Đinh Hải Ngân – cựu sinh viên khóa 8 ngành Khoa học và Công nghệ thực phẩm (USTH) vừa nhận học bổng France Excellence 2024 (chương trình Tiến sĩ) tại L’Institut Argo Dijon (Pháp).
Trước đó, Hải Ngân đã nhận được học bổng từ Đại học Bourgogne – Franche – Comté (thường gọi là “trường lớn”) và Chương trình Thạc sĩ Chính sách công khi trúng tuyển vào chương trình Thạc sĩ Vi sinh và hoá lý thực phẩm (Microbiology and PhysicoChemistry for Food and wine Processes – viết tắt: MP2) tại L’Institut Agro Dijon (Pháp). Trong thời gian này, cô bạn cũng có cơ hội tham gia chương trình trao đổi Erasmus+ của Liên minh châu Âu (~ 5 tháng) tại Đại học Ghent (#2 ĐH tốt nhất tại Bỉ, #34 ĐH tốt nhất châu Âu và #95 ĐH tốt nhất thế giới).
“Bỏ túi” kha khá kinh nghiệm săn học bổng kể trên, Hải Ngân tiếp tục lên kế hoạch chinh phục học bổng France Excellence cho chương trình Tiến sĩ. Mặc dù thời hạn nhận hồ sơ học bổng năm nay được đẩy lên sớm hơn mọi năm 1 tháng, cô bạn cũng không hề gặp áp lực bởi đã có sự chuẩn bị từ rất sớm.
Hải Ngân cho rằng Project proposal (tạm dịch: đề xuất dự án) là điểm quan trọng nhất để làm nổi bật hồ sơ của mình giữa một “rừng” ứng viên sáng giá khác. Do vậy, Ngân và thầy hướng dẫn GS. Thomas Karbowiak – Giám đốc Phòng thí nghiệm URM PAM (L’Institut Argo Dijon) – đã đầu tư khá nhiều thời gian, công sức cho phần này. Dù vô cùng bận rộn, thầy Thomas vẫn dành thời gian “chăm chút” hồ sơ cho Ngân. Để nhận được sự ưu ái đó, cô bạn chia sẻ: “Bí kíp của mình nằm ở 1 từ: “communicate”. Mình không ngừng trao đổi, thể hiện rõ hiểu biết, động lực, quyết tâm cùng thái độ nghiêm túc trong suốt quá trình làm việc cùng thầy. Do vậy, thầy đã ghi nhận sự nỗ lực ấy của mình bằng cách luôn sẵn sàng đồng hành và nhiệt tình hỗ trợ mình, đặc biệt trước những bước ngoặt quan trọng”. Điều này cực kỳ có ý nghĩa với Ngân khi đây cũng là người thầy mà cô tin tưởng và mong muốn được “tầm sư học đạo” trong 3 năm tới.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của Ngân, học bổng France Excellence đề cao sự hợp tác giữa 2 chính phủ Việt Nam và Pháp. Thật may mắn, USTH vốn được coi là “biểu tượng hợp tác giáo dục” của 2 quốc gia. Hơn nữa, USTH và L’Institut Argo Dijon đã ký kết thỏa thuận hợp tác từ năm 2018. Sinh viên, giảng viên từ 2 trường đã có nhiều chuyến sang trao đổi trực tiếp trong đào tạo, nghiên cứu. Nhờ mối quan hệ bền chặt và tốt đẹp trên, Ngân tin rằng đây cũng là một điểm cộng mà các bạn sinh viên USTH chớ bỏ qua trong hồ sơ của mình khi ứng tuyển France Excellence.
