Với ngôn ngữ đào tạo 100% bằng tiếng Anh và sự tham gia giảng dạy của giảng viên quốc tế, ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano đã mở cánh cửa bước ra thế giới cho nhiều sinh viên, học viên theo đuổi lĩnh vực này.
Nếu thế kỷ 20 được coi là kỷ nguyên của ngành công nghệ thông tin, thì công nghệ nano là lĩnh vực dẫn đầu sự phát triển trong thế kỷ 21, với trị giá thương mại lên đến hàng nghìn tỷ USD. Sự xuất hiện của khoa học vật liệu tiên tiến, trong đó có công nghệ nano đã và đang trở thành một cuộc cách mạng trong việc nghiên cứu và cải tiến các vật liệu phục vụ cho đời sống con người.
Theo thống kê, hiện nay trên thế giới Mỹ đứng đầu về đầu tư cho công nghệ nano, tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Đặc biệt, những quốc gia này cũng chính là “điểm dừng chân” của nhiều cựu sinh viên ưu tú ngành Công nghệ nano USTH.
Hãy cùng “dạo một vòng” quanh các châu lục xem những cựu sinh viên ấy là ai, và tìm hiểu xem các bạn ấy đang làm gì nhé!
1. Vũ Duy Thành (cựu sinh viên khóa 2012-2015)
Trong số những sinh viên theo học ngành Công nghệ Nano, Vũ Duy Thành vẫn thường được nhắc đến như một trong những “tiền bối” thành công. Ngay từ khi còn là USTHer, Duy Thành đã bộc lộ sự năng nổ và thông minh khi vừa đảm nhiệm chức Hội phó Hội Sinh viên trường, điều hành các hoạt động tập thể nhưng vẫn liên tục “ẵm” các học bổng dành cho sinh viên xuất sắc do USTH trao tặng.Sau khi tốt nghiệp đại học, Duy Thành lựa chọn tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu khi trở thành học viên thạc sĩ, chuyên ngành Vật liệu chức năng tại Đại học Aalto, một trong những trường đại học danh tiếng nhất tại Phần Lan. Đồng thời, Thành cũng là một thành viên thuộc nhóm nghiên cứu Nanospin, khoa Vật lý của trường đại học này. Hiện nay, không chỉ làm nghiên cứu đơn thuần, Duy Thành còn “kiêm” cả tham gia vào các dự án khởi nghiệp về Giáo dục STEM tại Đại học Sư phạm 2 và Đại học Sư phạm Huế, cũng như những dự án về tái chế pin Lithium-ion và rác thải nói chung.
2. Nguyễn Ngọc Đức (cựu sinh viên khóa 2012-2015; cựu học viên thạc sĩ khóa 2015-2017)
Nguyễn Ngọc Đức là một trong những cựu sinh viên và học viên thạc sĩ ưu tú của khoa Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano. Ở khoa, Đức được coi là một “tay săn học bổng” chính hiệu: Trong 5 năm học tại USTH thì đến 4 năm liên tiếp, Đức được USTH trao học bổng toàn phần dành cho những sinh viên có thành tích học tập dẫn đầu.
Ngọc Đức xuất sắc ghi tên mình vào danh sách 11 sinh viên Việt Nam nhận học bổng toàn phần Excellence năm 2018 – học bổng danh giá do Đại sứ quán Pháp trao tặng cho quá trình 3 năm học tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân CEA tại Grenoble (Pháp).
3. Nguyễn Nhật Linh (cựu sinh viên khóa 2012-2015; cựu học viên thạc sĩ khóa 2015-2017)
Nguyễn Nhật Linh cũng là một trường hợp dành trọn “thanh xuân” cho USTH khi lựa chọn theo học cả hệ đại học và thạc sĩ tại khoa Công nghệ nano của trường. Theo đuổi định hướng vật lý nano, ngay từ khi còn là sinh viên Nhật Linh đã tham gia nhiều dự án nghiên cứu cùng các giảng viên và có 5 bài báo ISI trên các tạp chí quốc tế.
Năm 2018, Linh được nhận học bổng toàn phần của Đại học Kwangwoon (Hàn Quốc) và tiếp tục theo học tiến sĩ về vật lý plasma lạnh tại khoa Vật lý điện tử – y sinh của trường; đồng thời xuất sắc “ẵm” luôn 2 giải Poster khoa học xuất sắc nhất trong 2 hội nghị khoa học tại Hàn Quốc là Hội nghị khoa học quốc tế về Plasma y sinh (International Symposium for Plasma Biosciences 2018) và Hội nghị Hội chân không Hàn Quốc (Korean Vacuum Society 2018).
