Ngày 17 tháng 10 năm 2024, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã có buổi làm việc với Trường Đại học Heriot-Watt về kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.
Tham dự buổi làm việc, về phía USTH có GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính Nhà trường; PGS.TS Mai Hương, Phó Trưởng khoa Nước – Môi trường – Hải dương học; TS. Alexis Chaigneau, Phó Trưởng khoa Nước – Môi trường – Hải dương học; TS. Tô Thị Mai Hương, Phó Trưởng ban Nghiên cứu, Đổi mới và Chuyển giao công nghệ và bà Đỗ Thị Thùy Trang, Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế.
Về phía Đại học Heriot-Watt có GS. Thomas Wagner, Giáo sư tại Trung tâm Lyell, TS. Ryan Pereira, Phó Giáo sư tại Trung tâm Lyell, TS. Heidi Burdett, Phó Giáo sư tại Đại học Umeå, TS. Ingrid Kelling, Trợ lý Giáo sư tại Trung tâm Lyell, TS. Max Webb, Kỹ thuật viên cao cấp tại Trung tâm Lyell, TS. Nguyễn Minh Đức, Nghiên cứu viên sau Tiến sĩ tại Trung tâm Lyell, bà Jennifer Scott, Nghiên cứu sinh tại Trung tâm Lyell.
Ngoài ra, USTH vui mừng chào đón đại diện các đơn vị Trường Đại học Phenikaa; Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nộị); Trường Cao đẳng Kinh tế và Kỹ thuật Thuỷ sản; Viện Kinh tế Quy hoạch Thuỷ sản; và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường.
Tại buổi tiếp đón đoàn, GS. Jean-Marc Lavest cùng đại diện các đơn vị liên quan đã trao đổi với đại diện Trung tâm Lyell, Đại học Heriot-Watt về các chương trình đào tạo và các dự án nghiên cứu tiềm năng. Khoa Nước – Môi trường – Hải dương học (WEO) hiện đang đào tạo cử nhân và thạc sĩ trong lĩnh vực khoa học môi trường, với một số hướng nghiên cứu nổi bật như: đánh giá và quan trắc chất ô nhiễm trong đất, nước, không khí; nghiên cứu tác động của chất ô nhiễm lên hệ sinh thái; và nghiên cứu về vật lý biển cũng như sự vận chuyển chất ô nhiễm từ lục địa ra đại dương. Những định hướng này có nhiều điểm tương đồng với các nghiên cứu tại Trung tâm Lyell, tạo nền tảng cho việc hai bên thảo luận và nhất trí tăng cường hợp tác nghiên cứu và trao đổi học thuật trong tương lai. Đặc biệt, sinh viên USTH sẽ có cơ hội thực tập và tham gia các hoạt động trao đổi tại Trung tâm Lyell.
Hiện nay, Khoa Nước – Môi trường – Hải dương học USTH đang tham gia Dự án nghiên cứu nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển Việt Nam (3SIP2C). Dự án 3SIP2C do Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCRF) tài trợ thông qua Hội đồng nghiên cứu Môi trường tự nhiên (NERC) thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo – Vương quốc Anh (UKRI) và được chủ trì bởi Đại học Heriot-Watt (Vương quốc Anh) và 06 đối tác tại Việt Nam là các trường đại học và viện nghiên cứu.
Mục tiêu dự án:Dự án 3SIP2C nhằm tìm hiểu nguồn phát thải và nơi tích tụ rác thải nhựa, đánh giá tác động của rác thải nhựa đối với sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp ven biển. Phân tích chính sách được thực hiện để xác định các biện pháp can thiệp hiệu quả và đề xuất các chương trình giảm rác thải nhựa thông qua chương trình tham gia toàn diện ở cấp địa phương, khu vực và quốc gia. Các hoạt động chính:• Xác định nguồn phát thải và con đường phát tán của rác thải nhựa vào môi trường ven biển được tiêu hoá bởi các sinh vật thủy sinh hay tích lũy trong trầm tích . • Xác định thành phần rác thải nhựa, các chất gây ô nhiễm và các mầm bệnh liên quan tới rác thải nhựa có thể gây nguy hiểm đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người. • Mô hình hoá về con đường di chuyển của rác thải nhựa từ vùng cửa sông dọc theo bờ biển và cách chúng thay đổi theo mùa. • Thu hút các tổ chức và doanh nghiệp có liên quan để định lượng phạm vi và quy mô rủi ro về mặt kinh tế do rác thải nhựa cho các vùng ven biển. • Thiết lập một nền tảng bình đẳng và hợp tác để trao đổi kiến thức để giảm sản xuất và tiêu thụ nhựa một cách có trách nhiệm. • Xây dựng năng lực cốt lõi cho các nhóm nghiên cứu Việt Nam và Vương quốc Anh để đánh giá, giảm thiểu và đề xuất các chiến lược cho hiện tại và tương lai về quản lý rác thải nhựa tại vùng ven biển Việt Nam. • Phát triển đề tài theo hướng chuyên sâu thông qua việc kết nối với các đối tác chiến lược giữa các học viện/trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ/doanh nghiệp. |