Antoine, 23 tuổi, học viên Trường quân đội Không quân và Vũ trụ Pháp (EAE) đến Hà Nội để tham gia kỳ thực tập tại Khoa Vũ trụ và Ứng dụng của USTH. Hoạt động này nằm trong chương trình đào tạo nhằm giúp Antoine vươn tới ước mơ trở thành sĩ quan Không quân Pháp.
USTH : Kỳ thực tập của bạn là một phần trong chương trình đào tạo để lấy bằng kỹ sư tại trường quân đội Vũ trụ và Hàng không Pháp (EAE). Vậy lý do nào đã khiến bạn quyết định lựa chọn Việt Nam và USTH?
Antoine: Kỳ thực tập là một yêu cầu bắt buộc trong chương trình đào tạo để lấy bằng kỹ sư tại trường sĩ quan Vũ trụ và Hàng không Pháp. Kỳ thực tập thường kéo dài 18 tuần đối với sĩ quan không quân và 21 tuần đối với các nhánh đào tạo khác. Đây là cơ hội để chúng tôi hòa nhập với cuộc sống bên ngoài trường sĩ quan, tích lũy kinh nghiệm thực tế và mở rộng tầm nhìn. Về phương diện cá nhân, tôi luôn mong muốn khám phá, trải nghiệm một nền văn hóa mới. Vì vậy, tôi đã hướng tới các quốc gia Đông Nam Á. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi quyết định chọn Việt Nam, một quốc gia đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đa dạng về mặt khoa học, văn hóa và tự nhiên. Với mạng lưới đối tác Pháp phong phú, USTH dường như là một lựa chọn hoàn hảo cho kỳ thực tập của tôi. Hơn nữa, nhờ vị trí nằm tại Hà Nội, về khía cạnh sinh hoạt cũng sẽ thuận lợi hơn cho tôi.
USTH: Bạn có thể chia sẻ đôi nét về việc học tập và cơ duyên nào đã đưa bạn đến với quyết định trở thành một sĩ quan Hàng không và Vũ trụ?
Antoine: Tôi tốt nghiệp THPT tại Moselle, Pháp, sau đó theo học chương trình dự bị của trường Hàng không và Vũ trụ Pháp tại trường sĩ quan không quân tại Grenoble. Mặc dù vào lần thi đầu tiên vào trường Hàng không và Vũ trụ Pháp, tôi đã không thành công, nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc. Cuối cùng nỗ lực của tôi đã được đền đáp khi tôi trúng tuyển vào trường vào tháng 8 năm 2021. Khi còn nhỏ, tôi bắt đầu làm quen với quân đội khi cùng bố mẹ tham gia các buổi trình diễn máy bay và bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ trở thành một phi công trong quân đội. Với việc trúng tuyển vào trường Hàng không và Vũ trụ Pháp, tôi đã dần hiện thức hóa được ước mơ ấp ủ từ thời thơ ấu.
Mục tiêu của tôi là trở thành phi công chiến đấu, điều khiển máy bay chiến đấu Rafale. Với tôi, kỹ năng làm việc nhóm rất quan trọng. Phi công chiến đấu phải triển khai nhiều nhiệm vụ như kiểm soát trên không, trinh sát và hiểu về luật hàng không.
USTH: Bạn đã chuẩn bị thế nào cho việc học của mình?
Antonie: Học tập chăm chỉ trên lớp, không ngừng nâng cao sức khỏe thể chất bởi chúng tôi cần phải đáp ứng các bài kiểm tra thể lực trong các bài thi có tính cạnh tranh cao là những yếu tố quan trọng với tôi để đảm bảo việc huấn luyện đạt kết quả tốt. Luôn tập trung và giữ vững mục tiêu sẽ là kim chỉ nam để tôi vượt qua những khó khăn, thử thách trong suốt khóa học.
USTH: Bạn mong muốn học hỏi được điều gì qua kỳ thực tập tại USTH?
Antoine: Kỳ thực tập nước ngoài mang đến nhiều lợi ích khi bạn được hòa nhập vào môi trường học tập và làm việc quốc tế. Đó là cơ hội tuyệt vời để khám phá một nền văn hóa mới với nhiều trải nghiệm phong phú. Hơn nữa, bạn có thể xây dựng các mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp quốc tế thông qua gặp gỡ những người bạn mới. Thực tập nước ngoài sẽ thúc đẩy bạn bước ra khỏi vùng an toàn, thúc đẩy bản thân phát triển nhanh cả về phương diện cá nhân lẫn chuyên môn trong môi trường không quen thuộc như ở Pháp. Đối với tôi, kỳ thực tập giúp tôi hình dung về nhiệm vụ tương lai của mình ở nước ngoài sẽ diễn ra như thế nào, nhưng lần này là trên phương diện khoa học.