Đề tài Tiến sĩ mà Ngân theo đuổi là “Towards a new generation of probiotics for inflammatory bowel diseases (IBD)” – Hướng đến thế hệ lợi khuẩn mới cho bệnh viêm ruột kết. Ý tưởng của đề tài bắt nguồn từ nhu cầu phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe đường ruột của người Việt ngày càng tăng. Khái niệm về lợi khuẩn cũng được biết đến rộng rãi và được nghiên cứu để sản xuất đã lâu, tuy nhiên, việc tìm ra các loại lợi khuẩn mới và áp dụng công nghệ bao gói vi sinh vật sống vẫn cần được cải thiện. Ngân cho biết cô tập trung nghiên cứu tính chất và phương pháp sử dụng vật liệu polymer ăn được, áp dụng cho việc bảo vệ lợi khuẩn kị khí khỏi điều kiện khắc nghiệt trong quá trình sản xuất và quá trình tiêu thụ sản phẩm trong hệ tiêu hoá con người, đảm bảo lợi khuẩn sẽ sống và phát huy tác dụng ở phần ruột non của người.
Khi được hỏi về việc vì sao học ngành Khoa học và Công nghệ thực phẩm (FST), Hải Ngân lại chọn đề tài đôi chút “lấn sân” sang y sinh, cô bạn lý giải: “Trước đây, mình chọn FST xuất phát từ niềm yêu thích với hóa sinh, cộng với sự ảnh hưởng từ người bố vốn là một đầu bếp. Thế rồi càng học, mình càng thấy rõ “đường đi, nước bước” và càng đam mê hơn. Ban đầu, mình cũng từng thực hiện những dự án nhóm liên quan đến hóa sinh thực phẩm/một sản phẩm thực phẩm cụ thể. Điều này vô tình đóng khung mình trong suy nghĩ: Food scientist (nhà nghiên cứu thực phẩm) chỉ đơn thuần nghiên cứu về đồ ăn thôi. Tuy nhiên, kỳ thực tập tại Lab Cell ở USTH đã hoàn toàn thay đổi góc nhìn của mình. Mình nhận ra rằng mình có thể trở thành Food scientist ở bất kỳ mảng, lĩnh vực nào vì phạm vi áp dụng của ngành FST vô cùng rộng mở. Do đó, đứng trước những hướng đi đa dạng của ngành, mình chọn tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về Vi sinh, hoá lý thực phẩm khi học lên Thạc sĩ và Tiến sĩ”.
Từng cung đường đi qua cũng đã giúp Ngân rút ra một điều tâm niệm: “Đừng nên giới hạn bản thân ở bất kỳ khía cạnh nào. Hãy luôn giữ thái độ cởi mở trong học tập và nghiên cứu để đón nhận nhiều cơ hội tốt hơn”.
Với Ngân, du học còn là một hành trình khám phá đầy màu sắc. Tại Pháp, cộng đồng cựu sinh viên USTH khá đông đảo, nhiệt tình và thân thiện. Do đó, Ngân đã kết nối, làm quen với các bạn tại Dijon từ trước khi sang du học. Vì vậy, ngay khi mới chân ướt chân ráo tới đây, Hải Ngân đã bớt được phần nào bỡ ngỡ và nhanh chóng bắt kịp nhịp sống ở nước ngoài.
Là người khá chủ động và hướng ngoại, cô bạn không chỉ kết thân với sinh viên Việt Nam tại Pháp hay Bỉ, mà còn “chinh phục” trái tim bạn bè quốc tế bằng sự hòa đồng, chân thành và đặc biệt là những chia sẻ về văn hóa ẩm thực nước nhà. “Phở, bún, nem và gỏi cuốn là những món tủ của mình mà các bạn ấy cực kỳ mê” – Ngân hào hứng nói.
Chia sẻ về định hướng trong tương lai, Hải Ngân cho biết cô bạn ước mơ trở thành giảng viên của USTH. Đây là dự định Ngân ấp ủ từ khi học Đại học. Với Ngân, đây thực sự là một ngôi trường tuyệt vời để gắn bó và cống hiến. “Mình mong muốn sau khi tốt nghiệp có thể tham gia thêm một vài chương trình Thực tập sinh ở các công ty/ Tập đoàn lớn như Nestlé tại Thuỵ Sĩ, Oatly tại Thụy Điển hay một vài thương hiệu nổi tiếng khác của Pháp trước khi về giảng dạy. Vì như vậy, mình sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, truyền đạt cho các em khoá sau những kiến thức, tư duy và trải nghiệm phong phú hơn” – Hải Ngân bày tỏ.