Ngày 11 – 15/9/2023 vừa qua, Khoa Vũ trụ và Ứng dụng (USTH) cùng các đối tác trong và ngoài nước đồng tổ chức “Trường hè Quan sát Trái đất” (Vietnam School of Earth Observation, viết tắt là VSEO) lần thứ 3 tại Quy Nhơn, Việt Nam.
VSEO được khởi xướng và thành lập năm 2018 bởi các nhà khoa học Pháp và Việt Nam, trong đó đóng vai trò chính có TS. Yannick Giraud-Héraud – nguyên Trưởng khoa, Khoa Vũ trụ và Ứng dụng (USTH). VSEO không đơn thuần là cái nôi ươm tạo và lan tỏa kiến thức khoa học, mà còn được kỳ vọng trở thành cầu nối hợp tác, mở rộng quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước trong lĩnh vực Quan sát Trái đất. Điểm đặc biệt của VSEO là sự thu hút đông đảo người tham dự thuộc nhiều lứa tuổi, thế hệ khác nhau, từ những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đến các bạn sinh viên đang “chập chững” trên con đường nghiên cứu, khám phá khoa học.
Năm nay, VSEO-3 được đồng tổ chức bởi Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Trung tâm nghiên cứu không gian Pháp (CNES), Cơ quan phát triển Pháp (IRD), Khoa Vũ trụ và Ứng dụng (USTH), và một số đơn vị tài trợ khác.
Tiếp nối thành công của VSEO-1 (2018) về “Viễn thám Khí quyển”, VSEO-2 (2019) về “Viễn thám trong nghiên cứu lũ lụt và đất ngập nước”, sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, VSEO-3 đã trở lại với chủ đề “Ứng dụng Viễn thám Radar trong nghiên cứu bề mặt tại Việt Nam”. Nội dung chính của VSEO-3 là giảng dạy lý thuyết và thực hành cho các nhà khoa học, các thế hệ nghiên cứu trẻ ở Việt Nam và Đông Nam Á về ứng dụng dữ liệu Radar cho theo dõi lúa và biến động rừng trên khu vực.
Đội ngũ giảng viên của VSEO-3 quy tụ các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực viễn thám và quan sát Trái đất của Pháp và Việt Nam. Cụ thể, về phía Pháp, có sự tham dự của: TS. Linda Tomasini (CNES); TS. Lê Toàn Thủy, TS. Bouvet Alexandre (Trung tâm CESBIO, Toulouse, Pháp); TS. Dounias Edmond, TS. Ferrant Sylvain (IRD); TS. Poupée Marc (Trường Quốc gia về Khoa học Địa lý Pháp); TS. Doblas Juan, TS. Mermoz Stephane (Công ty GlobEO, Toulouse, Pháp). Về phía Việt Nam, có sự tham gia của: PGS. TS. Ngô Đức Thành (USTH), TS. Lâm Đạo Nguyên (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam), TS. Nguyễn Hữu Quyền (Viện Khoa học Khí tượng Thủy Văn & Biến đổi khí hậu).
Ngoài ra, VSEO-3 thu hút 30 học viên tham gia gồm sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên từ các nước như Pháp, Việt Nam, Brazil, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Campuchia, … Chính điều này đã tạo nên môi trường quốc tế đa văn hóa, mở rộng mạng lưới kết nối, hợp tác và là điểm nhấn của sự kiện trường hè.
Trong suốt một tuần diễn ra sự kiện, VSEO-3 tập trung vào hướng dẫn về cả lý thuyết và thực hành về việc sử dụng Viễn thám Radar trong nghiên cứu bề mặt Trái Đất, đặc biệt là trong việc theo dõi lúa và rừng. Các chuyên gia mang đến những kiến thức và thông tin “đắt giá” với hàm lượng chuyên môn cao về các công cụ và thuật toán xử lý ảnh Radar trên các phần mềm chuyên dụng và trên nền tảng điện toán đám mây, tiết kiệm thời gian, kinh phí và đáp ứng nhiều mục đích nghiên cứu khác nhau.
Đồng thời, chuyến tham quan rừng ngập mặn trên khu vực đầm Thị Nại và ruộng lúa nhà thờ Làng Sông đã giúp học viên có cơ hội quan sát thực tế cấu trúc rừng ngập mặn, lắng nghe các chuyên gia và những người trực tiếp canh tác trình bày về quá trình phát triển, chăm sóc cây lúa. Những kiến thức thực địa này góp phần mở mang vốn hiểu biết về quá trình thay đổi thực vật nhận được trên ảnh Radar.
Bên cạnh lý thuyết, các học viên được thực hành về quan trắc sự mất rừng hàng năm và phân vùng lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long sử dụng dữ liệu Radar trên nền tảng điện toán đám mây. Từ những kiến thức trên, cộng đồng khoa học của VSEO-3 đã thảo luận sôi nổi về khả năng ứng dụng ảnh Radar cho các nghiên cứu về tài nguyên, môi trường. Đây hứa hẹn sẽ là tiền đề cho nhiều ý tưởng, nghiên cứu có giá trị trong tương lai.
VSEO-3 khép lại với nhiều cảm xúc. Các học viên đều đánh giá cao và đã có nhiều nhận định rằng đây là trường hè thú vị và ý nghĩa nhất mà họ từng tham gia. Nó không chỉ là “địa hạt” riêng về khoa học mà còn là “cầu nối” trong hợp tác, trao đổi kiến thức và giao lưu cả trong và ngoài nước.
Đại diện Ban Tổ chức, PGS. TS. Ngô Đức Thành chia sẻ rằng Trường hè VSEO-3 đã thực sự thành công. Đồng thời, ông cũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến các nhà tài trợ, giảng viên và đặc biệt là các học viên đã góp phần tạo nên sự thành công của Trường hè năm nay. Cùng với sự đồng hành của các đối tác và các nhà khoa học, Ban Tổ chức VSEO cam kết sẽ tiếp tục xây dựng Trường hè phát triển hơn nữa trong những năm tới.