USTH: Từ những trải nghiệm ở USTH, bạn đánh giá đâu là thế mạnh của Nhà trường?
Antoine: USTH là một trường đại học trẻ và giàu nguồn lực, thu hút một lượng đông đảo sinh viên Việt Nam và quốc tế. Trường đào tạo các ngành học và các đề tài nghiên cứu đa dạng, mà theo tôi rất cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam. USTH nhận được sự hỗ trợ và chung tay phát triển của nhiều thành viên, trong đó có những nhà nghiên cứu Pháp đến Trường công tác ngắn hạn và trung hạn. Với kiến thức chuyên môn từ nhiều lĩnh vực khác nhau, các nhà nghiên cứu nước ngoài đã “làm giàu” thêm môi trường học thuật tại USTH. Trong kỳ thực tập, tôi thậm chí còn có cơ hội gặp gỡ với các nhà nghiên cứu người Nhật Bản.
USTH: Tại sao bạn lại muốn khuyến khích các bạn trẻ tham gia vào các kỳ trao đổi tại nước ngoài?
Antoine: Kỳ thực tập tại nước ngoài là một cơ hội hiếm mà tôi nghĩ rằng các bạn trẻ nên nắm bắt trong quá trình học tập. Giống như tôi đã chia sẻ ở phía trên, thực tập tại nước ngoài sẽ mang đến nhiều lợi ích góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cũng như làm cuộc sống của chúng ta thêm phong phú. Đặc biệt, chúng ta có thể làm quen với các bạn sinh viên, người nước ngoài đến từ khắp thế giới, trao đổi kiến thức và văn hóa.
USTH: Đâu là những đức tính cần thiết đối với một sĩ quan quân đội và theo bạn phẩm chất nào là quan trọng nhất?
Antoine: Để trở thành một sĩ quan quân đội, bạn sẽ cần phải trau dồi nhiều kỹ năng và phẩm chất mặc dù bạn không thể đạt đến độ tuyệt đối ở tất cả các khía cạnh này. Tôi tin rằng tinh thần đồng đội và tính nhân văn thực sự quan trọng bởi chúng tôi là thành viên của một tập thể lớn, phải tương trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã trau dồi bản lĩnh và tính kỷ luật cần thiết để phục vụ công việc. Tuy nhiên, tôi vẫn cần rèn luyện để nâng cao năng lực của bản thân.
USTH: Trong thời gian rảnh rỗi, bạn thường tham gia các hoạt động gì?
Antoine: Việc học tập và tập luyện diễn ra khá căng thẳng nhưng chúng tôi vẫn có thời gian rảnh, đặc biệt vào cuối tuần. Tôi tận dụng khoảng thời gian này để chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè và theo đuổi sở thích về xe máy, nhảy dù, lái máy bay hạng nhẹ tại câu lạc bộ bay.
USTH: Bạn có thể chia sẻ với chúng tôi một câu chuyện thú vị hay điều mà bạn cảm thấy ấn tượng nhất khi đến Việt Nam, đặc biệt là đến với USTH?
Antoine: Một câu chuyện thực sự khó có thể mô tả hết trải nghiệm tuyệt vời của tôi khi ở Việt Nam. Nền văn hóa và phong cảnh Việt Nam thật sự khác biệt với những gì quen thuộc với tôi. Mỗi ngày, tôi đều cảm thấy bất ngờ với những điều mới mẻ. Cuộc sống ở Việt Nam thực sự thoải mái vì sự hiếu khách của người dân địa phương. Ví dụ, khi trong một chuyến đi leo núi ở miền Bắc, tôi đã được một nhóm người dân địa phương mời ăn trưa, vui vẻ chia sẻ với tôi về phong tục và văn hóa của họ. Dù ở USTH hay ở bất kỳ nơi nào ở Việt Nam, tôi đều cảm thấy cuộc sống thú vị và mối quan hệ với người Việt Nam ý nghĩa và sâu sắc.