nhu cầu thực tiễn trong công nghiệp.
Tiếp theo chương trình, ông Lee Jihan – Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc (KSIA) đã chia sẻ tại tòa đàm những xu hướng hiện nay hiện nay trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và chiến lược phát triển nguồn nhân lực với sự tham gia chặt chẽ của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo của Hàn Quốc. Ông cũng giới thiệu về mô hình hoạt động của Học viện Bán dẫn Hàn Quốc – cơ sở đào tạo được thành lập dựa trên sáng kiến của KSIA nhằm kết hợp với các trường đại học cung cấp các khóa học chuyên sâu, có tính thực tiễn cao, gắn liền với công nghiệp cho sinh viên ngành bán dẫn. Ông Lee Jihan bày tỏ kỳ vọng vào mối quan hệ hợp tác phát triển ngành bán dẫn giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giữa hai quốc gia.
Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong đào tạo ngành bán dẫn tại Hàn Quốc, GS. Wang Hyunchul đã có hai bài trình bày về mô hình đào tạo ngành bán dẫn tại Trường Korea Polytechnics và chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn. GS. Wang Hyunchul nhấn mạnh vai trò quan trọng của mối quan hệ hợp tác trong giảng dạy giữa nhà trường và doanh nghiệp để xây dựng những chương trình đào tạo có tính thực tiễn cao, giúp sinh viên dễ dàng hòa nhập và tự tin bước vào thị trường lao động.
Trong phần tiếp theo của tọa đàm, PGS.TS. Hoàng Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tích hợp hệ thống tại Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn đã trình bày về những thành tựu của nhóm nghiên cứu tại Viện tích hợp hệ thống – ĐH kỹ thuật Lê Quý Đôn trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và bảo mật phần cứng. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, phát triển các kỹ năng chuyên sâu liên quan đến thiết kế vi mạch là cần thiết để Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Công nghệ Plasma đóng vai trò quan trọng trong ngành bán dẫn với nhiều ứng dụng then chốt giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng sản xuất. Tại sự kiện, TS. Đỗ Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Viện Vật lý trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và GS. Kang Namjun, Đại học Kỹ thuật Hàn Quốc đã có những chia sẻ chuyên sâu về những ứng dụng của công nghệ Plasma trong ngành công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh đó, GS. Kang Namjun cũng giới thiệu về phòng thí nghiệm và chương trình đào tạo về công nghệ Plasma tại Đại học Kỹ thuật Hàn Quốc.
Tọa đàm khép lại với phần giao lưu đàm thoại trực tiếp giữa các chuyên gia tại các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sản xuất ngành bán dẫn của Việt Nam và Hàn Quốc với toàn thể người tham dự về chủ đề “Khám phá các chiến lược tăng cường quan hệ hợp tác giữa Giáo dục và ngành công nghiệp bán dẫn”
Một số hình ảnh của buổi tọa đàm