Đang theo học ngành Kinh tế Đối ngoại tại Đại học Ngoại thương, Lê Ngọc Đức có bước chuyển táo bạo sang theo học ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano tại USTH. Bước ngoặt này đã tạo bước đệm vững chắc để Đức theo đuổi đam mê trong lĩnh vực Vật lý các pha và vật chất topo sau này.
Quyết định táo bạo từ Đại học Ngoại thương đến USTH
Ngược dòng thời gian trở về năm 2014, khi Đức đang là sinh viên năm 2 tại Đại học Ngoại thương (FTU), một trong những trường đào tạo kinh tế hàng đầu Việt Nam. Tưởng chừng sẽ gắn bó với lĩnh vực kinh doanh và thương mại, nhưng trong quá trình học tập, Đức vẫn luôn dành một sự quan tâm đặc biệt đến Toán học và Vật lý– những lĩnh vực hoàn toàn khác với chuyên ngành mà cậu đang học.
Trong khoảng thời gian ấy, Đức nhận thấy những nguyên lý vật lý nền tảng và tiềm năng ứng dụng của Vật lý vật chất ngưng tụ (condensed matter physics) trong khoa học công nghệ hiện đại. Sau nhiều suy nghĩ và với sự ủng hộ của gia đình, cậu đưa ra một quyết định táo bạo: rẽ hướng hoàn toàn sang một lĩnh vực mới, thay đổi định hướng sự nghiệp của bản thân.
Tình cờ, trong một lần truy cập website của USTH, Đức phát hiện rằng trường có đào tạo ngành Khoa học Vật liệu Tiên tiến và Công nghệ Nano (AMSN) – một lĩnh vực có nhiều điểm tương đồng với định hướng mà cậu đang tìm kiếm. “Chương trình AMSN trang bị những kiến thức nền tảng quan trọng như Cơ học lượng tử, Vật lý chất rắn, Điện từ trường, Phương pháp số. Đây là những nền tảng quan trọng để mình nghiên cứu chuyên sâu về Vật lý vật chất ngưng tụ sau này. Vì vậy, có thể nói AMSN là một ngành học gần và phù hợp nhất với nguyện vọng của mình.”
Tuy nhiên, với tính cách cẩn trọng, Đức không đưa ra quyết định một cách vội vàng. Sau khi phân tích kỹ lưỡng và lên kế hoạch, cậu nhận thấy rằng mình có thể hoàn thành các môn học và khóa luận tốt nghiệp năm cuối tại FTU đồng thời bắt đầu năm học đầu tiên tại USTH. Với chương trình đại học chỉ kéo dài 3 năm tại USTH, dù phải học lại từ đầu ở một lĩnh vực hoàn toàn mới, Đức vẫn có thể tốt nghiệp và sở hữu hai bằng đại học chỉ muộn hơn hai năm so với kế hoạch ban đầu.
Đức chia sẻ một trong những yếu tố quan trọng khác thúc đẩy quyết định của Đức là chương trình học bằng tiếng Anh tại USTH. Với xuất phát điểm là học sinh hệ tiếng Pháp suốt 12 năm phổ thông và tiếp tục theo học đại học với ngoại ngữ chính là tiếng Pháp, Đức chưa từng được đào tạo tiếng Anh một cách bài bản trong môi trường chính khóa. “Nhờ học tại USTH, mình có điều kiện trau dồi và thành thạo thêm một ngoại ngữ nữa. Quả thật, điều này mang đến cho mình nhiều lợi thế và cơ hội,” Đức khẳng định.
Mảnh đất “Nano”- nơi giao thoa của những điều kỳ diệu
Có thể nói, quyết định đến với USTH đã mở ra cho Đức cơ hội được dấn thân vào nghiên cứu khoa học theo cách bài bản và chuyên nghiệp . Cậu không chỉ được học kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, mà còn có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động đáng nhớ.
Đức ví ngành Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano giống như một mảnh đất màu mỡ giao thoa của nhiều lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Khoa học Vật liệu và Sinh học trong khoa học. Và mảnh đất “Nano” này cũng chứng kiến sự gặp gỡ của những người bạn có nền tảng kiến thức khác nhau cùng gặp gỡ, học tập và làm việc, tựa như những người đến từ nhiều nền văn hóa gặp gỡ và tiếp xúc với nhau. Chính sự khác biệt và đa dạng của mỗi cá nhân đã tạo thành chất xúc tác cho sự sáng tạo. Rồi từ giao điểm ấy, mỗi người lại tiếp tục một hành trình riêng: có người quay lại vùng đất nơi mình xuất phát với trải nghiệm và kiến thức mới, có người đi qua “Nano” để đến một miền đất mới, và cũng có người tìm thấy thành công ngay tại “Nano”.
