Thời gian: 10:00 AM, Thứ ba, 04/12/2018
Địa điểm: Hội trường 502, Tầng 5, Tòa nhà A21, số 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Carbon đen (BC, hoặc bồ hóng) là sản phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn các nhiên liệu hóa thạch, nhiên liệu sinh học và sinh khối, và được thải ra cùng với các khí phát xạ khác. Carbon đen và các khí phát xạ đồng phát sinh gây ô nhiễm không khí, đồng thời là một trong những nguyên nhân làm suy giảm sức khỏe và giảm tuổi thọ của con người. Bồ hóng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến khí hậu trên trái đất khi tạo ra bức xạ trực tiếp đến bầu khí quyển, ước tính bằng 40% bức xạ gây ra bởi hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, đây cũng là yếu tố tác động xấu đến sự hình thành mây và lượng mưa, đẩy nhanh hiện tượng nóng lên của trái đất.
Thực tế, ngoài những tác động trực tiếp đến sức khỏe và khí hậu, còn có một số ảnh hưởng tiêu cực thường bị bỏ qua của carbon đen trong đại dương. Tuổi thọ khí quyển của carbon đen khá ngắn, do vậy gần như toàn bộ carbon đen thải ra hoặc sẽ lắng đọng trực tiếp trên bề mặt đại dương, hoặc tích tụ trên đất, rồi được mưa và các dòng chảy vận chuyển ra biển. Kết quả là carbon đen sẽ hấp thụ các chất gây ô nhiễm trong nước biển và đưa chúng vào trong chuỗi thức ăn, gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái tự nhiên, cũng như gây nhiễm độc nguồn thực phẩm. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực này, nghiên cứu về tỷ lệ phát thải và lắng đọng của carbon đen là vô cùng quan trọng.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên biển, TS. Xavier Mari sẽ giới thiệu về dự án SOOT-SEA, với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và đổi mới liên quan đến các tác động tiêu cực của hiện tượng carbon đen đến môi trường và sức khỏe con người.
TS. Xavier Mari hiện đang nghiên cứu và làm việc đồng thời tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển (IMER, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và USTH. Ông là tác giả hoặc đồng tác giả của gần 50 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế liên quan đến các chủ đề về môi trường và đại dương.