Dũng cảm chọn hướng đi riêng
Khái niệm “nano” giờ đây dường như không còn quá xa lạ với nhiều người, tuy nhiên dưới góc nhìn của các bạn sinh viên, đây vẫn là một ngành học có phần “khó nhằn” và không nhiều bạn đủ can đảm theo học. Nỗi băn khoăn về “đầu ra” của ngành có lẽ là trở ngại lớn nhất trong sự lựa chọn đến với Nano của các bạn sinh viên. Nguyễn Ngọc Đức, thạc sĩ ngành Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ Nano (Khoa nano), cũng đã từng có những lo lắng như vậy khi bắt đầu vào học tại USTH.
“Khi quyết định học ở USTH, hành trang của mình chỉ vỏn vẹn là tình yêu hóa học. Lúc đó, giống như phần đông các bạn sinh viên khác, ngành khoa học vật liệu vẫn là một khái niệm còn khá xa lạ đối với mình. Những ngày bắt đầu, mình cũng phải đối mặt với nhiều thử thách bởi vì đây là ngành học liên ngành, đòi hỏi học viên không chỉ phải nắm chắc môn học chuyên ngành của mình mà còn phải có hiểu biết về các môn học liên quan. Thế nhưng càng học, mình càng phát hiện ra đây là một lĩnh vực có tính thực tiễn rất cao.” Công nghệ nano được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, ví dụ như khẩu trang nano bạc có tác dụng diệt vi khuẩn, thuốc chứa nano nghệ tăng hiệu quả chữa bệnh hay rất nhiều linh kiện trong chiếc điện thoại hay máy tính chúng ta đang dùng cũng là kết quả của công nghệ này.
Bên cạnh đó, bạn cũng khẳng định hiện nay ở Việt Nam, ngành này chưa phổ biến nhưng Khoa học vật liệu, cụ thể là Công nghệ nano đã là ngành học “đinh” trong lĩnh vực khoa học công nghệ trên thế giới. Ngành này vận dụng và kết hợp chặt chẽ kiến thức của những ngành học khác để chế tạo ra sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của con người. Nhờ đó, sinh viên tốt nghiệp sẽ có cơ hội thử sức ở nhiều lĩnh vực khoa học ứng dụng khác nhau, mở rộng triển vọng việc làm trong tương lai. Đây cũng là lí do thúc đẩy Đức quyết tâm giành học bổng du học Pháp với hi vọng theo đuổi nhiều hướng nghiên cứu sáng tạo trong tương lai.
Nắm bắt cơ hội để phát triển
Khi được hỏi về bí kíp giành học bổng Excellence – học bổng toàn phần danh giá cho Tiến sĩ do đại sứ quán Pháp cấp – Đức chia sẻ bên cạnh kết quả học tập, điều kiện thuận lợi là bạn có một dự án nghiên cứu triển vọng. “Được tham gia nhóm nghiên cứu về lá nhân tạo của TS. Trần Đình Phong, trước đây là Đồng Trưởng khoa Nano, đối với mình là một may mắn. Lá nhân tạo hấp thụ ánh sáng mặt trời, cùng với nước để sản xuất ra khí oxy và hydro, từ đó tạo ra một nguồn năng lượng khỏe và sạch có khả năng thay thế cho năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường hiện nay. Đây là một hướng nghiên cứu hay và ấn tượng nhờ giá trị thực tiễn mà kết quả thu được mang lại.”
Cơ hội được trực tiếp tham gia vào dự án nghiên cứu của giảng viên trong trường là một trong những trải nghiệm đáng quý của Đức ở USTH. Bên cạnh việc làm quen với những dụng cụ thí nghiệm và học cách sử dụng các trang thiết bị, máy móc phức tạp, trong quá trình tham gia dự án, bạn còn được tiến hành thí nghiệm, thảo luận kết quả nghiên cứu cũng như trình bày các vấn đề còn khúc mắc. Mỗi khi nghiệm thu ra kết quả khả quan, Đức lại tự hào vì đã vận dụng tốt những kiến thức mình học để đóng góp vào sự thành công chung của cả nhóm.
Tuy nhiên, một dự án hay chưa phải là tất cả, các ứng viên cần phải có khả năng trình bày mạch lạc giá trị của dự án đó trước hội đồng phỏng vấn. Đức thường hay đùa rằng học ở USTH cũng không khác gì “du học nước ngoài ở Việt Nam”, bởi vậy bạn không hề bị “khớp” trước những câu hỏi của hội đồng. Trong quá trình học tập ở USTH, bên cạnh việc toàn bộ chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh, các buổi thuyết trình hay trao đổi nhóm là một phần không thể thiếu trong chương trình học. Những tiết học này đã rèn luyện cho Đức tư duy phản biện, khả năng trả lời lưu loát các câu hỏi bất ngờ cũng như phong thái tự tin khi trình bày ý kiến của mình.
Ngoài ra, để trả lời các câu hỏi phỏng vấn của giám khảo, ứng viên không chỉ phải có nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc mà còn cần có những hiểu biết nhất định về tình hình nghiên cứu trên toàn thế giới. Đức cười khi nhớ lại “luật” mà thầy Phong đặt ra với tất cả học sinh. Thầy yêu cầu cứ thứ sáu hàng tuần, các bạn trong khoa sẽ phải lên các tạp chí về khoa học để đọc và cập nhật xem tuần vừa rồi họ đã làm được những gì, có hướng nghiên cứu gì mới. “Nhờ đó mà mình có cái nhìn bao quát hơn về tình hình phát triển của khoa học trong khu vực cũng như ở nước ngoài, và cũng hiểu được vị trí của mình trong mạng lưới nghiên cứu quốc tế,” Đức nhận xét.
Khi được hỏi về nguồn động lực thôi thúc bạn tiếp tục học lên đến tiến sĩ về Công nghệ nano, Đức chia sẻ: “Cái cảm giác khi lần đầu tiên làm ra một chiếc lá nhân tạo hoạt động sau sáu tháng nghiên cứu liên tục, nhìn thấy bong bóng là oxy và hydro trào lên khỏi dung dịch, chắc không bao giờ mình có thể quên. Đó là khoảnh khắc mà mình biết rằng mình đã đi đúng hướng. Niềm tin chế tạo ra được những sản phẩm có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của gia đình, của bạn bè và của những người xung quanh là nguồn động lực to lớn nhất để mình theo đuổi con đường đã chọn.”
Theo thống kê gần đây của USTH, năm học vừa qua, Khoa Nano sở hữu tỉ lệ thạc sĩ nhận học bổng cao nhất trong số các ngành đào tạo của trường, với 80% sinh viên giành được học bổng. Từ học bổng theo kì do trường cấp cho đến các học bổng lớn hơn như học bổng Odon Vallet, học bổng Erasmus hay học bổng Excellence danh giá đều in “dấu chân” của sinh viên ngành vật liệu. Hai nhóm nghiên cứu ở khoa Nano là CECS (tên cũ là NENS) với trưởng nhóm – TS. Trần Đình Phong, Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Ứng dụng, và EBM do TS. Nguyễn Văn Quỳnh, Đồng Trưởng khoa và TS. Vũ Thị Thu, giảng viên khoa Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano hướng dẫn đều thu hút sự tham gia của nhiều sinh viên, thạc sĩ trong khoa. |