Còn về phần mình, dù không ở lại mảnh đất “Nano” mà tiếp tục cuộc hành trình đi về vùng đất Vật lý, song Đức luôn coi quãng thời gian sống tại mảnh đất đó là một trong những khoảng thời gian vui và đẹp nhất cuộc đời mình.

Từng bước chạm đến mục tiêu
Tốt nghiệp USTH, Đức đã đến Pháp để theo học chương trình thạc sĩ Nanoscale Engineering tại École Centrale de Lyon và tiến sĩ Vật lý tại Đại học Paris-Saclay. Sau quá trình phấn đấu và nỗ lực miệt mài, Đức đã trở thành nhà nghiên cứu Vật lý về các pha và vật chất topo , đúng những gì cậu từng đặt mục tiêu và mơ ước. Hiện tại, Đức đang công tác tại Trung tâm Vật lý Quốc tế Donostia, Tây Ban Nha và nghiên cứu về các hệ photonics có tính chất topo (topological photonics) –một nhánh của Vật lý các hệ topo có nhiều ứng dụng trong viễn thông, quang học .
Ngoài ra, Đức cũng đang phát triển nghiên cứu về hiệu ứng Hall lượng tử phân số (fractional quantum Hall effect) và cách điện Chern phân số (fractional Chern insulator), hai chủ đề mở rộng từ luận án tiến sĩ của cậu. Những nghiên cứu này liên quan đến các pha và vật chất topo của các hệ electron tương tác mạnh .
Công việc hàng ngày của Đức tập trung vào vật lý lý thuyết và tính toán, bao gồm xây dựng các Hamiltonian và giải chúng bằng các phương pháp số như chéo hóa chính xác (Exact Diagonalization). Đối với các hệ photonics, cậu còn sử dụng các phương pháp mô phỏng tiên tiến như RCWA (Rigorous Coupled-Wave Analysis) và FDTD (Finite-Difference Time-Domain) để phân tích các hiện tượng vật lý trong môi trường quang học.

Khi nhìn lại quá trình học tập của mình, Đức nhận thấy rằng một trong những nền tảng quan trọng nhất mà USTH mang lại chính là khả năng học tập và nghiên cứu bằng tiếng Anh. Theo Đức, được học trong một môi trường quốc tế ngay từ sớm không chỉ giúp cậu dễ dàng tiếp cận tài liệu khoa học mà còn tự tin hơn khi giao tiếp, trao đổi trong các hội nghị chuyên ngành. Bên cạnh đó, những kiến thức từ Cơ học lượng tử, Vật lý chất rắn và Phương pháp số cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình nghiên cứu sau này của Đức. “Có những kiến thức lúc học mình chưa thực sự hiểu hết, nhưng khi gặp lại trong nghiên cứu, mình mới thực sự nắm bắt và ứng dụng chúng một cách có hệ thống,” Đức chia sẻ.
Ngoài việc học và nghiên cứu, Đức cũng dành thời gian đi thăm thú những thành phố tại châu Âu. Một trong những địa điểm để lại ấn tượng mạnh nhất với cậu là thành phố Donostia-San Sebastian, nằm gần biên giới Pháp và Tây Ban Nha, nơi Đức đang làm việc. Nổi tiếng với vị trí địa lý thuận lợi, cùng bãi biển đẹp và người dân thân thiện, nơi đây trở thành địa điểm ưa thích để tổ chức các sự kiện giao lưu của cộng đồng học thuật quốc tế như trường hè, hội nghị, hội thảo…
Câu chuyện của Đức là minh chứng cho tinh thần dám thay đổi và dấn thân theo đuổi đam mê. Bằng sự kiên trì và nỗ lực, Đức đang ngày càng vững bước hơn trên con đường mình lựa chọn. Chúc em sẽ tiếp tục tỏa sáng và gặt hái nhiều thành công trong những dự án nghiên cứu tương lai!