4. Dương Hồng Phong (cựu sinh viên khóa 2013-2016)
Dương Hồng Phong là một trong những cựu sinh viên đầu tiên của khoa Công nghệ nano tiếp tục theo học và làm việc tại Nhật Bản. Ngay từ khi còn là sinh viên năm cuối tại USTH, Phong đã được Viện Khoa học Vật liệu quốc gia Nhật Bản, một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất tại đất nước mặt trời mọc, trao tặng học bổng thực tập. Năm 2017, Hồng Phong tiếp tục đảm nhận vị trí trợ lý nghiên cứu và nghiên cứu viên, tham gia các dự án nghiên cứu cùng giảng viên Đại học Tohoku, một trong ba trường đại học hàng đầu Nhật Bản.
Với kinh nghiệm làm việc và mong muốn làm nghiên cứu lâu dài tại Nhật, Hồng Phong được nhận học bổng do Tổ chức Aoba trao tặng để theo học chương trình thạc sĩ tại trường Đại học Tohoku. Tháng 4 năm 2019, Phong nhận được tin vui khi trở thành tác giả đứng tên đầu tiên trong công trình nghiên cứu về quang xúc tác được đăng tải trên tạp chí uy tín Applied Catalysis B: Environmental.
5. Vương Đặng Lê Mai (cựu sinh viên khóa 2014-2017)
Từ khi là USTHer, Vương Đặng Lê Mai đã sở hữu một “gia tài” học bổng đáng ngưỡng mộ: 3 năm liên tiếp nhận học bổng toàn phần USTH cho sinh viên xuất sắc, học bổng thực tập toàn phần do USTH trao tặng và học bổng Odon Vallet 2 năm liên tiếp là 2015 và 2016.
Tốt nghiệp hệ đại học tại USTH, Mai tiếp tục đi khắp châu Âu khi giành được học bổng chương trình thạc sĩ quốc tế Erasmus Mundus SERP+ do Ủy ban châu Âu cấp. Theo học chương trình này, mỗi kỳ học Lê Mai lại được trải nghiệm học tập và nghiên cứu tại 1 trường đại học khác nhau ở “lục địa già”: Đại học Paris XI (Pháp), Đại học Porto (Bồ Đào Nha) và Đại học Genoa (Ý). Hiện tại, Mai đã quay về Pháp để thực tập tốt nghiệp thạc sĩ tại Viện Lavoisier Versailles, Viện Khoa học Phân tử Orsay (Institut des Sciences Moléculaires d’Orsay), Pháp.
Chia sẻ về những dự định phía trước, Lê Mai mong muốn tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và tiếp tục theo đuổi lĩnh vực hóa học – vật liệu. Thời gian tới, Mai sẽ học lên tiến sĩ nhằm nghiên cứu sâu hơn về cơ chế hoạt động của vật liệu khung hữu cơ – kim loại (MOF) ứng dụng trong dẫn truyền thuốc.
6. Nguyễn Khánh Linh (Cựu sinh viên khóa 2015-2018, học viên thạc sĩ khóa 2018-2020)
Nếu bạn vẫn nghĩ công nghệ nano là ngành học khô khan chỉ dành cho các bạn nam, thì hãy đọc profile của cô nàng dưới đây để thay đổi suy nghĩ nhé! Nguyễn Khánh Linh là một “bông hồng” nhiều tài năng của gia đình Nano. Ngay từ khi còn là sinh viên năm 2, Linh đã là một thành viên trong nhóm nghiên cứu NENS về khoa học và kỹ thuật nano của TS. Trần Đình Phong. Đến năm 3, Linh lại được lựa chọn để tham gia Trại hè quốc tế về sinh học CLS (CLS International Biology camp 2018) tại Taipei do trường Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU) hỗ trợ kinh phí.
Năm 2018, trong khuôn khổ hợp tác giữa khoa Công nghệ Nano và Trường đại học Paris Diderot, Linh nhận được học bổng toàn phần do ngôi trường danh tiếng này trao tặng trao tặng cho 3 tháng thực tập tốt nghiệp tại trường.
Sắp tới, Linh sẽ tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ liên thông, chuyên ngành Hóa học và Khoa học nano, với học bổng toàn phần cho 5 năm học do trường Đại học nữ sinh Ewha – trường nữ sinh danh giá nhất Hàn Quốc và lớn nhất thế giới – trao tặng.